Làng nghề đan lát Bao La – nơi thổi hồn vào những thân tre
Hình ảnh cây tre gắn liền tuổi thơ của bao người, là nét đặc trưng của làng quê Việt Nam. Từ những cây tre khẳng khiu, người dân làng Bao La không chỉ tạo ra những sản phẩm đan lát tinh tế mà còn đem chúng đi ra thế giới.
Làng Bao La nằm ở đâu?
Làng Bao La cách trung tâm Thành phố Huế khoảng 15km về phía Bắc. Làng nằm ven bờ sông Bồ, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Làng Bao La_Ảnh sưu tầm
Cách di chuyển đến làng Bao La
Từ trung tâm Thành phố Huế, bạn có thể đi đường Lý Nhân Tông theo hướng Bắc đến Quốc lộ 1A. Sau đó rẽ phải vào đường Hoàng Trung để đến cầu Tứ Phú. Từ đây, bạn đi khoảng 2km nữa là đến địa phận làng Bao La.
Sản phẩm đan lát ở làng Bao La_Ảnh Khám phá Huế
Ngôi làng được bao bọc bởi những rặng tre già, những cánh đồng lúa bao la với dáng vẻ yên bình của một làng quê xứ Huế. Làng gồm có 6 xóm bao gồm: xóm Chùa, xóm Đình, xóm Hóp, xóm Đông, xóm Cầu, xóm Chợ nổi tiếng với nghề đan lát lâu đời.
Nghề đan lát Bao La – làng nghề gần 600 tuổi
Lịch sử hình thành làng nghề truyền thống
Ở làng Bao La, phù sa màu mỡ từ sông Bồ giúp người dân canh tác trồng lúa. Ngày trước, sau mỗi mùa vụ thu hoạch lúa, bà con thường rảnh rỗi sẽ làm những vật dụng bằng tre phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm có thể kể đến như rổ, rá, giần, sàn,… Với bàn tay tỉ mỉ, khéo léo, người dân đã biến các sản phẩm đan lát trở nên nổi tiếng gần xa, dần hình thành một nghề truyền thống của làng.
“Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột
Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi
Tạm tiền mua lấy vài đôi
Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào.”
Sản phẩm đan lát ở Bao La _Ảnh huesmiletravel
Theo chia sẻ của người dân nơi đây, làng Bao La được thành lập vào khoảng thế kỷ XV. Trong làng, không có ai biết nghề đan lát xuất hiện từ bao giờ, những người cao niên trong làng chỉ án chừng làng nghề tồn tại đến nay đã gần 600 năm. Nghề đan lát phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XV. Sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu ở địa phương mà còn đem đi tiêu thụ khắp Thành phố Huế và các tỉnh miền Trung.
Khu trưng bày ở Hợp tác xã Bao La_ Ảnh NEM
Từng có nguy cơ phải dừng hoạt động
Đời sống ngày càng phát triển, kéo theo đó các sản phẩm bằng chất liệu nhựa, sắt dần thay thế các sản phẩm thủ công. Đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn khiến người dân không còn mặn mà với nghề và chuyển sang các công việc khác để đảm bảo đời sống. Việc sản xuất chỉ dừng ở việc phục vụ nhu cầu của hộ gia đình, sản xuất trì trệ dẫn đến nguy cơ mai một của làng nghề.
Làng nghề “sống dậy” trở lại
Nhận thấy những giá trị mà nghề truyền thống mang lại cùng với sự tâm huyết của người dân ở làng Bao La. Chính quyền địa phương đã thành lập Hợp tác xã mây tre đan Bao La vào năm 2007 với mục tiêu phát triển lại nghề truyền thống và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ _ Ảnh VietnamPlus
Gần 15 năm sau nhiều nỗ lực, tìm tòi, làng nghề không chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống mà chuyển hướng sản xuất sang mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, có hơn 500 mẫu mã được sản xuất và bán đi khắp nơi ở Việt Nam và nước ngoài. Các sản phẩm nổi bật như cầu ngói Thanh Toàn, chùa Thiên Mụ, các sản phẩm trang trí nội thất như bàn ghế, lồng đèn, bình hoa,… hiện nay có nhu cầu rất lớn. Không khí sản xuất ở đây vô cùng sôi động, thu hút nhiều lao động tham gia sản xuất.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo_Ảnh Trung tâm festival Huế
Đan lát ở Bao La – tỉ mỉ từng công đoạn
Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và những người thợ lành nghề, sản phẩm đan lát Bao La không chỉ đẹp mà còn bền, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Các sản phẩm lớn nhỏ đều phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và tính thẩm mỹ cao.
Chọn nguyên liệu
Nguyên liệu chính của việc đan lát không gì khác chính là tre. Người dân ở đây thường dùng loại tre có thân cao, thẳng, gióng dài, gọi là lồ ô, mọc chủ yếu ở khu vực miền Trung. Ngoài ra, một số sản phẩm còn có sự kết hợp của cây mây.
Cây lồ ô _Ảnh sưu tầm
Xử lý mối mọt – lên màu cho sản phẩm
Khi chọn tre, người dân thường chọn tre già. Tre sau khi được đốn về, phải được đem ra phơi nắng. Phơi đúng độ mới lên màu đẹp, có độ dai và khả năng chống mối mọt.
Chế tác sản phẩm
Tre sau khi phơi được chẻ nhỏ với các kích thước phù hợp trước khi đan lát. Mỗi phần của cây tre lại có những công dụng khác nhau.
Công đoạn chẻ tre_Báo Dân trí
Ở đây, việc sản xuất được tổ chức theo dây chuyền hóa, mỗi người làm một công đoạn. Người chẻ tre, người đan, người định hình sản phẩm cuối cùng.
Công đoạn đan_Ảnh Huetourism
Từ một thân tre khẳng khiu, thô cứng, những nghệ nhân đã thổi hồn vào từng thân tre tạo nên những sản phẩm độc đáo. Sau khi trải qua các công đoạn, sản phẩm được đem đi hui cho cháy xơ tre và sơn chống mốc rồi đem ra ngoài phơi nắng.
Người dân đem các sản phẩm ra phơi nắng_Ảnh Huetourism
Khi đến tham quan làng Bao La, bạn có thể trải nghiệm làm một số sản phẩm đan lát đơn giản nhưng vô cùng thú vị.
Công đoạn hoàn thành sản phẩm_ Ảnh Sưu tầm
Bên cạnh các công đoạn cơ bản để tạo ra một sản phẩm đan lát, thì còn đòi hỏi sự sáng tạo trong chế tác. Vì mỗi sản phẩm mang một nét độc đáo riêng. Hiện nay, Hợp tác xã Bao La đã xây dựng khu trưng bày các sản phẩm được sản xuất ở đây thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.
Du khách tham quan khu trưng bày_Ảnh Huetourism
Làng nghề truyền thống là nơi lưu trữ và kết tinh những giá trị văn hóa lâu đời của ông cha ta. Với hướng đi mới cho nghề đan lát, làng Bao La ngày càng phát triển và gìn giữ những giá trị truyền thống đó. Cùng Hành trình du lịch đến Bao La để khám phá những nét độc đáo của làng nghề và hòa nhịp với niềm vui lao động sản xuất của người dân ở nơi đây.
Người viết: Mai Vui