Đàn Nam Giao – đàn tế nguyên vẹn nhất còn sót lại của Việt Nam
Đàn Nam Giao (chữ Hán: 阮朝南郊壇) là nơi các vị vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hằng năm. Đây là đàn Nam Giao duy nhất còn nguyên vẹn hiện hữu ở Việt Nam. Và cũng là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế.
- Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
- Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
- Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
- Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
- Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm
Đôi nét về Đàn Nam Giao
Đàn Nam Giao được khởi công xây dựng vào ngày 25/03/1806, dưới thời vua Gia Long. Trong suốt chiều dài lịch sử nhà Nguyễn, có tới 10 trong số 13 đời vua tổ chức các buổi lễ tế giao, tế trời đất tại đây. Tổng cộng đã có 98 buổi đại lễ diễn ra do đích thân nhà vua tế hoặc sai người tế thay.
Ban đầu các buổi tế tổ chức mỗi năm một lần vào mùa xuân và kéo dài trong 3 ngày. Từ đời vua Thành Thái đến năm 1945 thì giãn ra 3 năm một lần. Dưới thời vua Bảo Đại thì thời gian tế lễ rút gọn lại chỉ còn diễn ra trong 1 ngày.
Đàn Nam Giao ở đâu?
- Địa chỉ: Phường Trường An, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên – Huế
- Giá vé tham quan: 50.000 đồng/ người lớn, miễn phí trẻ em.
Đàn Nam Giao được xây dựng ở làng Dương Xuân, phía Nam kinh thành xưa. Ngày nay, nơi đây thuộc địa phận Phường Trường An, Thành phố Huế.
Hướng dẫn di chuyển đến đàn Nam Giao
Nằm cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 4km, bạn có thể di chuyển dễ dàng tới đàn Nam Giao bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Nếu tự di chuyển bằng xe đạp, xe máy hoặc ô tô thì bạn chỉ cần đi hết đường Điện Biên Phủ là đến. Còn nếu đi bằng xe bus, bạn có thể bắt xe tuyến số 5. Tuyến này còn có nhiều trạm dừng tại các điểm tham quan nổi tiếng như Trường Quốc học Huế, Chùa Bảo Quốc hay Lăng Khải Định…
Kiến trúc của Đàn Nam Giao
Tổng quan về kiến trúc
Đàn Nam Giao được xây dựng theo khuôn viên hình chữ nhật, tổng diện tích khoảng 10ha. Tổ hợp kiến trúc rộng lớn bao gồm công trình chính là Giao đàn và các công trình phụ như Trai cung, Thần trù, Thần khố.
Bốn mặt của đàn được trổ thành 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc, trong đó cửa chính là cửa Nam. Trước mỗi cửa đều có một bức bình phong bằng đá, với chiều rộng 12,5m, chiều cao 3,2m và dày 0,8m. Hiện nay, đàn chỉ còn được 3 bức bình phong ở cửa Đông, cửa Tây và cửa Nam.
Bao quanh nơi đây là rừng thông xanh mát nhưng qua thời gian đã không còn nguyên vẹn, mà được thay thế bằng một số loại cây khác. Trước đây, nhà vua cùng hoàng thân và các vị quan lớn đều trồng và chăm sóc cây thông của mình ở đây. Thời đó, thông là loại cây tượng trưng cho người quân tử phóng khoáng và khí phách.
Giao Đàn
Giao đàn giữ vị trí trung tâm của Đàn Nam Giao, đồng thời là nơi diễn ra các nghi lễ chính của lễ tế. Nơi đây được thiết kế khuôn viên hình chữ nhật với diện tích 390m x 265m, gồm 3 tầng. Kiến trúc của hạng mục này tuân theo thuyết Tam Tài trong văn hóa Phương Đông: Thiên – Địa – Nhân, Trời tròn – Đất vuông.
Viên Đàn là tầng thứ nhất, được xây thành hình tròn. Với lan can quét vôi xanh, ngụ ý là Thiên Thanh (Trời). Tầng thứ hai là Phương Đàn, có dạng hình vuông, lan can quét vôi màu vàng, biểu trưng cho Địa Hoàng (Đất). Tầng cuối cùng cũng là hình vuông, nhưng quét vôi đỏ, tượng trưng cho Nhân (con người).
