Blog

Chùa Thánh Duyên – Bốn mùa “mây say” trên núi Túy

Chùa Thánh Duyên – núi Túy Vân là thắng cảnh được vua Thiệu Trị xếp hàng thứ 9 trong Thần kinh nhị thập cảnh. Núi Túy Vân nằm bên bờ hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, dưới sóng vỗ mạn thuyền, trên mây vờn đỉnh núi không khỏi làm du khách mê mẩn khi đến đây.

  1. Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
  2. Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  3. Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
  4. Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
  5. Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm

Vị trí chùa Thánh Duyên

        Vị trí ngôi chùa

Chùa Thánh Duyên nằm trên núi Túy Vân – một ngọn núi nhỏ nằm gần cửa Tư Hiền. Ở vị trí này, ta có thể nhìn thấy toàn bộ đầm Cầu Hai rộng lớn. Xưa kia, núi Túy Vân nằm trong tổng Diêm Trường, phủ Thừa Thiên. Nay thuộc thôn Hiền An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Núi Túy Vân nhìn từ xa_ Ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

       Đường đến ngôi chùa cổ

Chùa Thánh Duyên cách Thành phố Huế khoảng 45km. Bạn có thể đến đây bằng cách đi về cầu Trường Hà hoặc về Thuận An. Sau đó, đi trên Quốc lộ 49B về phía Nam. Khi đến địa phận xã Vinh Hiền, bạn có thể hỏi người dân vì con đường vào núi khá ngoằn ngoèo.

Lịch sử thành lập chùa

Xưa kia, nơi đây là một nơi khá hoang vắng, rất ít người qua lại. Khi đó núi có tên là Mỹ Am Sơn. Vào giữa thế kỷ XVII, chúa Nguyễn Phúc Tần khi đi qua đây thấy phong cảnh non nước hữu tình, đã lập một cái am nhỏ để người dân cầu phúc. Năm 1692 (Nhâm Thân), chúa Nguyễn Phúc Chu đã lập nên ngôi chùa nhỏ. Nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, do chiến tranh loạn lạc, ngôi chùa đã bị tàn phá.

Vết tích của Mỹ Am Tự ở núi Túy Vân_ Ảnh TH TRT

       Là nhân duyên do các “thánh” tạo ra

Mãi đến năm 1825, vua Minh Mạng đi xem xét tình hình ở vùng Đông Nam kinh thành. Khi đến vùng nước phá Tam Giang – Cầu Hai, nghe người dân kể về ngôi chùa cũ, Ngài đã cho xây dựng lại chùa và đổi tên núi có tên là Thúy Hoa Sơn. Năm 1836, nhân dịp lễ mừng thọ Thuận Thiên Hoàng Thái hậu 70 tuổi, vua Minh Mạng đã cho tu sửa thêm ngôi chùa khang trang hơn và xây thêm các công trình khác. Kể từ đó, ngôi chùa này được mang tên là chùa Thánh Duyên. Thánh Duyên có nghĩa là nhân duyên do các thánh tạo ra. Thánh ở đây chỉ các vua chúa nhà Nguyễn đã có công lập nên ngôi chùa.

Chùa Thánh Duyên_ Ảnh QuangDuc.com

Năm 1841, sau khi vua Thiệu Trị lên ngôi, Ngài đã cho trùng tu lại chùa, đồng thời đổi tên núi lại thành Thúy Vân. Nguyên do là vì kiêng tên với với mẹ của vua là Hoàng Thái hậu Hồ Thị Hoa. Thúy Vân Sơn cũng là một cái tên rất có ý nghĩa: núi mây xanh biếc. Trước mắt là đầm Cầu Hai rộng lớn, sau là biển Đông mênh mông có núi Linh Thái sừng sững. Mây trời, cảnh sắc hòa hợp tạo nên phong cảnh diễm tuyệt nên được vua Thiệu Trị liệt hàng thứ 9 trong 20 thắng cảnh vùng đất Thần Kinh.

