Phiêu du về miền cực lạc cùng ngôi chùa Long Sơn
Khánh Hòa – xứ sở trầm hương, vốn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Nơi đây còn mang dáng vẻ thanh tịnh của người con quy y bên cửa Phật. Chùa Long Sơn (Phật trắng) cũng là một thắng cảnh Phật giáo được kỷ lục Guinness công nhận là nơi có pho tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam. Người dân nơi đây truyền tai nhau bài ca dao nổi tiếng rằng:
“Ai về viếng cảnh Khánh Hòa
Long Sơn nên ghé, Tháp Bà Đừng Quên
Kim Thân Phật Tổ nhớ lên
Nhìn ông Phật trắng ngồi trên lưng trời.”
- Lịch trình khám phá Nha Trang – vui chơi VinWonders 3 ngày 2 đêm
- Lịch trình khám phá tận hưởng Nha Trang 3 ngày 2 đêm – 2024
- Lịch trình thư giãn tắm biển Nha Trang 2 ngày 1 đêm – 2024
- Lịch trình du lịch Nha Trang – Vịnh Vĩnh Hy 4 ngày 3 đêm
- Lịch trình vi vu Nha Trang, khám phá các đảo 3 ngày 2 đêm – 2024
- Lịch trình du hí khám phá Khánh Hoà 2 ngày 1 đêm – 2024
Vị trí của chùa Long Sơn
Chùa Long Sơn nằm tại địa chỉ số 22 đường 23/10, phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, ngay dưới chân núi Trại Thủy. Nơi đây bao gồm chùa Long Sơn phía dưới và một ngôi chùa khác có tên là Hải Đức phía trên. Chùa được xây dựng trên một khu đất cao, khí trời thoáng máng và cây cối xanh tươi. Tuy nằm cạnh đường giao thông và phố xá tấp nập, Phật trắng vẫn luôn giữ được nét tĩnh lặng vốn có của nó.
Vùng đất này được ví qua một câu thơ “Tứ Thủy Triều Quy – Tứ Thú Tụ”. Người dân địa phương cho rằng “Tứ Thú Tụ” dùng để miêu tả bốn hòn núi tượng trưng cho 4 linh thú của thành phố:
“Thanh Long Hý Thủy
Ngọc Bức Hàm Hoàn
Kim Quy Đới Tháp
Bạch Tượng Quyện Hồ”
Trong đó, bức tranh về Ngọc Bức Hàm Hoàn có nghĩa là “Dơi Ngọc Ngậm Vòng”. Câu ca dao miêu tả về hình ảnh của Trại Thủy tựa như một chú dơi. Phía trước chú dơi có một bàu nước hình tròn như mặt trăng. Và tuyệt diệu làm sao khi chùa Long Sơn lại được xây dựng tại Trại Thủy!
Lịch sử hình thành ngôi cổ tự
Chùa Long Sơn do nhà Hòa thượng Thích Ngộ Trí (sinh năm 1856) khai sơn sáng lập năm 1886 với tên gọi là Đằng Long Tự. Ban đầu, chùa chỉ là một căn nhà tranh nằm tại đỉnh đồi Trại Thủy. Nhưng vào năm 1900, chùa bị sập sau một cơn bão, nên tổ khai sơn quyết định dời chùa xuống chân núi. Từ đó, chùa đổi tên thành Long Sơn tự.
Năm 1936, theo di nguyện của Tổ Ngộ Chí, chùa được tiếng cúng cho Hội An Nam Phật Học. Đến nay, chùa vẫn còn là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa. Năm 1938, vua Bảo Đại sắc phong cho chùa là “Sắc tứ Long Sơn tự”.
Năm 1941, chùa được trùng tu do Hội trưởng Tôn Thất Quyền và Phật Tử Võ Đình Thụy phát tâm xây dựng. Năm 1968, chùa bị sạt mái ngói do chiến tranh. Năm 1971, Thượng tọa Thích Thiện Bình đứng ra trùng tu chùa. Năm 1975, việc trùng tu mới thực hiện được 60% theo bản thiết kế của kiến trúc sư Võ Định Hiệp.
Trụ trì tại chùa
- Từ khi xây dựng đến nay, chùa trải qua các đời trụ trì:
- Hòa thượng Thích Ngộ Chí trụ trì từ năm 1889 – năm 1935.
