Hổ Quyền – đấu trường độc nhất vô nhị
Nói Hổ Quyền là đấu trường độc nhất vô nhị trên thế giới cũng không quá lời. Bởi vì đây là đấu trường mãnh thú cổ xưa nhất còn tồn tại cho đến ngày nay.
Hổ Quyền nằm ở đâu?
Hổ Quyền là một di tích độc lạ trong quần thể di tích đất Cố đô. Đấu trường này tọa lạc tại thôn Trường Đá, phường Nguyệt Biều, thành phố Huế. Bạn cứ men theo con đường Bùi Thị Xuân về phía Tây Nam khoảng 5km là bạn đã tới đấu trường độc nhất này.
Đấu trường gần 200 năm tuổi (Sưu tầm)
Đấu trường lịch sử
Dưới thời nhà Nguyễn, đây là đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ. Hoạt động này phục vụ cho việc tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho vua, quan lại và cả người dân.
Những cuộc tử chiến trước khi có Hổ Quyền
Theo tư liệu ghi chép, trước khi Hổ Quyền được xây dựng, những trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức sớm nhất là vào thời các chúa Nguyễn. Nó được tổ chức ở hòn Dã Viên trên sông Hương.
Vào năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền đến hòn Dã Viên. Đây là những trận đấu khủng khiếp và đẫm máu, “vô tiền khoáng hậu” giữa hai loài mãnh thú.
Cuộc chiến đẫm máu giữa hai loài mãnh thú (Sưu tầm)
Những cuộc đấu giữa voi và hổ này được xem là những ngày hội lớn. Đến thời vua Gia Long, trong một trận đấu được tổ chức ở trước Kinh Thành xảy ra sự cố. Một con hổ đã nhảy lên tát người quản tượng rơi xuống đất và ông đã bị chính con voi do mình huấn luyện dẫm chết.
Ảnh tư liệu về đàn voi chiến đến cổng tam quan (Sưu tầm)
Vua Minh Mạng xây dựng Hổ Quyền
Thời Minh Mạng, nhân ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh, vào năm 1829, vua ngự thuyền rồng xem một trận đấu giữa voi và hổ ở bên bờ Bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, hổ đã lao ra và bơi về phía thuyền rồng. Vua Minh Mạng kịp dùng con sào đẩy lùi được con hổ. Nhờ vậy, quan quân mới kịp chèo thuyền đến giết chết hổ cứu vua.
Trận tử chiến giữa voi và hổ (Sưu tầm)
Đến năm Minh Mạng thứ 11, tức năm 1830, vua đã chọn vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, nằm về phía Tây Kinh Thành để xây dựng một đấu trường kiên cố. Việc này nhằm tổ chức những cuộc đấu được đảm bảo an toàn.
Đàn voi chiến đến đấu trường (Sưu tầm)
Đấu trường lộ thiên kiên cố
Hổ Quyền được xây dựng lộ thiên, có dáng hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5.80m, vòng thành ngoài 4.75m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế, chu vi tường ngoài là 140m, đường kính lòng chảo là 44m.
Đấu trường hình vành khăn (Sưu tầm)
Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng đông nam của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và đình thần. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ. Mặt trong cao hơn mặt ngoài, dày trung bình 4,50m. Đối diện với khán đài có năm cái chuồng nhốt hổ, sân đấu là một thảm cỏ hình tròn.
Năm cái chuồng hổ trong đấu trường (Sưu tầm)
Ngoài thành có một cửa cao 8 thước 7 tấc, rộng 4 thước 5 tấc có hai cánh cửa bằng gỗ mà đế làm bằng phiến đá thanh, trên cửa có ghi chữ “Hổ Quyền”. Voi được đưa vào sân đấu bằng lối cửa này. Có tất cả là 2 lối dẫn lên khán đài bằng các bậc đá, một lối dành riêng cho vua và quốc thích đại thần, một lối dành cho dành cho quan chức và binh lính.
Vòng tường thành bên ngoài có hệ thống thoát nước với hoa văn hình mặt hổ (sưu tầm)
Nghi lễ của những cuộc tử chiến
Những trận đấu ban đầu rèn luyện tính chiến đấu cho voi, nhưng về sau dần trở thành loại hình giải trí tiêu khiển. Ngày thi đấu diễn ra, dân chúng, hương chức quanh vùng đặt hương án, lễ vật trên đoạn đường vua đi qua.
Đấu trường được trang trí bởi nghi trượng, cờ, lọng. Cả một đội lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang, cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bến sông.
Nghi lễ long trọng trong trận đấu (Sưu tầm)
Đúng giờ Ngọ, vua ngự thuyền rồng từ Nghênh Lương Đình, dọc theo sông Hương để lên bến Long Thọ. Vua lên kiệu che bốn lọng và bốn tàn vàng, đi trước là Ngự lâm quân, Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần. Tiếp theo là đội nhạc cung đình.
Voi được đưa vào sân đấu (Sưu tầm)
Những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Voi luôn được ưu ái hơn, trước mỗi trận đấu, hổ đều bị cắt nanh, bẻ vuốt, cho nên hổ luôn bị voi giết chết và chà nát.
Trận đấu cuối cùng trong lịch sử
Theo ghi nhận lịch sử, trận đấu cuối cùng được tổ chức vào năm 1904, dưới triều vua Thành Thái. Đây cũng là một trận đấu hấp dẫn, đầy kịch tính được nhiều người dân đương thời chứng kiến, tả lại.
Trận đấu cuối cùng với chiến thắng của voi (Sưu tầm)
Đặc biệt, trong cuốn “Quần thể di tích Huế”, tác giả Phan Thuận An đề cập đến:
“Voi cái bước vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái khen: “con này can đảm lắm”. Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết…”
Cổng tam quan điện voi Ré (Sưu tầm)
Điện voi Ré
Ngay cạnh Hổ Quyền còn có di tích điện voi Ré. Khi xưa được người dân thờ cúng mộ con voi trung thành của một dũng tướng Đàn Trong. Sau này, khi vua Gia Long lên ngôi đã xây dựng bên mộ voi một điện thờ là Châu Lang Miếu. Để thờ các vị Thần bảo vệ, thờ các con voi dũng cảm nhất trong các chiến trận thời Nguyễn.
Du khách nước ngoài tham quan Hổ Quyền (Sưu tầm)
Hổ Quyền vắng bóng người, trầm mặc tưởng chừng như phế tích bị lãng quên. Qua gần 200 năm tồn tại, di tích Hổ Quyền dần được tu sửa và đưa vào hoạt động du lịch. Danh tiếng về đấu trường vang bóng một thời ngày càng thu hút sự tò mò của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Người viết: Trang Yết