Đến Cung An Định xem tranh tường
Những bức tranh tường ở Cung An Định được xem là những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, trở thành điểm nhấn của di tích này. Ngoài ra, sự kết hợp tinh tế giữa phong cách kiến trúc Âu châu và lối trang trí truyền thống phương Đông cũng làm cho cung An Định trở thành một điểm đến văn hóa, lịch sử, nghệ thuật rất thú vị.
- Lịch trình du lịch Cố Đô Huế 2 Ngày 1 Đêm
- Lịch trình khám phá Thừa Thiên Huế 2 ngày 1 đêm
- Lịch trình khám phá tham quan Huế 3 ngày 2 đêm
- Lịch Trình Khám Phá Huế 3 Ngày 2 Đêm
Cung An Định nằm ở đâu?
Không đâu xa, cung An Định nằm ngay bên bờ sông An Cựu, cách trung tâm thành phố Huế tầm 2km. Cung tọa lạc tại số 197B đường Phan Đình Phùng, phường Phú Nhuận, thành phố Huế.
Đường đi đến cung An Định rất dễ. Nếu bạn xuất phát từ cầu Trường Tiền thì chạy thẳng theo đường Hùng Vương. Tới ngã tư thì rẽ phải vào đường Phan Đình Phùng, đi thêm một đoạn sẽ thấy biển cung An Định. Bạn có thể gửi xe bên ngoài hoặc khu vực để xe của cung. Thời gian di chuyển chỉ mất 5 – 10 phút.
Lịch sử hình thành cung An Định
Cung An Định gắn liền với một giai đoạn lịch sử đầy biến động dưới triều Nguyễn. Trước kia, cung có tên là Phủ Phụng Hóa, được vua Đồng Khánh cho xây dựng đầu thế kỷ XX. Năm 1917, sau khi vua Khải Định lên ngôi, ông cho xây dựng lại và đổi tên thành cung An Định. Năm 1922, theo ý nguyện của vua Khải Định, cung An Định được ban cho hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này).
Dưới thời nhà Nguyễn, cung An Định là nơi tổ chức tiệc, lễ nghi trang trọng của hoàng gia. Đây là cũng nơi ghi dấu giai đoạn gia đình cựu hoàng Bảo Đại sinh sống sau khi ông thoái vị (8/1945).
Sau gần nửa thế kỷ rơi vào quên lãng, vẻ đẹp của cung An Định dần bị lu mờ. Từ năm 2002, cung An Định được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý và trùng tu lại.
Nét độc đáo trong lối kiến trúc
Với tổng diện tích lên tới gần 24.000m2, cung An Định là một tổ hợp của nhiều công trình kiến trúc. Đến nay, cung chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là: cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Tuy nhiên, giá trị kiến trúc của cung An Định vẫn chưa bao giờ khiến du khách hết trầm trồ.
Cổng chính – Khảm sành cực kỳ độc đáo
Cổng chính là một trong những nét đặc sắc nhất, mang đậm tính truyền thống của Cung An Định. Cổng chính được thiết kế theo lối tam quan với hai tầng. Các chi tiết xung quanh cổng được đắp nổi bằng sành sứ rất kỳ công. Đỉnh mái tầng trên gắn biểu tượng viên trân châu lớn. Trước cổng chính là bến thuyền, các vua chúa xưa rất coi trọng yếu tố phong thủy, nên địa điểm xây dựng phải là nơi hài hòa với thiên nhiên, sông núi.
Đình Trung Lập – nơi đặt tượng đồng vua Khải Định
Bước qua cổng chính, bạn sẽ thấy ngay đình Trung Lập. Nó có kết cấu kiểu đình bát giác với phần nền cao. Mái được cấu tạo theo dạng cổ lầu, chia làm 2 lớp: lớp dưới có 8 cạnh và lớp trên có 4 cạnh. Bên trong đình có đặt một bức tượng đồng vua Khải Định. Bức tượng được đúc vào năm 1920 với tỷ lệ 1:1, tạo cảm giác giống như người thật. Từng chi tiết, họa tiết trên bức tượng đều được điêu khắc hết sức tỉ mỉ và tinh xảo.