- Hòa thượng Thích Chánh Hòa trụ trì từ năm 1936 – năm 1957.
- Hòa thượng Thích Chí Tín: trụ trì từ năm 1957 – năm 2013.
- Hòa thượng Thích Thiện Bình trụ trì từ 2013 – năm 2016.
- Hòa thượng Thích Minh Thông trụ trì từ năm 2016 – nay.
Hướng dẫn di chuyển đến chùa
Bạn có thể thuê xe máy tại Nha Trang và tham khảo hai tuyến đường sau đây.
- Nếu bạn xuất phát từ trung tâm thành phố Nha Trang, gần tháp Trầm Hương. Bạn có thể di chuyển theo hướng đường Lê Thánh Tôn – Thái Nguyên – Đường 23/10.
- Nếu bạn đang ở phía Bắc thành phố và xuất phát từ con đường vàng Phạm Văn Đồng. Bạn chạy và rẽ vào đường Hòn Chồng. Sau khi chạy hết đường, bạn rẽ trái vào đường 2 tháng Tư trên Quốc lộ 1C. Tiếp tục, bạn chạy đến hết đường và rẽ phải vào đường Trần Quý Cáp. Sau đó, cứ chạy chạy thẳng, bạn sẽ gặp vòng xoay và vào đường Thống Nhất hướng Quốc lộ 1. Cuối cùng, bạn chạy thêm một đoạn tới vòng xoay Mã Vòng và rẽ vào đường 23/10. Chùa Long Sơn sẽ ngay phía bạn ngay khi rẽ vào nhé.
Chùa Long Sơn – công trình gần trăm năm tuổi
Đến với chùa Long Sơn, du khách không những có những giây phút bình yên trong tâm hồn. Mà bạn cũng có thể thăm thú một công trình Phật giáo nổi danh nhất tỉnh Khánh Hòa.
Cấu trúc bình dị nhưng độc đáo
Khuôn viên nội tự được xây theo hình chữ “công” với diện tiếng hơn 3000m2 vô cùng khoáng đạt. Chùa mang kiến trúc độc đáo được chạm khắc ấn tượng, tỉ mỉ, đậm nét Á Đông. Những tháp đá, trụ đèn, phù điêu được trạm trổ tinh xảo từ đôi bàn tay của những người thợ lành nghề thời xưa. Chúng mang nét cổ kính linh thiêng và tách biệt với thế giới bên ngoài. Phần mái nhà của của các công trình trong chùa đều có hình rồng đặc trưng của thời nhà Nguyễn. Công trình sử dụng vật liệu bê tông cốt thép nhưng hình dáng vẫn theo lối kiến trúc Phật giáo truyền thống.
Cảnh sắc của “Phật trắng” cũng vô cùng hài hòa, thoáng mát. Nhờ những hàng cây cổ thụ tỏa bóng quanh năm cùng bầu trời trong xanh một nét nhẹ nhàng. Vì thế, du khách sẽ cảm thấy rất dễ chịu khi được hít thở bầu không khí trong khuôn viên chùa.
Chánh điện
Chánh điện là một tòa nhà 5 gian hai tầng mái. Khi bước vào chánh điện, bạn dường như đã không còn kết nối với thế giới xô bồ ngoài kia. Nơi đây chỉ còn lại tiếng khánh vang lên từng nhịp, một chút trầm hương lan tỏa khắp không gian tĩnh lặng. Khiến tâm hồn bạn bỗng dưng nhẹ nhõm, bình yên đến lạ thường. Lối kiến trúc của chùa bình dị không cầu kỳ và có phần tương đồng với ngôi giảng đường.
Bên trong chánh điện là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng lớn, nặng 700kg và cao 1,6m. Hai bên là bức phù điêu bồ tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí cung kính, trang nghiêm. Phía sau bức tượng là tấm gương lớn. Nó tượng trưng cho ánh hào quang của nhà Phật. Nơi đây còn bày trí cặp nến khổng lồ nặng 900kg và có chiều cao hơn 3,4m. Chúng được điêu khắc hình rồng và hoa sen vô cùng ấn tượng, đẹp mắt.
