Blog

Ai về cầu ngói Thanh Toàn, cho em về với…

“Ai về Cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui”

Trong hành trình khám phá mảnh đất Thần kinh, sẽ thật thiếu sót nếu bạn không thể dành chút thời gian đến thăm Cầu ngói Thanh Toàn. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, Cầu ngói Thanh Toàn vẫn giữ gìn chất xưa dân dã, mộc mạc qua lối kiến trúc độc đáo ‘thượng gia hạ kiều”.

  1. Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
  2. Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  3. Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
  4. Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
  5. Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm

Đôi nét về lịch sử cầu ngói Thanh Toàn

Theo lời kể của những người dân trong làng, làng Thanh Thủy thành lập vào khoảng thế kỷ XVI. Những di dân từ Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa. Có 12 vị tộc trưởng đã dừng chân lập nghiệp ở đây, tạo nên 12 họ khai canh của làng.

Dòng sông như Ý chảy qua làng Thanh Thủy _ Ảnh: Sưu tầm

Lúc bấy giờ, trong ngôi làng nhỏ có dòng sông Như Ý chảy qua. Dân làng mỗi khi đi làm đồng, đi chợ thì phải lội qua sông hoặc đi thuyền qua. Qua bao mùa nắng mưa, rét buốt, dân làng ngày ngày vất vả qua sông. 

Thấy vậy, bà Trần Thị Đạo – vợ một vị quan thuộc triều vua Trần Hiển Tông, đã quyên tiền và góp thêm tiền của mình. Để xây nên cây cầu gỗ giúp dân làng qua lại thuận tiện. Cây cầu cũng là nơi cho lữ khách dừng chân khi lỡ bước. Cho dân làng đến ngồi nghỉ ngơi, hóng mát, gặp gỡ, chuyện trò… 

Cây cầu được xây dựng vào năm 1776 _ Ảnh: VnExpress

Năm 1776, vua Hiển Tông đã ban sắc khen ngợi bà Trần Thị Ðạo. Và miễn cho làng nhiều loại sưu dịch để họ nhớ đến công ơn và noi theo tấm gương tốt của bà. Năm 1925, vua Khải Ðịnh cũng ban sắc phong thần cho bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò và lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà. Ngày nay, khi ghé thăm cầu Thanh Toàn, bạn sẽ thấy ở ngay chính giữa cầu có một bàn thờ uy nghiêm. Thờ bà Trần Thị Đạo – người có công dựng nên công trình này.

Cầu ngói Thanh Toàn_Ảnh Sưu tầm

Đường đến cầu ngói Thanh Toàn

  • Địa chỉ: Làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên–Huế

Cầu ngói Thanh Toàn nằm ở vùng ngoại ô thành phố Huế, cách khu trung tâm chừng 7-8 km về hướng Đông Nam. Đường đi không quá xa và có nhiều tuyến đường để bạn đến được nơi này. Nhưng con đường thuận tiện nhất sẽ xuất phát từ trung tâm thành phố. Bạn đi thẳng theo đường Bà Triệu, đến ngã tư đầu tiên rẽ phải vào Trường Chinh. Sau đó, tới cuối đường bạn tiếp tục đi thẳng đường Hoàng Quốc Việt. Rồi rẽ trái từ đây bạn sẽ đi thẳng về hướng chợ cầu Ngói sẽ tới nơi.

Cầu ngói Thanh Toàn lung linh về đêm _ Ảnh: Ơi Huế

Đường đi đến cầu ngói Thanh Toàn khá gần và dễ đi. Tuy nhiên do nằm ở ngoại thành nên đường khá nhỏ hẹp. Vì vậy bạn nên di chuyển bằng xe đạp hoặc xe máy nhé.

Kiến trúc cầu ngói Thanh Toàn

Chiếc cầu cổ kính

Chiếc cầu ngói mang tên Thanh Toàn ngày càng được nhiều người biết đến với vẻ đẹp cổ kính, nằm êm đềm bên dòng sông Như Ý. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đây cũng chính là cây cầu mang kiến trúc độc đáo, không còn nhiều ở Việt Nam. Bạn chỉ có thể bắt gặp nét kiến trúc này tại cầu Phú Khê, cầu Khúc Thoại ở miền Bắc và chùa Cầu Hội An cùng cầu ngói Thanh Toàn ở miền Trung. Tất cả đều được xây theo lối kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (nghĩa là trên nhà, dưới cầu) và được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật.

