Nhà lưu niệm Phan Bội Châu – Nơi lưu giữ những năm tháng cuối đời của nhà yêu nước vĩ đại
Nhà lưu niệm Phan Bội Châu là một trong những di tích lịch sử của Huế. Đến đây, bạn không chỉ biết thêm về phong cách sống giản dị, thanh cao của nhà yêu nước vĩ đại, mà còn hiểu hơn một giai đoạn lịch sử hào hùng của ông cha.
- Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
- Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
- Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
- Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
- Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm
Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở đâu?
Nhà lưu niệm Phan Bội Châu nằm ở số 119 trên con đường cùng tên, thuộc phường Trường An, Tp. Huế. Đây là nơi nhà yêu nước Phan Bội Châu sống những năm cuối đời trong sự giam lỏng của thực dân Pháp. Hiện nay, khu nhà này do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế quản lý.
Địa điểm này chỉ cách trung tâm Thành phố Huế 3km và có thể dễ dàng tìm đường trên Google maps. Bạn có thể đến tham quan bằng xe máy, taxi đều được. Thậm chí, bạn cũng có thể đạp xe đạp để đến thăm nơi ở của “ông già Bến Ngự”.
Phan Bội Châu – Nhà yêu nước lớn đầu thế kỷ XX
Sinh vào ngày 26/12/1867 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cụ tên thật là Phan Văn San. Sau này còn biết đến với cái tên Hải Thụ, hiệu Sào Nam. Cụ là một người thông minh từ nhỏ. Vào năm 1900, Cụ đã đậu giải Nguyên trong kỳ thi hương.
Không chỉ là nhà yêu nước, Phan Bội Châu còn là nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Với lòng yêu nước mãnh liệt và mong muốn lập ra nước Việt Nam độc lập, Cụ đã khởi xướng phong trào Đông du, đưa các thanh niên đi du học ở Nhật Bản. Cụ cũng đồng thời cổ vũ tinh thần yêu nước, đấu tranh chống kẻ thù của nhân dân cả nước.
Không may thay, năm 1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải. Sau đó, Cụ bị giam cầm ở Hỏa Lò (Hà Nội). Dưới áp lực phản đối mạnh mẽ của nhân dân ta, thực dân Pháp phải đưa Cụ đến Huế để giam lỏng. Đây cũng là nơi Cụ sống những năm tháng cuối đời với một ý chí kiên cường, không đầu hàng trước quân thù.
Ngày nay, khu nhà được xây dựng thêm các công trình khác và được bảo vệ chặt chẽ. Đây là nơi để tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam.
Các công trình nằm trong khu nhà lưu niệm
Ngôi nhà cụ Phan Bội Châu từng sống
Với số tiền hai nghìn đồng mà đồng bào cả nước quyên góp, Cụ đã mua được hai mảnh đất. Cụ xây nhà và sống ở mảnh đất nằm trên dốc Bến Ngự. Cũng chính vì lý do này mà Cụ được người dân Huế gọi bằng cái tên thân thương là “Ông già Bến Ngự”. Nơi này trở thành nhà Lưu niệm Phan Bội Châu.
Ngôi nhà này được chính tay Cụ thiết kế và được cụ Võ Liêm Sơn bắt tay xây dựng. Ngôi nhà đơn sơ gồm ba gian được lợp bằng tranh. Chính giữa nhà có dạng hình vuông, làm nơi diễn thuyết với những tầng lớp thanh niên trí thức yêu nước như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp,…
Lăng của Cụ Phan Bội Châu
Năm 1940, người dân Thừa Thiên Huế và đồng bào cả nước vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Cụ. Sinh thời, Cụ đã mong muốn sau khi chết sẽ được chôn cất ở đây. Vị trí mộ của Cụ nằm chính giữa vườn có chiều dài 7m, chiều cao 5m và 5 bậc tam cấp cao 0.8m.
Bên cạnh đó, trong vườn còn có mộ cụ Tăng Bạt Hổ, lăng mộ con trai và con dâu Cụ Phan Bội Châu. Đặc biệt là bia con Ky, con Vá mà Cụ rất yêu quý.
Nhà thờ
Ngôi nhà này được cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng cùng thời điểm xây dựng lăng mộ. Nằm cạnh bên nhà ở, là ngôi nhà rường ba gian được xây dựng chắc chắn.
Từ đường
Đây là nơi lưu trữ nhiều hiện vật và các tư liệu quan trọng của cụ Phan Bội Châu lúc còn sống. Ngoài ra còn có nhiều tư liệu về những người có lý tưởng cách mạng khác.
Ngôi nhà cao khoảng 8m, nằm trước mặt mộ cụ Phan Bội Châu. Trước nhà có ghi tấm bảng: “Từ đường các liệt sĩ tiền bối và Phan Bội Châu tiên sinh”.
Ngoài ra, trong vườn còn có các công trình khác như bia kỷ niệm giao lưu Việt – Nhật. Đây từng là một trong những điểm đến của Nhật hoàng trong chuyến đi đến thăm Việt Nam.
Tượng cụ Phan Bội Châu
Năm 1973, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn cùng với các cộng sự đã chế tác tượng cụ Phan Bội Châu. Tượng được đặt trên bệ đá cao gần 2m. Đây là tượng đầu lớn nhất Việt Nam được đúc bằng đồng bằng kỹ thuật của phường Đúc ở Huế.
Nhà lưu niệm Phan Bội Châu là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa – lịch sử quý giá, nơi nhà yêu nước lỗi lạc từng sống. Đến đây, ta còn được chiêm nghiệm lại quá trình đấu tranh hào hùng cho một đất nước độc lập, dân tộc tự do như ngày hôm nay.
Xem thêm:https://hanhtrinhdulich.vn/dam-lap-an-tuyet-tinh-coc-xu-hue-7123/
Mai Vui