Bánh Tổ – Niên cao, đặc sản ngày Tết xứ Quảng
Nếu nhắc đến ẩm thực dân gian xứ Quảng, người ta sẽ nhớ ngay đến mì quảng hay cao lầu Hội An, cháo lươn xanh,… Và cũng không một ai có thể quên đi một món ăn truyền thống mang đậm nét đặc trưng của người Quảng Nam – bánh Tổ. Hãy cùng Hành trình du lịch về vùng đất Quảng Nam để tìm hiểu về món ăn đặc biệt này.
Từ lâu, bánh Tổ đã trở thành món không thể thiếu trên mâm cỗ đêm 30 của người dân nơi đây. Nó giữ một vị trí quan trong lòng những con người gốc Quảng và được truyền khẩu dân gian:
“Nem chả Hòa Vang
Bánh tổ Hội An
Khoai Lang Trà Kiệu
Thơm rượu Tam Kỳ”
- Lịch trình du lịch Đà Nẵng và Hội An 4 Ngày 3 Đêm
- Lịch trình du lịch Đà Nẵng – Hội An hiện đại và hoài cổ – 3 ngày 2 đêm
Nguồn gốc món bánh Tổ có từ đâu?
Bánh Tổ (hay còn gọi là bánh niên cao) là loại bánh được người Hoa du nhập vào Hội An, tỉnh Quảng Nam từ thế kỷ 16 – thế kỷ 17, cùng các công trình kiến trúc “phố cổ” và tồn tại đến ngày nay. Món bánh được dùng phổ biến nhất trong dịp Tết và cũng được ăn trong Tết Đoan Ngọ.
Bánh niên cao cũng gắn liền với nhiều truyền thuyết, câu chuyện lịch sử. Loại bánh này được cho là đóng vai trò quan trọng ở thời Xuân Thu vào khoảng năm 482 TCN. Truyện kể về một bức tường chống giặc được xây nên bằng loại gạch làm từ bột nếp dưới thời nước Ngô ở Tô Châu. Sau khi tướng quốc nước Ngô là Ngũ Tử Tư qua đời, trong tình huống khó khăn nhất, một người lính đã đào bức tường và dùng gạch làm lương thực cứu người dân khỏi nạn đói. Về sau, bánh Tổ trở thành nghi thức tưởng nhớ Ngô Quốc vào dịp năm mới.
Ý nghĩa tên gọi độc lạ
Cái tên bánh Tổ (niên cao) mang ý nghĩa là “tăng lên hằng năm” tượng trưng cho sự thăng tiến của địa vị, tiền bạc và con cái. Ăn loại bánh này vào năm mới được coi là thu hút may mắn trong thời gian này. Nhiều địa phương ở Quảng Nam khi xưa không biết ý nghĩa của bánh, nghĩ là bánh dùng để thờ cúng tổ tiên nên đặt là bánh Tổ.
Bánh làm từ những nguyên liệu đơn giản, mộc mạc như cái chất người dân xứ Quảng
Trải qua khoảng thời gian dài hình thành và phát triển, bánh tổ vẫn mang trong mình vẹn nguyên cách chế biến xưa và hương vị mộc mạc nhưng không kém phần độc đáo. Nguyên liệu chính làm nên món bánh này chỉ đơn giản là nếp và đường. Ngoài ra còn một số thành phần phụ như lá chuối, gừng và mè trắng.
Tuy cách làm bánh đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể làm ra ổ bánh vừa dẻo vừa dai lại có độ ngọt thanh chứ không phải ngọt lịm. Nó đòi hỏi người làm bánh phải có sự khéo léo, tài tình nhất định và nguyên liệu ban đầu phải là loại hảo hạng nhất. Vì thế, khâu nguyên liệu cũng nắm giữ một vai trò quan trọng trong quá trình làm bánh.