Phần mái lợp ngói ống lưu ly và chạm khắc tỉ mỉ _ Ảnh: VnExpress

Cầu ngói Thanh Toàn có phần mái được lợp bằng ngói ống lưu ly được  chạm khắc rất tỉ mỉ với hình ảnh tứ linh Long – Lân – Quy – Phụng. Trước kia, trên phần mái được trang trí bằng một con Giao Long, nhưng sau này được thay bằng đôi phượng chầu trời ở giữa và hai đầu là hai hình rồng cách điệu.

Nhìn từ phía ngoài cây cầu như một ngôi nhà _ ảnh: Sưu tầm

Cầu gồm nhiều gian đẹp mắt

Cây cầu dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m) và được chia làm 7 gian chính. Nhìn từ phía ngoài, bạn sẽ thấy tổng thể cây cầu giống như một ngôi nhà. Bên trong cầu chia thành 7 gian như 7 căn phòng nhỏ. Một bàn thờ được đặt ở gian chính giữa để thờ phụng và tỏ lòng thành kính với bà Trần Thị Đạo, người đã có công xây dựng cây cầu này. 6 gian còn lại đều có bục gỗ hai bên để nghỉ ngơi, mang hình của chiếc giường hay những bộ bàn ghế được bày trong gia đình.

Gian chính giữa là nơi thờ bà Trần Thị Đạo _ Ảnh: VnExpress

Cầu được xây dựng trên một hệ thống gồm 3 hàng trụ đỡ làm bằng gỗ. Mỗi hàng gồm 6 cột, các cột chống đỡ đều có trụ làm bằng đá. Ở hai đầu cầu, các thanh đỡ chạy dọc vào gian giữa được làm gãy khúc có phần hướng lên để tạo hình cong cho cây cầu. Một phần cũng để tạo một độ cao nhất định giúp thuyền bè qua lại dễ dàng. Phần các trụ đỡ còn được nối với nhau bằng những thân gỗ lớn, nằm ngang. Từ các thân gỗ này sẽ sẽ dựng phần cột để làm nhà phía trên.

Hai bên cầu gắn lan can bằng gỗ _ Ảnh: VnExpress

Hai bên thành cầu được gắn thêm phần lan can bằng gỗ để đảm bảo an toàn. Với kiến trúc xưa cũ, cầu ngói Thanh Toàn có các hệ thống cột xà đều được làm theo kiểu xà kép. Xà ở phía dưới sẽ đi qua các mộng cột, phần xà phía trên sẽ được đặt trên các đầu cột.

Các cột trụ đỡ được làm rất chắc chắn _ Ảnh: Sưu tầm

Hầu hết các bộ phận chống đỡ cho cây cầu đều được làm bằng gỗ, nhưng trên các cột, xà này đều không được chạm khắc hoa văn, thay vào đó chỉ đơn thuần là hai loại tiết diện vuông và tròn. 

Các cột xà được làm đơn giản với tiết diện tròn và vuông _ Ảnh: Sưu tầm

Các hoạt động đặc sắc tại cầu ngói

          Tham quan Nhà trưng bày nông cụ – Thanh Toàn Museum

Nhà trưng bày nông cụ _ Ảnh: SÔNG AN CỰU – Dấu ấn một thời

Nằm ở trung tâm làng, Nhà trưng bày nông cụ được xây dựng từ cuối năm 2014. Đây là nơi chứa đựng tất cả cái hồn dân dã, mộc mạc của làng quê, của hoạt động đồng áng mà người dân làng Thanh Toàn xưa. Hay cả người dân Huế bao đời nay vẫn duy trì. Mỗi không gian của nhà trưng bày đều có những hiện vật rất thú vị. Mỗi hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện, giúp các bạn hiểu rõ hơn về cuộc sống nơi đây. 

