Làng Mỹ Lợi – kiểu giọng Huế rất lạ
“Ai về Mỹ Lợi mà xem, Trước sông sau biển chợ kề một bên”
Với địa thế đặc biệt, là một vùng cát phía trước giáp một phần của đầm Cầu Hai, phía sau giáp biển, làng Mỹ Lợi có lẽ là cái tên khá xa lạ với nhiều người. Nếu như bạn đang tìm kiếm một nơi mới mẻ, một nơi có không khí trong lành khi ra khỏi thành phố thì làng Mỹ Lợi là một trong những địa điểm lý tưởng. Điều đặc biệt nữa của làng Mỹ Lợi là giọng nói người dân ở đây không giống giọng Huế mà bạn vẫn nghe, dù làng này cách Huế chỉ 40km.
- Top 10 Món Ăn Phải Thử Khi Du Lịch Huế
- Lịch trình du lịch Cố Đô Huế 2 Ngày 1 Đêm
- Lịch trình khám phá Thừa Thiên Huế 2 ngày 1 đêm
- Lịch trình khám phá tham quan Huế 3 ngày 2 đêm
- Lịch Trình Khám Phá Huế 3 Ngày 2 Đêm
Đường đi đến ngôi làng cổ
Làng Mỹ Lợi với địa danh hành chính là xã Vinh Mỹ thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây cách thành phố Huế khá xa, chừng 40km và có quốc lộ 49B chạy qua. Bạn có thể đến làng Mỹ Lợi bằng các con đường khác nhau. Nhưng cách dễ nhất là từ trung tâm thành phố Huế đi về đường Nguyễn Tất Thành. Đi được khoảng 25km bạn rẽ trái rồi qua cầu Trường Hà. Sau đó, rẽ phải và đi tiếp trên quốc lộ 49B 20km rồi đến cầu Bến Đò. Đây chính là đã đến địa phận của làng Mỹ Lợi.
Làng Mỹ Lợi là một phần nhỏ của bãi ngang ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì thế nơi đây cũng chịu khí hậu khắc nghiệt đặc trưng của miền Trung. Tuy vậy thiên nhiên ở làng Mỹ Lợi xanh mát, không khí trong lành cùng với bề dày những giá trị văn hóa đặc trưng là một điểm đến mới mẻ cho những người yêu thích khám phá.
Đôi nét về lịch sử làng Mỹ Lợi
Theo những người lớn tuổi trong làng kể lại, những người dân có thể là từ vùng đất Sầm Sơn, Thanh Hóa. Họ theo chúa Nguyễn Hoàng vào đây khai canh, lập ấp vào năm 1562. Trước đây có tên là phường Mỹ Thành, sau là làng Mỹ Lợi và hiện nay là xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dẫu vậy, người dân vẫn gọi là làng Mỹ Lợi với sự trìu mến, thân thương. Trải qua gần 500 năm lịch sử, con người Mỹ Lợi với đức tính cần cù, chịu khó đã tạo nên một làng quê trù phú, tiếng tăm không chỉ về cảnh quan thiên nhiên mà còn tạo nên bề dày lịch sử – văn hóa..
Chất giọng khác biệt trên đất Huế
Nhắc đến giọng Huế, mọi người sẽ nghĩ ngay đến chất giọng đặc trưng với các từ “mô, tê, răng, rứa”. Nhưng làng Mỹ Lợi lại khác biệt với chất giọng “Quảng” nhưng không phải là giọng của người Quảng Nam mà thường gọi là giọng Mỹ Lợi.
Những người tiên phong khai canh vùng đất này sau một thời gian tiếp tục đến Quảng Nam, vì quá khó khăn nên đã trở lại. Vì thế nhiều người cho rằng chất giọng “Quảng” là có nguyên nhân từ đó. Nhưng theo các nghiên cứu khác lại cho rằng, giọng nói này đã xuất phát từ Thanh Hóa. Dù vì lý do nào, những người con Mỹ Lợi vẫn giữ được chất giọng này, không hề pha tạp trong thời gian qua. Dù đi xa xứ, người dân Mỹ Lợi vẫn có thể gặp nhau nhờ chất giọng này. Đây cũng là lý do mà ngày càng nhiều người biết đến làng Mỹ Lợi hơn.
Vẻ đẹp yên bình của làng Mỹ Lợi
Quang cảnh thiên nhiên tươi mát, tràn đầy sức sống
Khi đặt chân đến vùng quê này, bạn có thể tản bộ trên những con đường làng. Bạn sẽ ấn tượng với những hàng cây xanh mát ở các đường thôn, ngõ xóm. Hít thở bầu không khí trong lành mát mẻ, bạn sẽ cảm thấy rất khoan khoái, khác hẳn bầu không khí ở thành phố.
Nơi đây có dân cư không đông đúc, vì thế nhà nào cũng có mảnh đất rộng làm vườn. Vườn nhà Mỹ Lợi thường trồng chuối, cau, trầu, mãng cầu, cam, quýt,… có hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù trồng trên đất cát khô nóng nhưng cây cối lại xanh tốt vì người dân có kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác từ bao đời và cũng trở thành một nét đặc trưng của làng. Vườn ở Mỹ Lợi xanh lắm, mát lắm!
