Bánh khoái Huế – khoái hay chưa khoái
Bánh khoái – một cái tên nghe lạ mà vui tai. Khoái bởi vì nó ngon, ngon từ hương vị tới màu sắc. Chưa khoái bởi vì một cái thôi chưa đã, phải ăn thêm. Một đặc sản Cố đô mà ai đã ăn cũng đều khen ngợi.
- Top 10 Món Ăn Phải Thử Khi Du Lịch Huế
- Lịch trình du lịch Cố Đô Huế 2 Ngày 1 Đêm
- Lịch trình khám phá Thừa Thiên Huế 2 ngày 1 đêm
- Lịch trình khám phá tham quan Huế 3 ngày 2 đêm
- Lịch Trình Khám Phá Huế 3 Ngày 2 Đêm
Bánh khoái có hình tròn theo dạng khuôn đổ, được làm từ thành phần chính đó là bột gạo, có nhân ở trên, thường được ăn kèm với rau sống và nước chấm. Cách làm bánh khoái giống với bánh xèo Nam Bộ nhưng nhỏ và dày hơn.
Nguồn gốc ra đời của bánh khoái
Theo người dân, nó đã có mặt rất lâu trên đất Huế, có thể gần 100 năm. Có người nói bánh này có nguồn gốc từ bánh xèo của miền Nam nhưng có phần nhân khác lạ hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là phỏng đoán. Cho đến nay, nguồn gốc bánh khoái vẫn còn là điều gây tranh cãi và chưa có kết luận chính thức.
Tại sao gọi là bánh khoái?
Một số người cho rằng, bánh khoái có cái tên như vậy vì người ta thường “đổ” bánh bằng nồi dạng khuôn. Lúc mở nắp nồi thì khói bay nghi ngút, người Huế đọc từ “khói” tựa “khoái” nên mới có cái tên độc đáo như vậy.
Nhưng cũng có người giải thích theo hương vị của nó, nghĩa là khi ăn cảm thấy “khoái khẩu” và ngon miệng nên mới gọi là “bánh khoái”.
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu làm vỏ bánh
Vỏ bánh được làm bằng bột gạo pha với nước, cho thêm ít bột nghệ để tạo màu. Nêm gia vị muối, bột ngọt vừa ăn tạo thành một hỗn hợp bột sền sệt. Công thức pha bột làm bánh được nhiều nơi làm bánh khoái cho là bí quyết gia truyền để làm sao tạo nên độ giòn ngon của vỏ bánh.
Nguyên liệu làm nhân bánh
Nhân bánh gồm có tôm sông, giò sống, trứng gà, thịt ba chỉ, giá đỗ là những nguyên liệu rất dễ kiếm. Ở đầm Chuồn Huế, còn có đặc sản là bánh khoái nhân cá kình, hoặc cũng có thể ăn với mực.
Quá trình đổ bánh và chuẩn bị nước chấm
Quá trình đổ bánh
Khuôn bánh làm bằng gang, hình tròn, có tay cầm. Khi dầu sôi, đổ một lớp bột mỏng vào khuôn. Bánh vừa chín vàng thì thêm tôm, chả, thịt, trứng, giá vào một bên, lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt. Vỏ bánh phải giòn và có màu vàng rơm thì mới đạt yêu cầu.
Sau khi bỏ nhân vào thì đậy nắp lại chờ khoảng tầm 3 phút cho chín bánh, cho thêm hành lá, chờ vỏ bánh vàng, xém cạnh thì đem ra.
Chuẩn bị nước chấm
Bánh khoái ngon hay không còn phụ thuộc vào nước chấm (người Huế còn gọi là nước lèo) của bánh.
Nước chấm được nấu từ hơn 10 loại gia vị, có thành phần từ gan heo và thịt nạc xay nhuyễn. Cùng với các gia vị là hành, tỏi, mè rang, đậu phộng, tương đậu nành, nước ruốc, mì chính,…tạo nên thứ nước chấm sền sệt. Điều này khiến thực khách sẽ xuýt xoa bởi sự khéo léo, tinh tế của người đầu bếp xứ Huế. Nước chấm phải sánh lại với nhau và có màu vàng nhạt mới chuẩn vị.
Cách bài trí bánh của người dân Huế
Bánh khoái khi chiên xong thơm lừng, có màu vàng rộm, được gập đôi lại để trên đĩa. Bánh bài trí kèm màu xanh của rau xà lách, rau thơm, màu trắng của giá, vàng kem của trái vả, màu vàng của trái khế ngọt, trông rất đẹp mắt. Tất cả những hương vị béo, ngọt, chua, the, bùi…đủ đầy trong miệng.
Một món ăn được lưu truyền từ xa xưa, qua cách chế biến tỉ mỉ của người làm bánh, bánh khoái trở thành món ăn quen thuộc trong nếp sống Cố đô. Và chắc hẳn là món ăn bạn không thể bỏ lỡ khi ghé thăm vùng đất này.
Người viết: Trường An