Viếng khu di tích lịch sử Kim Liên – Di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đến Xứ Nghệ, điểm đến sẽ được rất nhiều người ưu tiên đến đầu tiên là khu di tích Kim Liên. Đây là một trong những di tích có giá trị đặc biệt quan trọng liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vị trí khu di tích Kim Liên
Khu di tích Kim Liên nằm trên địa bàn các xã Kim Liên, Nam Giang thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Khu di tích này nằm cách thành phố Vinh 15 km theo quốc lộ 49 (nay là quốc lộ 46). Đây được đánh giá là một trong những khu di tích quan trọng bậc nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây lưu giữ những hiện vật, tài liệu và không gian văn hóa – lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Bác.
Phương tiện di chuyển đến khu di tích
Để đến được khu di tích lịch sử Kim Liên, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng nhiều loại phương tiện như: ô tô, xe buýt, xe khách, tàu hỏa hoặc xe máy với một hành trình phượt đầy thú vị.
1. Di chuyển bằng máy bay
Cảng hàng không Vinh nằm tại xã Nghi Liên, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh 7km. Mỗi ngày, sân bay đón 2 chuyến bay từ Hà Nội và 3 chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh của các hãng không Vietnam Airlines và Vietjet Air. Sau khi xuống máy bay, du khách có thể bắt taxi hoặc đi xe buýt đến khu di tích lịch sử Kim Liên.
2. Di chuyển bằng tàu hỏa
Ga tàu hỏa Kim Liên cách Làng Kim Liên (tên Nôm là Làng Sen) khoảng 7km. Mỗi ngày ga đón tầm 12 chuyến tàu thống nhất Bắc – Nam khởi hành từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi xuống sân ga, du khách có thể bắt xe buýt tuyến 01 đến làng Sen.
3. Di chuyển bằng ô tô
Từ Hà Nội đến Nam Đàn, du khách đi theo đường quốc lộ 1A. Đến Cầu Lò, tỉnh Nghệ An, bạn rẽ theo quốc lộ 46. Đi thêm 7km nữa, bạn sẽ đến được Làng Sen. Thời gian di chuyển hết khoảng 6 tiếng đồng hồ.
Khám phá các điểm tham quan tại khu di tích Kim Liên
1. Cụm di tích Làng sen
Làng Sen hay còn được gọi là Làng Kim Liên là quê nội của Bác Hồ. Vào mùa hè, đường vào làng Kim Liên thơm ngát mùi hoa sen, thoang thoảng hương cau điểm tô. Không gian vô cùng thanh bình và tĩnh lặng.
Đặc biệt, tại làng quê yên bình này, có một nhà tranh 5 gian do nhân dân trong huyện quyên góp tặng thân phụ của Bác khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng. Trong ngôi nhà đơn sơ với phên dậu vách nứa ấy, ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan đã dạy các con những nét chữ đầu tiên cũng như những bài học về tình yêu quê hương, đất nước.
2. Cụm di tích làng Hoàng Trù
Cụm di tích làng Hoàng Trù là quê ngoại Bác Hồ. Đây chính là nơi Bác cất tiếng khóc chào đời và lớn lên đến lúc 5 tuổi, trước khi về quê nội. Giữa những hàng cau đang vươn lên xanh vút là ngôi nhà tranh 3 gian. Ngôi nhà được ông ngoại Bác Hồ xây dựng cho con gái và con rể sinh sống.
Ngôi nhà vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn những kỷ vật của gia đình Bác: kia là chiếc khung cửi gỗ kẽo kẹt đưa thoi, kia là chiếc vòng gai sờn bạc, này bút nghiên, bàn gỗ…
3. Mộ bà Hoàng Thị Loan
Bà Hoàng Thị Loan là thân mẫu của Hồ Chủ Tịch. Bà là con gái của dòng họ Hoàng Xuân, là người phụ nữ có học, đảm đang và tháo vát. Bà đã ru con bằng những lời hát ru ngọt ngào; những bài ca dao trữ tình và những câu chuyện cổ tích để làm nên một trái tim bao la yêu thương của Bác. Sau khi qua đời, bà Hoàng Thị Loan được an táng trên núi Lộng Tranh. Hiện khu vực này đã được xây dựng thành một khu tưởng niệm, du khách mỗi lần ghé qua đều thắp nén tâm nhang lên người mẹ hiền này.
Khu mộ với trung tâm là ngôi mộ của bà Hoàng Thị Loan được xây dựng từ năm 1984 và hoàn thành năm 1985. Tại nền sân thượng hình bán nguyệt, trước ngôi mộ có dựng một tấm bia lớn tạc tiểu sử và công lao của bà Hoàng Thị Loan bằng đá đen. Hai bên tả hữu là đường đi lên và đường đi xuống. Chúng được làm thành nhiều bậc đá khác nhau giống như hai dải lụa đào xõa xuống từ khung cửi.
4. Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là ngôi nhà 5 gian được dân làng Sen, quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh dựng lên từ quỹ công của dân làng để mừng ông Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đỗ phó bảng khoa thi Hội năm 1901. Trong ngôi nhà này, cụ Sắc dành 2 gian để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Nguyễn Sinh Sắc với bộ phản gỗ kề bên cửa sổ chính. Bên cạnh đó là chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ. Đây cũng là nơi cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước vào các buổi tối.
Những điều cần biết khi đến khu di tích Kim Liên
- Tháng 5 là thời điểm đẹp nhất để ghé thăm Quê Bác. Bởi lúc này trời trong xanh, mây hiền hòa và các đầm sen nở rộ tỏa hương thơm ngào ngạt.
- Bạn hãy lắng nghe hướng dẫn viên tại điểm, hay những người dân địa phương ở Kim Liên thuyết minh để hiểu hơn về cuộc đời của Bác lúc nhỏ.
Khu di tích lịch sử Kim Liên là một địa chỉ rất nên đến. Hành trình du lịch chúc bạn có một chuyến đi với nhiều điều học hỏi, lắng đọng.
Xem thêm: Đảo Tam Hải – vùng đất mơ mộng tự tiên cảnh
Người viết: Thùy Dương