Blog

Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị – không gian trưng bày nghệ thuật bên dòng sông Hương

Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị là một điểm đến vô cùng lý tưởng, không thể bỏ lỡ đối với những ai yêu thích nghệ thuật. Nơi đây, trưng bày các tác phẩm nổi tiếng của nhà điêu khắc tài ba Điềm Phùng Thị. Bên cạnh đó, nó còn mang nét đẹp phong cách kiến trúc Pháp độc đáo.

  1. Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
  2. Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  3. Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
  4. Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
  5. Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm

Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị nằm ở đâu?

Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị tọa lạc tại số 17 Lê Lợi, phường Phú Nhuận, thành phố Huế. Chiếm giữ vị trí đắc địa bên dòng sông Hương thơ mộng cũng khiến ta hiểu rõ được giá trị nghệ thuật vô cùng quan trọng của nó.

Tòa nhà biệt thự kiểu Pháp của Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị _ Ảnh: doanhnhanplus.vn

Nhà điêu khắc tài danh Điềm Phùng Thị

Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc (1920 – 2002). Quê ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nhưng bà được sinh tại làng Châu Ê, xã Thủy Bằng, thành phố Huế. Bà là con gái ông Phùng Duy Cẩn từng làm quan triều Nguyễn, có thời làm tham công chỉ huy việc xây Lăng Khải Định.

Điềm Phùng Thị là nhà điêu khắc tên tuổi lớn của thế giới. Bà là một trong hai nghệ sĩ tiêu biểu của Châu Á được ghi danh vào từ điển LaRousse, là tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX. Ngoài ra, còn là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học – Văn hóa – Nghệ thuật của Châu Âu.

Bà từng tốt nghiệp Nha khoa tại trường Đại học Y khoa Hà Nội và đi theo kháng chiến. Toàn quốc kháng chiến, bà ra vùng tự do phục vụ cách mạng. Vì bị bệnh, Phùng Thị Cúc được đưa sang Pháp điều trị. Sau khi khỏi bệnh, bà tiếp tục học và tốt nghiệp nha khoa tại Pháp. Từ đây Phùng Thị Cúc đã kết hôn với người đồng nghiệp – ông Bửu Điềm. Tên Điềm Phùng Thị cũng ra đời từ đó.

Chân dung bà Điềm Phùng Thị _ Ảnh: diemphungthiartfoundation.com

Năm 1959, Điềm Phùng Thị mới đến với nghệ thuật điêu khắc. Vào năm 1966, bà có cuộc triển lãm đầu tiên được công chúng Pháp nồng nhiệt đón nhận và trở thành một nhà điêu khắc. Sau đó, hàng chục cuộc triển lãm quy mô vừa và nhỏ của Điềm Phùng Thị liên tiếp được tổ chức khắp các nước Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Sĩ… 38 tượng đài và motip trang trí theo từng chủ đề của bà được đặt khắp lãnh thổ nước Pháp. Tên tuổi Điềm Phùng Thị nổi danh khắp Châu Âu.

Những năm cuối đời, bà về nước nhiều lần và tổ chức các cuộc triển lãm tại thủ đô Hà Nội, Huế, TP HCM. Năm 1994, ở tuổi 81, bà hiến tặng toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình cho Huế với 175 tác phẩm.

Sự ra đời trung tâm nghệ thuật

Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị là một trong ba không gian trưng bày nghệ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Gồm Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Không gian trưng bày Mỹ thuật Huế). 

Tòa nhà được xây dựng vào năm 1940, là một trong 27 công trình vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào danh mục kiến trúc Pháp tiêu biểu tại thành phố Huế. Nơi đây đang trưng bày và lưu giữ 367 tác phẩm nghệ thuật (491 hiện vật) với nhiều thể loại, chất liệu độc đáo của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tặng cho nhân dân thành phố Huế.

Một góc chụp tòa biệt thự kiểu Pháp _ Ảnh: vov.vn

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị là một  người con xa quê với tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước, mong muốn đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Bà đã đưa những tác phẩm – những đứa con tinh thần của mình về trưng bày ở Huế và trao tặng cho nhân dân vùng đất Cố đô. 

Vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, bà được sự ủng hộ và chung tay của một số văn nghệ sĩ, trí thức, cá nhân yêu mến nghệ thuật. Năm 1993, bàị cùng với Lãnh đạo thành phố Huế đã thành lập Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị  tại số 01, đường Phan Bội Châu, thành phố Huế.

Quang cảnh tuyệt đẹp nhìn từ cửa sổ _ Ảnh: vov.vn

Trải qua hai mươi lăm năm, quãng thời gian không quá dài nhưng đủ thắm cho một nhân cách tài hoa, nghệ thuật sáng tạo Điềm Phùng Thị tỏa sáng trên vùng đất cố đô Huế và lan tỏa đến khắp các châu lục trên thế giới qua những tác phẩm của Bà.

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật Điềm Phùng Thị đến với công chúng, du khách; đồng thời thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc hình thành không gian văn hóa nghệ thuật của tỉnh trên trục đường Lê Lợi; tháng 4 năm 2018, Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị được di dời về địa điểm mới tại số 17, đường Lê Lợi, thành phố Huế.