“Mía mả Nam Trường,
Nương vườn Mỹ Lợi”
Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào nghề nông. Với đức tính cần cù, chịu khó họ đã gây dựng một mảnh đất “cát bỏng chân” thành một mảnh đất trù phú như ngày hôm nay.
Tham quan các công trình kiến trúc cổ – Nơi lưu trữ giá trị lịch sử – văn hóa
Đình làng Mỹ Lợi
Đình làng Mỹ Lợi được xây dựng vào năm 1808. Nơi đây diễn ra những lễ cúng bái vào những ngày quan trọng trong năm, được xem là nơi linh thiêng nhất làng. Đình làng nằm ngay ở vị trí trung tâm của làng, hướng về phía Tây Nam, trước là sông nhỏ có đắp đê trồng lúa ven bờ.
Kiến trúc ảnh hưởng từ cung đình triều Nguyễn
Đình được xây dựng trên một nền đất rộng, dài. Khi đi từ ngoài vào có hồ sen rộng, tiếp đến là cổng Tam quan – Bình Phong – nhà Tả vu, Hữu vu. Phong cách kiến trúc của đình làng có ảnh hưởng theo phong cách cung đình triều Nguyễn. Những ngôi nhà rường ba gian hai chái, các họa tiết sắc sảo, có tính thẩm mĩ cao.
Nơi lưu giữ bằng chứng quan trọng
Đình làng Mỹ Lợi còn là nơi lưu giữ chứng tích quý báu của chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Đó là văn bản chữ Hán được ban hành vào 06/11/1759 dùng để xử lý một vụ kiện giữa làng Mỹ Lợi và làng An Bằng liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Sau đó đã được giao lại cho Bộ ngoại giao Việt Nam góp thêm chứng cứ khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình làng Mỹ Lợi vẫn tồn tại, là một chứng nhân văn hóa – lịch sử. Và là niềm tự hào của những người con Mỹ Lợi. Vào tháng 09/07/1996 Đình làng Mỹ Lợi đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia.
Nơi thờ tự của 45 họ tộc
Có thể nói không có nơi nào có nhiều nhà thờ họ như ở làng Mỹ Lợi. Các công trình đều ảnh hưởng bởi kiến trúc triều Nguyễn. Các nhà thờ đều được xây dựng chắc chắn, đồ sộ như nhà nhờ họ Nguyễn, họ Lương, họ Đoàn, họ Trần,… là nơi hương khói, thờ tự tổ tiên.
Người dân Mỹ Lợi thật thà, chất phác
Ở vùng quê Mỹ Lợi, người dân chủ yếu làm nghề nông. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng họ là những người rất vui vẻ, hiền hòa, chịu thương chịu khó. Mảnh đất này đã có rất nhiều thế hệ thành tài.
Người nông dân vác cuốc ra đồng đi sớm về khuya nhưng không thể quên câu chào khi gặp nhau. Hàng xóm gần gũi, giúp đỡ lẫn nhau là nét đẹp trong văn hóa nơi đây.
Về truyền thống học hành, làng Mỹ Lợi là nơi có rất nhiều người đỗ đạt.
Có thể kể tên như Hoàng Văn Tuyển (1824-1879) đậu tiến sĩ khoa Tân Hợi (1851) từng làm Tổng đốc Bình Ðịnh và Thượng thư bộ Công; Hoàng Trọng Nhu đỗ cử nhân khoa Kỷ Dậu (1909), Huỳnh Văn Tích đỗ tú tài, sau làm Tri huyện Hoà Ða (Bình Ðịnh).
Mỹ Lợi cũng là quê hương bà Hoàng Thị Cúc, sau này là Ðoan Huy Hoàng thái hậu (tức Ðức Từ Cung), mẹ vua Bảo Ðại – vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn.
Trải nghiệm ẩm thực ở chợ Mỹ Lợi
Chợ Mỹ Lợi nằm gần bến sông, là nơi buôn bán của người dân trong làng. Ngoài ra còn có các xã lân cận như Vinh Hưng, Vinh Hiền, Giang Hải.
Chợ Mỹ Lợi là một trong những chợ truyền thống nổi tiếng của Huế với rất nhiều mặt hàng. Ở đây, các mặt hàng thịt, cá, tôm,… vô cùng tươi ngon. Chợ đông rất sớm và tan cũng rất nhanh khoảng từ 4 giờ sáng đến 10 giờ trưa.
Đây cũng là nơi hội tụ văn hóa ẩm thực của làng Mỹ Lợi. Nhìn chung, các món ăn đều giống với văn hóa ẩm thực Huế như chè, bánh lọc, bánh nậm, bánh ít, bún bò,… Nhưng lại có nét riêng của khẩu vị người địa phương rất khác và dĩ nhiên món ăn chợ quê bao giờ cũng rất rẻ.
Đây là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển nhưng vẫn giữ được cái nét đẹp dân dã. Làng Mỹ Lợi là điểm đến mới mẻ, độc đáo cho những người yêu thích khám phá.
Mai Vui