Có điều gì đặc biệt ở Chợ Đông Ba xứ Huế?
“Đông Ba vẫn đó người ơi
Bên bờ Hương ngóng phương trời xa xăm
Thuyền xuôi Đập Đá thong dong
Mấy o áo trắng còn mong ai về…”
Đôi nét về chợ Đông Ba
Đông Ba được xem là khu chợ lớn nhất xứ Huế thơ mộng. Khu chợ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, nằm dọc bên bờ sông Hương, cách cầu Tràng Tiền khoảng 1km.
Chợ Đông Ba Huế (Ảnh: sưu tầm)
Lịch sử ngôi chợ cổ bậc nhất xứ Huế
“Đông Ba” không phải là cái tên đầu tiên được đặt cho nơi đây. Trước đây chợ có tên là “Quy Giả Thị”, cái tên đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Tuy nhiên đến năm 1885, kinh đô thất thủ, chợ bị đốt sạch. Cho đến năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại và đổi tên thành chợ Đông Ba.
Chợ Đông Ba thời xưa (Ảnh: sưu tầm)
Thời điểm “vàng” để ghé chợ Đông Ba
Một số người làm ăn, buôn bán thường kiêng kỵ với việc mặc cả mà không mua vào đầu giờ sáng. Đi chợ vào khoảng 3g chiều sau khi có người “mở hàng”, bạn có thể thỏa thích mặc cả giá. Bên cạnh đó, các quầy ẩm thực ngon nức tiếng thường được bán vào cuối buổi chiều. Đây là thời điểm tuyệt vời nhất cho các bạn thử hết các loại đặc sản xứ Huế.
Một gian hàng ở chợ (Ảnh: sưu tầm)
Cấu trúc đặc sắc của khu chợ cổ Đông Ba
Chợ Đông Ba gồm một khu nhà 3 tầng nằm ngay trung tâm thành phố gọi là lầu chuông. Xung quanh là những dãy nhà tạo thành vành đai hình chữ U.
Tầng 1 mang một mùi thơm đặc trưng. Vì khu vực này dành riêng cho những gian hàng bày bán các loại hải sản khô và hàng chục loại mắm đặc sản Huế, từ mắm ruốc, mắm tôm,….
Những gian hàng mắm, ruốc ở tầng 1 (Ảnh: sưu tầm)
Tầng 2 là khu vực bán đồ dùng mỹ nghệ, đồ lưu niệm thủ công, đồ handmade. Bên cạnh đó còn có cả những món quà làm từ gốm như om đất, bình vôi, chén, bát được điêu khắc một cách tinh xảo. Đặc biệt, bạn còn được chiêm ngưỡng những món đồ được làm bằng tre như thúng, rá, giường, võng khá độc đáo.
Những đồ dùng thủ công mỹ nghệ ở tầng 2 (Ảnh: sưu tầm)
Tầng 3 của lầu chuông dành cho những gian hàng vải vóc và quần áo. Những du khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước những tấm vải nổi bật với hoa văn đậm chất Huế. Đặc biệt, xen kẽ giữa các gian hàng vải lụa là những thợ may đang thiết kế y phục xinh đẹp bằng bàn tay điêu nghệ, dẻo dai.
Những tấm vải lụa nổi bật với những hoa văn tinh xảo (Ảnh: sưu tầm)
Bên ngoài chợ không chỉ tập trung bán những thứ đồ như đồng hồ, vali, đồ điện,… Nơi đây, bạn còn có thể thưởng thức những món ăn ngon từ những cô, chú bán hàng rong trước mặt chợ. Đặc biệt, các món ăn này có giá rất rẻ.
Gánh ốc hàng rong (Ảnh: sưu tầm)
Bánh lọc trần 2 nhân (Ảnh: sưu tầm)
Ăn gì khi đến chợ Đông Ba?
Chợ Đông Ba được ví như là một thiên đường ẩm thực của vùng đất Cố đô nổi tiếng có nhiều món ngon. Có rất nhiều món ăn mới lạ, ngon miệng và được chế biến ngay tại chỗ đảm bảo thị hiếu của thực khách. Một số món ăn bạn nhất định nên thử khi đến đây như bánh canh Nam Phổ, bánh bột lọc, chè bột lọc heo quay, bún mắm tai heo…
Gian hàng với đủ món ăn ngon, độc đáo mang đậm chất Huế (Ảnh: sưu tầm)
Những món ăn ở đây thường có giá chỉ từ 10.000đ ~ 30.000đ. Vậy nên đừng ngần ngại mà hãy một lần thưởng thức những món ăn độc lạ của riêng xứ Huế nhé.
Nên mua đặc sản Huế nào khi đến chợ?
Khi đến chợ Đông Ba, bạn có thể chọn mua những thức quà như mè xửng, tôm chua, các loại mắm xứ Huế giá chỉ từ 10.000đ ~ 50.000đ. Hoặc bạn có thể chọn hạt sen (từ 120.000 – 170.000 VNĐ/kg),… để biếu ông bà, cha mẹ hay để làm quà tặng bạn bè, người quen.
Quầy hàng bán đặc sản xứ Huế (Ảnh: sưu tầm)
Những kinh nghiệm khi đến chợ Đông Ba
- Đừng ngại mặc cả khi mua đồ ở chợ Đông Ba Huế. Hãy trả bằng nửa giá người bán đưa ra, sau đó nâng dần giá lên. Nếu bạn may mắn thì bạn có thể mua được món đồ mình muốn với giá cực rẻ.
- Chợ thường họp lại vào mùng 3 Tết. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của người đi trước, những ngày này thường có rất ít hàng quán mở bán. Nên chú ý đừng nên đi du lịch đến chợ Đông Ba vào những ngày này.
- Những ngày lễ thường rất đông, bạn phải bảo quản tư trang cho thật kỹ khi đến chợ trong những ngày này.
Người con gái Huế – cảnh chợ Đông Ba (Ảnh: Du lịch Đất Việt)
Người viết: Diệu Hiền
Xem thêm: Top 4 món cơm nhất định phải thử khi đến Huế