Các vật dụng gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của người dân _  Ảnh: SÔNG AN CỰU – Dấu ấn một thời

Các nông cụ độc đáo

Nơi đây có các nông cụ gắn liền với những người nông dân trong công việc đồng áng như cày, bừa, cuốc, xẻng… Cũng tái hiện lại các đồ dùng cần thiết của họ mỗi khi đi làm đồng, từ chiếc nón che đầu, chiếc quạt mo, hay “bắt mắt” nhất là chiếc áo tơi, áo lá. Bên cạnh hình ảnh của các nông cụ, bạn sẽ nhìn thấy vật dụng sinh hoạt hằng ngày, bếp kiềng, nồi đất, chậu rửa, lu, vại, mâm gỗ, dĩa, chén,… 

Các bạn tự tay trải nghiệm các hoạt động của người dân _  Ảnh: SÔNG AN CỰU – Dấu ấn một thời

Đến với Nhà trưng bày nông cụ, nếu may mắn bạn còn có dịp thưởng thức các làn điệu dân ca địa phương. Như hò xay lúa, hò giã gạo, hò ru em. Đặc biệt, bạn sẽ được tận tay trải nghiệm những hoạt động thường ngày của người dân nơi đây

Các câu chuyện đều hiện lên qua mỗi đồ vật nơi đây _  Ảnh: SÔNG AN CỰU – Dấu ấn một thời

Ở đây, tất cả hiện vật đều là “tĩnh” nhưng những câu chuyện hiện lên vô cùng sống động, gần gũi. Khám phá một vòng nơi đây. Khiến ta hòa mình vào cuộc sống lúc ấy, kích thích trí tò mò, muốn tìm hiểu sâu hơn nữa. Và muốn một lần được làm người dân của làng quê thanh bình này.

          Ghé thăm “chuyên gia làm thơ về cầu ngói”

Sau khi thỏa mình nhìn ngắm những vật dụng sinh hoạt, lao động hằng ngày. Chiêm nghiệm về những câu chuyện nói lên bao nỗi vất vả, khó nhọc của người xưa tại Nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn. Bạn di chuyển về phái đầu cầu. Nơi có một ngôi nhà nhỏ và một quán nước mà ngày ngày mọi người thường lui tới. Nơi này gắn với một con người “đặc biệt” – Dì Kình – “Chuyên gia làm thơ về Cầu Ngói Thanh Toàn”. 

Dì Kình – chuyên gia làm thơ về cầu ngói Thanh Toàn _ Ảnh: SÔNG AN CỰU – Dấu ấn một thời

Đây là nơi dì Kình sống hàng năm qua với nghề bán nước mưu sinh. Và cũng là nơi để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với những người đã đặt chân đến đây. Bởi ở đây có một người phụ nữ thân thiện, luôn đến làm quen với du khách và tặng họ những câu hò, câu thơ “Huế thật là Huế”. Cuộc sống tuy vất vả nhưng tâm hồn thơ văn đã ăn sâu vào trong máu của dì cho nên dì cứ lấy đó làm niềm vui sống mỗi ngày. Với những câu hò, câu thơ đậm cái tình, cái dân dã và mộc mạc, dì Kình vẫn luôn là người lưu giữ nét văn hóa của nơi này.

             Tham gia các lễ hội

Hoạt động văn hóa – du lịch nổi bật trong khuôn khổ Festival Huế. Ảnh: @nghianc58

Hàng năm, vào mùng 3 Tết nguyên đán, lễ hội Bài Chòi lại được tổ chức tại đây. Và cứ vào ngày 15/8 Âm lịch, một lễ hội cũng được tổ chức rất linh đình tại đây. Theo người dân cho biết thì ngày này là ngày giỗ của bà Trần Thị Đạo. Trong ngày hội, người dân sẽ tổ chức rước bà từ đình ra cầu làm lễ, sau đó lại rước bà về lại đình. Sau khi các nghi lễ đã hoàn tất, sẽ là lúc các hoạt động vui chơi. Những trò chơi dân gian như kéo co, đua thuyền trên sông, hò giã gạo… sẽ được diễn ra. Ngoài ra, cứ 2 năm 1 lần lễ hội chợ quê cũng được tổ chức tại đây.

Hoạt động đua ghe trong lễ hội _ Ảnh: Sưu tầm

Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển trong, với nhiều biến cố về thiên tai và lịch sử. Nhưng cây cầu vẫn mang dáng dấp nguyên vẹn của buổi đầu “lọt lòng”. Ngày nay cầu ngói Thanh Toàn đã trở thành một phần lịch sử và văn hóa của người dân làng Thanh Thủy. Chiếc cầu này đem lại giá trị tinh thần vô cùng to lớn cho người dân nơi đây. Nếu có dịp tới du lịch Huế mộng mơ, bạn đừng bỏ qua địa danh du lịch hấp dẫn này nhé.

Người viết: Minh Châu

 

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on