Tranh phác họa thắng cảnh núi Túy Vân và chùa Thánh Duyên_ Ảnh sưu tầm

Ngày nay, người dân nơi đây còn hay gọi núi Thúy Vân là Túy Vân, có nghĩa là “mây say”. Hay gọi chùa Thánh Duyên là chùa Túy Vân. Tuy gọi bằng cái tên nào, ai cũng biết là cùng một địa điểm. Trải qua bao biến cố của thời gian, ngôi chùa ngày nay được trung tu và vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc và dáng vẻ thời trước và trở thành địa điểm du lịch tâm linh.

Chùa Thánh Duyên – kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên

Chùa được nhà vua Minh Mạng thiết kế và cho xây dựng theo phong cách “trùng thiềm điệp ốc” mang nét đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn. Đồng thời thể hiện triết lý của Phật giáo và phản ánh tinh thần Nho giáo. Khác với các ngôi chùa khác ở Huế, chùa Thánh Duyên được xây dựng trải dài từ chân đến đỉnh núi Túy Vân bao gồm: chánh điện Đại Hùng ở chân núi, Đại Từ Các ở sườn núi và tháp Điều Ngự ở đỉnh núi thành cảnh quan hoàn chỉnh chốn tâm linh.

Đường lên chùa Thánh Duyên_ Ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Từ những bậc cấp đầu tiên lên chùa, khi nhìn về bên phải bạn có thể thấy một bia đá cổ đặt trên tảng đá hình mai rùa có khắc chữ Hán có ý nghĩa là “Thúy Vân Sơn” được vua Thiệu Trị đặt tên cho ngọn núi này.

Bia đá khắc tên núi Thúy Vân (Ảnh: Sưu tầm)

Khi nhìn ở phía đối diện, bạn có thể thấy một nhà bia. Nơi đây đặt tấm bia có khắc bài thơ “Vân Sơn thắng tích” mà vua Thiệu Trị sáng tác và đặt tên là “Linh Thái, Túy Vân hệ nhị quốc gia thắng cảnh” (Linh Thái, Túy Vân đều là thắng cảnh quốc gia).

Tích thuý toàn ngoan bất kế xuân,
Đẩu long ẩn phục liệt lân tuần.
Huệ phong chung độ u lâm hưởng,
Không cốc hương la pháp hải tân.
Thụ luyến từ vân phù bích lạc,
Kính xuyên tăng kịch tạp hồng trần.
Thánh duyên phổ tế hàm quy thiện,
Phật tích tăng quang tự hữu nhân.

Nơi dựng bia đá_ Ảnh Chùa Việt toàn cầu

 

Bia đá khắc bài thơ “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị_ Ảnh Chùa Việt toàn cầu

    Chính điện Đại Hùng

Cổng Tam Quan_ Ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bước lên những bậc cấp bằng đá phủ đầy rêu là cổng Tam quan, phía sau là chính điện Đại Hùng được xây dựng theo phong cách 3 gian 2 chái. Không gian của chính điện rộng rãi, những chi tiết lớn nhỏ đều mang đậm nét mỹ thuật triều Nguyễn. Gian giữa là nơi thờ Tam Thế Phật, phía trước là bàn thờ bài vị của vua Minh Mạng.

Chính điện Đại Hùng_ Ảnh motbahai

Hai bên chính điện có hai dãy sập để thờ Thập Điện Minh Vương và Thập Bát La Hán. Đặc biệt, bộ tượng Thập Bát La Hán được làm bằng đồng xưa và được ghi vào sách kỷ lục lớn nhất Việt Nam vào năm 2009. Trong chính điện Đại Hùng còn thơ Bồ Đề Đạt Ma, Địa Tạng,…tổng số tượng ở gần lên tới con số 70.

Bàn thờ Phật bên trong chính điện_ Ảnh Chùa Việt toàn cầu

Nội điện được trang trí theo phong cách “nhất thi nhất họa”, uy nghiêm lộng lẫy sơn son thếp vàng. 