Nét đặc sắc tác phẩm của Điềm Phùng Thị

Giáo sư Mady Ménier – Đại học Paris I đã có những nhận xét thú vị về Điềm Phùng Thị: “Lần đầu tiên không cầu kỳ chuộng lạ hương xa, một nhà tạc tượng – trong số biết bao nhà tạc tượng từ Viễn Đông đến Paris – giành được chỗ đứng cho châu Á ngay trong lòng ngành điêu khắc rất hiện đại của Paris…

Sự đơn giản hóa cao độ và tinh tế các hình thể, hiếm có tinh khiết, đan xen nhau, đã trực tiếp dự báo rõ rệt đặc điểm sau này của nghệ thuật Điềm Phùng Thị, một phong cách sáng tạo độc đáo…”

Cái độc đáo riêng biệt của Điềm Phùng Thị là việc bà sáng tạo ra một nghệ thuật điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 mô-đun hình học. Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là mẫu tự. Còn giáo sư Trần Văn Khê thì gọi là 7 nốt nhạc. 

Bằng sự sắp xếp dưới nhiều hình dạng theo những hình khối gọi là mô-đun một cách khéo léo và tinh tế tạo nên nét độc đáo, riêng biệt của Điềm Phùng Thị.

Mỗi một hình chữ không hề mang ý nghĩa gì, thế nhưng chúng được lắp ráp lại với nhau lại tạo nên một nghệ thuật tuyệt vời

Bà đã sáng tạo nhiều tác phẩm độc đáo, thể hiện sâu sắc khát vọng Chân- Thiện- Mỹ của con người mang đậm phong cách hiện đại, vừa gần gũi với tâm tình Á Đông và tâm tình của con người Việt Nam.

Tác phẩm của Điềm Phùng Thị là dòng chảy nghệ thuật với một quá trình không ngừng tìm tòi và sáng tạo cái mới được trưng bày theo 3 giai đoạn (thử nghiệm, khẳng định ngôn ngữ Điềm Phùng Thị và ứng dụng).

Giai đoạn thử nghệm là giai đoạn nghệ sĩ bắt đầu bước vào nghề với các tác phẩm ngôn ngữ khối căng tròn, đơn giản thể hiện khác vọng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Ở giai đoạn khẳng định ngôn ngữ Điềm Phùng Thị đã có sự chuyển biến về tư duy nhận thức, từ đó các khối đường nét mạnh hơn, khỏe hơn, dứt khoát hơn nhưng vẫn tư duy liền mạch với các tác phẩm trước.

Giai đoạn ứng dụng là giai đoạn tác giả bắt đầu hé mở quan niệm lắp ghép các hình khối với nhau để tạo ra tác phẩm mới.

7 chữ cái ấy tiền thân là những mẫu gỗ thừa mà người ta vứt đi trong xưởng mỹ thuật của trường nghệ thuật thực hành. Những mẫu gỗ thừa hình vuông, chữ nhật, hình thang… ngẫu nhiên, nhưng là cả một thế giới hình tượng hết sức sinh động qua con mắt của Điềm Phùng Thị.

Từ trong đống những mẫu vụn ấy, bà đã chọn ra được 10 ký hiệu, rồi qua quá trình tiến hóa dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của Điềm Phùng Thị, bảng mẫu tự ấy đã cô đọng lại với 7 chữ cái.

Từ hình người chắp tay, thêm vào mấy mô-đun thành một ông quan, xoay qua xoay lại thành người phụ nữ, lật ngược, lật xuôi thành bông hoa…

Với 7 chữ cái độc đáo đó, Điềm Phùng Thị đã lắp ghép, đã biến hóa thành muôn vàn hình tượng: Thành một thế giới Điềm Phùng Thị đậm phong vị và triết lý phương Đông.

Một số lưu ý khi tham quan

         Thời gian mở cửa: Tất cả các ngày trừ thứ 2

  • Sáng: 7h30 -11h30
  • Chiều: 13h00 – 17h00

         Giá vé:

  • 300.000 đồng/ vé đối với người lớn
  • 20.000 đồng/ vé trẻ em từ 6 đến 12 tuổi

         Một số hoạt động khác:

Trung tâm nghệ thuật thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như trình diễn áo dài, giao lưu, triển lãm nghệ thuật….

Buổi diễn áo dài của NTK Đặng Bảo lấy cảm hứng từ tranh họa sĩ Trương Bé và họa sĩ Nguyễn Thị Huệ _ Ảnh: FB Điềm Phùng Thị Gallery

Triển lãm Búp Bê Truyền Thống Nhật Bản tại trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị _ Ảnh: FB Điềm Phùng Thị Gallery

Bên cạnh đó, bạn có thể tham quan thêm Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng tại địa chỉ 15 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Ở đây có gần 400 tác phẩm của ông đang được trưng bày trong một biệt thự kiểu Pháp.

Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng _ Ảnh:tripadvisor.in

Xem thêm: Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng – Tác phẩm nghệ thuật lớn giữa đồi xanh

Nếu có dịp đi ngang qua dòng sông Hương thì dừng chân Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị để xem những tác phẩm độc đáo. Tận hưởng không gian thiên nhiên cây cối xanh mát ngay giữa lòng Huế.

 

Người viết: Thu Hà

 

 

 

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on