Mỗi tầng lại được trổ cửa và xây các bậc thềm ở cả bốn phía. Trong đó, ba phía Đông – Tây – Bắc xây 9 cấp, còn phía Nam xây 15 cấp. Theo các nhà sử học đánh giá, kiến trúc đàn Nam Giao dưới triều Nguyễn đặt con người bình đẳng với Trời, Đất và thần linh. Bởi trong thời đại này, đất nước ta mang tư tưởng Thái Hòa.
Các công trình khác ở đàn Nam Giao
Trai cung là nơi nhà vua thực hiện trai giới thanh tịnh trước khi chủ trì buổi lễ tế Giao. Trai cung nằm ở phía Tây Nam của Giao đàn, được xây dựng theo thế “tọa bắc hướng nam”. Công trình này được bao quanh bởi tường gạch hình chữ nhật, chiều dài 85m, chiều rộng 65m.
Cổng chính của Trai cung nằm ở hướng Nam và được trổ thêm 1 cửa ở hướng Bắc. Trong Trai cung gồm có Chính điện, nhà Tả túc, Hữu túc, phòng Thượng trà, sở Thượng thiện,…
Và một số công trình phụ tiêu biểu khác nhưng ngày nay đã không còn tồn tại, như:
- Thần trù – nhà bếp để chuẩn bị các đồ vật dùng trong buổi tế lễ.
- Thần khố – khu vực nhà kho nơi để các đồ tế khí.
- Tế sinh sở – nơi giết mổ những con vật sẽ đem cúng trong buổi tế lễ.
Nhiều công trình tạm chỉ phục vụ trong lễ tế, được dựng lên bằng gỗ hay lợp tranh,…
Những mốc lịch sử của đàn Nam Giao
Trải qua bao biến thiên của thời đại, đàn Nam Giao gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng:
Trước năm 1945
- 25/03/1806, đàn Nam Giao được chính thức khởi công xây dựng.
- 27/03/1807, vua Gia Long lần đầu tiên tổ chức buổi đại lễ tế tại đàn Nam Giao.
- Từ năm 1807 đến năm 1885, giai đoạn độc lập của nhà Nguyễn, lễ tế Nam Giao được tổ chức đều đặn vào mỗi mùa xuân hàng năm.
- 1886 – 1890, triều đình dừng việc tổ chức lễ tế.
- 1891 – 1945, buổi lễ được tổ chức trở lại với thời gian diễn ra 3 năm một lần.
- 23/03/1945, ngày diễn ra buổi tế lễ cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn tại đàn Nam Giao.
Sau năm 1945
Từ tháng 8/1945, sau khi vua Bảo Đại chính thức thoái vị. Triều đại phong kiến nhà Nguyễn kết thúc, đàn tế không còn được sử dụng thường xuyên như trước. Sau đó, đàn rơi vào cảnh đổ nát, hoang phế do chiến tranh tàn phá.
Năm 1977, người ta xây một đài tưởng niệm liệt sĩ trên nền của Viên Đàn xưa kia. Năm 1992, đài tưởng niệm liệt sĩ được di dời.
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố Đô Huế bảo vệ và lập hồ sơ phục vụ công tác tôn tạo, trùng tu lại di tích cổ này.
Năm 1993, đàn Nam Giao được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và nằm trong số 16 di tích có giá trị toàn cầu nổi bật.
Năm 1997, đàn Nam Giao chính thức được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và bắt đầu quá trình trùng tu, tôn tạo.
Năm 2004, Festival Huế đã phục dựng lại Lễ tế Nam Giao và trở thành điểm nhấn của lễ hội này cho đến ngày nay.
Với công trình kiến trúc độc đáo mang giá trị văn hóa dân tộc, sức hút của đàn Nam Giao ngày càng khẳng định mình trên bản đồ du lịch Huế. Nếu có dịp đến cố đô Huế, bạn đừng quên ghé thăm đàn tế Nam Giao để cảm nhận rõ chân thực về di tích lịch sử quan trọng của dân tộc nhé!
Xem thêm: Chinh phục Hải Vân Quan – Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan
Người viết: Trang Yết