Dãy sập thờ Thập Điện Minh Vương và Thập Bát La Hán_ Ảnh Sưu tầm

Bộ tượng Thập Bát La Hán bằng tre_Ảnh Chùa Việt toàn cầu

Bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đồng_Ảnh Chùa Việt toàn cầu.

          Đại Từ Các

Tiếp bước những bậc cấp ở ngoài la thành của chính điện là đến Đại Từ Các nằm giữa lừng chừng núi. Đại Từ Các gồm 2 tầng nguy nga tráng lệ, được chia làm 3 gian: phía trước thờ Phật, phía sau là pho tượng Chuẩn Đề Bồ Tát, bên phải thờ đức Quan Âm, bên trái thờ Bồ Tát Đại Thế Chí. 

Đại Từ Các_ Ảnh Sưu tầm

Nơi đây có không khí trong lành mát mẻ, cây cối tươi tốt rợp bóng mát khắp nơi. Bước trên các bậc cấp rêu phong, bạn có thể cảm nhận vẻ đẹp yên bình nơi đây. Hệ sinh thái ở đây vô cùng phong phú, đặc biệt là những cây mít, cây xoài, thông hàng trăm năm tuổi. Ngoài ra, còn có rất nhiều màu sắc của hoa lan, hoa dại cùng tiếng chim muông văng vẳng cả khu rừng.

Những bậc cấp dẫn lên núi_ Ảnh Mai Vui

         Tháp Điều Ngự

Lên tới nơi cao nhất của ngọn núi là Tháp Điều Ngự có hình khối tứ giác 3 tầng, cao khoảng 13m. Điều Ngự là 1 trong 10 danh xưng của Đức Phật. Cũng có thể được xem là nơi để vua điều phục và chế ngự tâm. 

 

Tháp Điều Ngự_ Ảnh motbahai

Từ trên đỉnh tháp Điều Ngự nhìn xuống có thể bao quát cả huyện Phú Lộc. Phía xa xa là dãy Bạch Mã hùng vĩ cùng một vùng rộng lớn của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. 

Từ tháp Điều Ngự nhìn ra phá Tam Giang_ Ảnh sưu tầm

Sau tháp có 1 ngôi đình nhỏ, ngày trước là nơi để vua ngồi vọng cảnh, hướng nhìn ra biển có thể thấy núi Linh Thái. Tuy nhiên, hiện nay cây cối phát triển tươi tốt đã che khuất tầm nhìn. 

 

Đình Tiền Sảng_ Ảnh Sưu tầm

         Núi Túy Vân, Núi Linh Thái – Đôi mắt hướng ra biển Đông

Ở vùng đất bãi ngang từ cửa biển Thuận An đến cửa biển Tư Hiền. Ngoài núi Túy Vân chỉ có duy nhất thêm một ngọn núi mang tên Linh Thái như đôi mắt hướng ra biển Đông. Núi Linh Thái cách núi Túy Vân khoảng 700m về hướng Đông, nằm sát biển. Ở đây đặc biệt có bãi đá rộng, nhấp vô cùng với sóng vỗ bọt trắng tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Vào mùa hè, nơi đây là địa điểm lý tưởng để tắm biển và check-in vô cùng xịn sò. Đặc biệt, ngọn núi này khá lớn và rộng, có nhiều hang động nhỏ. Trên đỉnh núi còn có dấu tích của người Chăm thu hút những người ưa thích khám phá. 

Núi Linh Thái_ Ảnh Mai Vui

Chùa Thánh Duyên đã được công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1996. Đến với chùa Thánh Duyên, bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng. Bỏ xa mọi muộn phiền, lo âu trong cuộc sống hối hả. Không những thế bạn có thể tham quan, trải nghiệm cuộc sống của người dân xóm chài ở nơi đây.

 

Người viết: Mai Vui

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on