Quá trình tạo nên những ổ bánh Tổ dẻo thơm ngon
Tạo khuôn lá chuối
Để có một ổ bánh tổ đặc trưng xứ Quảng thì không thể thiếu phần lá chuối xanh nõn. Lá chuối được rửa sạch rồi cắt thành từng miếng có chiều ngang khoảng 30 cm, Hoặc to hơn tùy kích thước người làm mong muốn. Sau đó, xếp chồng hai lá chuối lên với nhau, gấp xéo ba góc ở phần chiều dọc và ngang, Rồi dùng tăm cố định vào góc khuôn để giữ chặt cho lá chuối không bị bung ra. Bạn nên chọn lá chuối tươi, bảng to không úa màu để dễ cắt.
Nấu hỗn hợp bánh
Phần nước đường
Bạn dùng 3 chén nước và đường nấu sôi lên. Tiếp theo, bỏ gừng đã gọt vỏ và cắt sợi nhỏ để làm dậy mùi món bánh hơn rồi đun khoảng 4 phút thì tắt. Cuối cùng, để nguội và lọc gừng ra khỏi phần nước đường.
Phần bột bánh
Sau khi phần nước đường đã nguội, bạn từ từ cho phần bột nếp vào, vừa cho vừa khuấy để không bị vón cục. Đến khi hỗn hợp được nhấc lên chảy xuống thành từng dòng đặc liên tục là đạt yêu cầu.
Hấp bánh
Người làm bánh đun sôi xửng hấp và thoa một ít dầu đều khuôn lá chuối. Sau đó, đổ hỗn hợp bột đường vào khuôn, đậy kín nắp và hấp từ 1h – 1h30 phút. Khi hấp, thỉnh thoảng bạn nên dùng khăn lau sạch phần nước đọng lại dưới thành nắp, Đồng thời phải luôn giữ lửa to và đỏ đều để bánh khi chín không bị sượng. Đến khi dùng tăm xiên nhẹ qua lớp bột mà que vẫn sạch thì bạn đã thành công. Khi này dùng tay rắc một ít mè lên bề mặt bánh, bạn đã có ngay trên tay một ổ bánh Tổ thơm ngon.
Món bánh Tổ được thưởng thức vô cùng công phu
Bánh Tổ có thể được cắt thành từng miếng rồi thưởng thức ngay khi vừa làm xong, tuy nhiên cách ăn này không thực sự phổ biến. Người dân thường khuyên du khách đem nướng trên than hồng hoặc mang đi chiên phồng lên. Sau đó, dùng với trà nóng, mùi vị đem lại sẽ khó lòng mà quên được.
Mỗi cách thưởng thức đều đem lại một hương vị riêng của nó. Nếu ăn được khi bánh chưa qua chế biến, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh của đường. Kèm với đó là vị cay của gừng và mềm dẻo của nếp ngay trên đầu lưỡi.
Bánh tổ được thưởng thức bằng nhiều cách khác nhau
Nếu đã nướng trên than lửa, ngay lập tức bạn sẽ ngửi được mùi thơm đặc trưng. Lúc này, nếp đường gặp nóng sẽ càng dẻo và ngọt hơn, ăn cùng với bánh tráng nữa là tuyệt.
Nếu chọn cách chiên, khẩu vị bạn khá hợp với người Quảng vì là đây cách ăn phổ biến nhất. Miếng bánh Tổ được chiên sẽ phảng phất hương thơm và giòn tan trong miệng, một lát bánh nướng kẹp cùng một lát bánh chiên sẽ tạo nên một sự kết hợp khiến bạn thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Cứ mỗi lần xuân sang, những ngày giáp Tết, khắp làng quê Quảng Nam đâu đâu cũng phảng phất hương vị ngọt ngào của món bánh Tổ. Nó dường như đã không còn xa lạ với những ai đam mê ẩm thực xứ Quảng. Một miếng bánh, một ngụm trà hòa huyện với nhau đem lại khoảnh khắc “ngon đáng nhớ” của riêng bạn.
Xem thêm: Tam hữu – món cuốn “ba người bạn” độc đáo Quảng Nam
Người viết: Ngọc Thảo