Lầu Khải Tường – Công trình chính của cung An Định
Nằm phía sau đình Trung Lập là lầu Khải Tường. Tên gọi này do vua Khải Định đặt mang ý nghĩa “nơi khởi phát điềm lành”. Lầu được chia làm 3 tầng với diện tích khoảng 745 m2.
Mặt trước lầu Khải Tường được đầu tư trang trí công phu. Kết hợp các kiến trúc Roman cận đại (bắc đẩu bội tinh,…) xen lẫn trang trí phương Đông truyền thống (rồng, phượng,…).
Bên trong lầu, điểm nhấn có thể kể đến những bức tranh tường có giá trị nghệ thuật cao. Nổi bật ở tiền sảnh là 6 bức tranh đặt trên các mảng tường. Viền tranh được ốp bằng khung gỗ, chạm khắc hình lá sen, hoa mai rất đẹp. Sáu bức tranh tường vẽ 5 khu lăng: Lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và hai bức vẽ lăng vua Đồng Khánh. Các tác phẩm này được đánh giá là những kiệt tác nghệ thuật tranh tường Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Tại sao nên ghé Cung An Định?
Cung An Định là một công trình kiến trúc độc đáo, khác với các công trình lăng tẩm triều Nguyễn. Đây là một đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc tân cổ điển ở Việt Nam.
Cung An Định còn là một phim trường xuất hiện trong nhiều bộ phim, MV ca nhạc nổi tiếng. Phải kể đến như: “Gái Già Lắm Chiêu”, “Không thể cùng nhau suốt kiếp”…
Nét cổ kính pha lẫn hiện đại đã biến nơi đây trở thành điểm sống ảo hấp dẫn. Lượng khách đến tham quan và chụp hình ngày càng nhiều. Những góc sống ảo vừa lạ vừa quen sẽ khiến bạn vô cùng thích thú.
Thông tin khi tham quan
Giá vé vào cổng
Cung An Định áp dụng giá vé 50k/người lớn. Miễn phí đối với trẻ em. Vé được bán ở ngay cổng di tích. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn hình thức vé combo nhiều di tích để được khám phá nhiều địa điểm hơn.
Thời gian mở cửa
Việc theo dõi giờ mở cửa cung An Định sẽ giúp bạn sắp xếp thời gian và lên lịch trình cụ thể cho chuyến đi của mình.
Mùa hè: từ 6h30 đến 17h30.
Mùa đông: từ 7h00 đến 17h00.
Ăn uống khi đến tham quan
Bạn có thể thỏa sức thưởng thức ẩm thực xung quanh khu vực này. Có nhiều nhà hàng, quán ăn mang hương vị đặc trưng của xứ Huế như: bún bò, cơm hến, bánh canh,… Nếu là người thích các loại bánh Huế, đừng bỏ qua quán bánh bèo cung An Định ngay bên cạnh cung. Bánh bèo cung An Định ngon trứ danh này đảm bảo bạn sẽ không thể nào quên.
Một số lưu ý khi tham quan
Để chuyến đi thêm hoàn hảo, bạn nên lưu ý một vài điều này.
- Vì đây là di tích nên bạn hãy chọn trang phục kín đáo, lịch sự.
- Tuyệt đối không sờ vào hiện vật hay vẽ bậy lên tường và các đồ vật trong cung.
- Cung An Định không quy định thời gian nên bạn có thể thoải mái tham quan.
- Nên theo dõi tình hình thời tiết, lựa chọn thời điểm phù hợp để tham quan.
- Nhớ mang theo máy ảnh, điện thoại để chụp những bức hình xinh nhé!
Nếu có dịp ghé Huế thì đừng quên dành thời gian tham quan, khám phá cung An Định. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo nơi đây. Cùng với đó, những tấm hình check-in sang chảnh sẽ không làm bạn phải thất vọng.
Xem thêm: https://hanhtrinhdulich.vn/ho-quyen-dau-truong-doc-nhat-vo-nhi-4288/
Thu Hà