Làng nón lá Mỹ Lam – Chiếc nón bài thơ xứ Huế
“Ai ra xứ Huế mộng mơ
Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”
(Nón lá biểu tượng của người Việt Nam, nguồn: sưu tầm)
Từ bao đời nay, hình ảnh người con gái Huế mặc áo dài với chiếc nón lá nghiêng nghiêng, đã là một vẻ đẹp riêng của Huế.
Nhà thơ Trần Quang Long có viết:
“Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Trời mùa thu mây che có nắng đâu…”
Những chiếc nón lá nhẹ nhàng, âm thầm góp phần tạo nên cái nét riêng đó. Ngày nay, vì nhiều lý do, hình ảnh những chiếc nón đang dần vắng bóng trên đường phố Huế.
- Top 10 Món Ăn Phải Thử Khi Du Lịch Huế
- Lịch trình du lịch Cố Đô Huế 2 Ngày 1 Đêm
- Lịch trình khám phá Thừa Thiên Huế 2 ngày 1 đêm
- Lịch trình khám phá tham quan Huế 3 ngày 2 đêm
- Lịch Trình Khám Phá Huế 3 Ngày 2 Đêm
Ngôi làng với truyền thống làm nón bao đời
(Tôn vinh lên vẻ đẹp của người phụ nữ, nguồn: sưu tầm)
Làng Mỹ Lam thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế từ 5 đến 7 cây số về phía Đông Nam. Ngôi làng này là một trong số ít các ngôi làng vẫn còn lưu giữ nghề chằm nón truyền thống.
(Nghề làm nón được lưu truyền qua các thế hệ, nguồn: sưu tầm)
Tính tới nay, nghề làm nón của làng đã tồn tại gần 160 năm. Người dân nơi đây đã gắn bó với nghề làm nón một cách tự nhiên từ đời này sang đời khác. O Yến là một trong những nghệ nhân lâu đời của làng chia sẻ: “Nói tới nguồn gốc thì o không biết nguồn gốc của nghề này từ đâu. O chỉ biết là từ ông bà o truyền lại cho cha mẹ o, rồi cha mẹ truyền lại cho o”. Có thể nói tuổi thơ của người dân nơi đây gắn liền với nghề làm nón.
“Mỹ Lam, Phú Mỹ bao đời
Làng quê nón lá người người thiết tha
Bao năm vất vả mọi nhà
Nên danh nên nghiệp cũng là từ đây.”
(Những câu thơ được lưu truyền trong làng)
Làm nón – tưởng không khó nhưng khó không tưởng
Những chiếc nón lá mảnh mai, trông đơn giản nhưng để làm ra nó phải cần kỹ thuật, kinh nghiệm của những người yêu nghề. Để làm nên một chiếc nón lá phải trải qua rất nhiều công đoạn khó khăn. Từ khâu chọn lá, vuốt nan, lên khung, xây lá, chằm nón. Tất cả đều bằng các phương pháp thủ công.
(Không cần phải hiện đại, sự tỉ mỉ khéo léo mới có thể làm nên chiếc nón, nguồn: sưu tầm)
Lá được dùng làm nón thường là lá dừa hoặc lá gội. Được các nghệ nhân thu mua về rồi xử lý một cách tỉ mỉ, lựa chọn kỹ càng. Tạo nên những chiếc lá vừa mỏng, vừa sáng bóng. Để khi xếp lá, chiếc nón trở nên mỏng nhẹ, che mưa, che nắng.
(Xếp lá hay còn gọi là xây lá, nguồn: sưu tầm)
Để tạo nên hình dáng của chiếc nón thì lên khung là một công đoạn rất quan trọng. Khung nón được tạo từ 16 cung tròn được ví như “16 vành trăng lên”. Khoảng cách và độ lớn của mỗi đường tròn được lưu giữ và truyền lại từ xưa đến nay.
(16 cung tròn như 16 cung trăng, nguồn: sưu tầm)
Chằm nón hay khâu nón, đây là công đoạn cuối cùng. Cũng là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm nhiều nhất. Mũi kim phải nhỏ đều nhau mà không được quá căng để lại những vết rách trên nón. Mỗi nghệ nhân đều có một một kinh nghiệm chằm nón khác nhau, đúc kết từ quá trình làm nón. Những o, những mệ tuy mắt đã yếu, tay đã run. Nhưng khi chằm nón đôi tay họ thoăn thoắt. Dáng vẻ ấy như đang thể hiện một điệu múa dân gian đã in sâu vào trong máu mỗi người vậy.
(Tuổi tác không quan trọng, quan trọng là kinh nghiệm và tay nghề, nguồn: sưu tầm)
Chiếc nón bài thơ – sự sáng tạo ngọt ngào
Chiếc nón bài thơ Huế là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca. Nón bài thơ Huế được cho là sáng kiến của nghệ nhân Bùi Quang Bặc – một người yêu thơ trong làng. Ông đã nghĩ ra sáng kiến ép những câu thơ vào giữa 2 lớp lá để tôn vinh lên vẻ đẹp của chiếc nón lá.
(Chiếc nón Bài Thơ xứ Huế, nguồn: internet)
Ngày nay, để làm đẹp thêm cho chiếc nón, người ta không những ép thơ mà còn ép những hình ảnh gắn liền với xứ Huế như tranh về sông Hương, núi Ngự Bình, chùa Thiên Mụ,…
Thoát xác từ một vật dụng để che nắng, che mưa.Giờ đây, nón lá đã trở thành một món trang sức thêm đẹp, thêm duyên cho người phụ nữ. Và hơn thế nữa là trở thành một món quà lưu niệm. Nó mang biểu tượng của xứ Huế lan rộng ra khắp năm châu, bốn bể.
(Là món quà lưu niệm rất ý nghĩa khi đến Huế, nguồn: sưu tầm)
Đến Mỹ Lam học chằm nón
Để có thể trải nghiệm, hiểu rõ hơn về các công đoạn, sự khó khăn khi làm ra một chiếc nón. Du khách hãy tìm đến làng Mỹ Lam. Chỉ cần hỏi thăm nhà o Yến hay nghệ nhân Lê Thị Yến, thì bạn sẽ được mọi người nhiệt tình chỉ dẫn tới tận nơi. Bạn sẽ được các o, các mệ tóc đã bạc màu, với đôi bàn tay chai sần hướng dẫn công việc tận tình.
(Mang một nét đẹp bình dị, thanh tao, nguồn: sưu tầm)
Trên mảnh đất chữ hình S không chỉ có mỗi chiếc nón bài thơ của Huế, mà còn có nón lá Quảng Bình, nón quai thao,… Nhưng nón lá Huế – nón Mỹ Lam lại mang một nét rất riêng. Giống như người con gái Huế, nhẹ nhàng, thướt tha, sâu lắng, bình dị và thanh tao. Dáng hình ấy làm xao xuyến bao tâm hồn du khách, các chàng trai khi đến với xứ Huế mộng mơ.
Người viết: Kim Toàn