Giác ngộ trước Phật Nhập Niết Bàn tại bậc tam cấp thứ 44
Để lên được hai bức tượng Phật lớn, từ sảnh chùa bạn sẽ phải đi qua 193 bậc tam cấp. Ví như lòng trung thành và tin tưởng vào Phật Pháp, qua khổ ải thì chánh tín mới giác ngộ. Dừng chân tại bậc tam cấp thứ 44, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Nhập Niết Bàn được làm bằng đá hoa cương. Tượng cao 5m và dài 7m, khuôn mặt ngài chân thiện và hạnh phúc vô biên. Phía sau là bức phù điêu mô tả 49 vị đệ tử hội tụ vào ngày ngài nhập Niết Bàn.
Tháp chuông Đại Hồng Nhung
Lên khoảng 10 bậc tam cấp nữa, bạn sẽ bắt gặp tháp chuông Đại Hồng Nhung. Tháp cao 2,2m và nặng 1,5 tấn do các Phật Tử ở Huế cúng dường cho cho chùa. Mỗi khi tiếng chuông vang vọng lên, tất cả hoạt động tại thành phố Nha Trang dường như được dừng lại. Người dân Nha Trang như một lòng hướng về chùa Long Sơn – nơi tiếng chuông đang vang. Từ người đến vật, từ vật đến cảnh, mọi thứ đều thanh bình, uy nghi đến lặng người.
Tượng Kim Thân Phật Tổ – Bát chánh đạo
Sau khi bạn trải qua 193 bậc tam cấp, Kim Thân Phật Tổ ngự thiên thuyết pháp đã hiện ra. Mọi mệt mỏi, ưu phiền như được tan biến khi bạn đã đứng trước pho tượng nguy nga của ngài. Giữa nền trời xanh thẳm, Phật ngồi uy nghiêm với nét mặt từ hòa và nụ cười thanh thoát. Ngài như đang tỏa vô lượng đức từ bi, hỷ xả xuống cho chúng sanh.
Pho tượng được khởi công xây dựng vào năm 1964 đến năm 1965 thì hoàn thành. Do thượng tọa Thích Đức Minh thực hiện. Tượng có chiều cao từ dưới mặt bằng lên là 24m, từ đế lên là 21m. Phần tượng cao 14m, đài sen cao 7m và đường kính đài sen là 10m. Được biết, ý nghĩa của mỗi cánh sen là tượng trưng cho chân dung của mỗi một vị hòa thượng. Các vị đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Nhiệm vào năm 1963. Xung quanh đài sen cũng là hình ảnh của bảy vị Thánh tử trong cuộc chiến Ngô Đình Nhiệm. Trong đó có bức chân dung của hòa thượng Thích Quảng Đức. Người đã tẩm xăng tự thiêu vào ngày 11/6/1963.
Trên độ cao lý tưởng này, đứng bên cạnh pho tượng Kim Thân Phật Tổ lớn nhất Việt Nam. Bạn sẽ dễ dàng ngắm cảnh thành phố Nha Trang xinh đẹp và hiền hòa. Từ biển trời lộng gió đến cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ, đều sẽ thu vào tầm mắt bạn.
Những điều cần thiết khi đến với chùa Long Sơn
- Khi đi qua cổng Tam Quan để vào chùa, bạn hãy đi phía bên phải. Lúc về, bạn hãy đi phía bên trái và tuyệt đối không được đi cửa chính giữa.Tại chùa có rất nhiều tượng Phật, bạn không được tùy ý chạm tay hay leo trèo lên tượng. Đặc biệt, bạn phải được cho phép mới được gõ chuông của chùa.
- Bên ngoài chùa có chiếc đỉnh lớn, bạn hãy thắp hương tại đậy. Vì thắp hương trong điện sẽ ảnh hưởng đến không gian chùa và tượng Phật.
Nếu cảm thấy bản thân đã kiệt sức, bạn đừng cố ép mình phải gượng dậy. Hãy tìm đến nơi tâm hồn bạn có thể được tĩnh lặng, bình yên, dù chỉ một giây. Chùa Long Sơn luôn mở rộng cổng chào đón những người con của Phật đến ghé thăm. Bạn hãy dành chút thời gian cùng Hành trình du lịch đến chiêm nghiệm vẻ đẹp tín ngưỡng này nhé.
Xem thêm: Vực Phun – Khu du lịch sinh thái Phú Yên
Người viết: Ngọc Thảo