Blog

Bữa lỡ ở Huế: một tuần không đụng hàng

Cứ tầm 3 – 4g chiều, nắng cũng như mưa, người Huế lại ăn bữa lỡ. Bữa lỡ xen vô trong ba bữa ăn chính: sáng, trưa, chiều cái đoạn lỡ cỡ trên, nên vì rứa mà chắc có tên bữa lỡ. Lỡ cỡ, theo từ điển nghĩa là: ở vào khoảng giữa chừng, không đúng vào dịp nào cả, nên cũng có người ăn lúc 4 giờ rưỡi chiều, tùy theo tình hình của “chiếc bụng đói”.

Thử xem, người Huế ăn bữa lỡ có những món gì mà dám nói “một tuần không đụng hàng”.

Các thứ tự sau đây mang tính chất ngẫu nhiên, chứ không mặc định, tùy thuộc cảm hứng lúc nớ thèm ăn món chi, rồi chạy ra đường. Hoặc nay, nhờ có mấy app ứng dụng đặt hàng.

  1. Top 10 Món Ăn Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  2. Lịch trình du lịch Cố Đô Huế 2 Ngày 1 Đêm
  3. Lịch trình khám phá Thừa Thiên Huế 2 ngày 1 đêm
  4. Lịch trình khám phá tham quan Huế 3 ngày 2 đêm
  5. Lịch Trình Khám Phá Huế 3 Ngày 2 Đêm

Thứ hai đầu tuần

Thứ hai, ăn bánh mì cầu Kho Rèn. Chỗ bán có tên bé Na, chắc là tên của một trong bốn chị em bán ở đây, nhưng người ta cứ quen gọi là bánh mì cầu Kho Rèn. Quán bán chừng từ 14h đến 21h, ngày mưa cũng như nắng, luôn đông kín người. Bốn chị em cộng thêm hai anh chàng nữa làm liên tục không kịp nghỉ tay.

Nhân bánh mì cầu Kho Rèn rất đa dạng. (Ảnh Cumap.net)

Nhân bánh mì đa dạng từ thịt quay, thịt nướng, xíu, chả, đến bột lọc, chả da, chả nướng… Nên nếu bạn là người ghiền bánh mì thì cứ thế xoay vòng. Hôm nay bánh mì xíu, mai bánh mì chả da, mốt bánh mì thịt nướng, kia lại là bánh mì bánh lọc, nọ lại bánh mì lộn xộn (tức là mỗi thứ bỏ một chút)…

Quán bánh mì Bé Na. (Ảnh Cumap.net)

Giá từ 10-15k tuỳ loại nhân, cũng như tùy nhu cầu người ăn muốn ăn nhiều hay ít.

“Rau ớt đầy đủ anh hí.”, đó là câu hỏi lại phòng trường hợp có khách không thích rau, không ưa ớt.

Thứ ba vàng tươi

Thứ ba, ăn bún nghệ. Bún nghệ có tên đầy đủ là bún lòng xào nghệ, hoặc có khi đọc thành bún nghệ xào lòng. Nghĩa là: bún xào với nghệ, với lòng. Nguyên liệu sẽ là lòng heo, nghệ kết hợp với hành tây, hẹ, rau răm và ớt. Nhưng dĩ nhiên, nhiều nhất là bún, là lòng, là nghệ. Lòng ở đây thường là khấu đuôi (lòng già) hoặc lòng non.

Tô bún nghệ xào lòng hấp dẫn bao thực khách. (Ảnh Toplist.vn)

Nghệ cay, lòng lạnh… cặp đôi này chịu trách nhiệm cân bằng âm dương để bụng đừng đau. Bún mềm, lòng dai, nghệ the… nhai cũng phê răng, tê lưỡi.

Muốn ăn món ni, dễ ẹc, vì hầu như góc đường nào cũng thấy… mỗi buổi chiều.

Bún nghệ ngon hết sẩy ở chợ Đông Ba. (Ảnh Toplist.vn)

Dân Huế hay ăn chỗ đường Trần Quang Khải, đoạn gần đường Võ Thị Sáu. Hoặc có một quán lụp xụp trên đường Phan Đình Phùng, đoạn gần cầu Kho Rèn cũng thấy nhiều người ăn.

Thứ tư ăn gì?

Thứ tư, ăn bánh canh Nam Phổ. Lạ là rứa. Món bánh canh này chủ yếu thấy bán buổi chiều. Những o bán hàng từ Nam Phổ gánh lên, ngồi ở vỉa hè nào đó. Sền sệt bột, ngòn ngọt thịt, âm ấm tôm… thêm muỗng nước mắm… đặc sệt ớt nữa là no bụng, ấm lòng… Du khách tới Huế có thể tìm quán bán món này ở đường Phạm Hồng Thái, đoạn gần giao với đường Trương Định. Con gái Nam Phổ nổi tiếng với câu “Con gái Nam Phổ, ở lỗ trèo cau” (ở lỗ nghĩa là ở truồng) và nổi tiếng nữa với nghề nấu bánh canh Nam Phổ. Nghề này, nay nhiều người khác cũng tham gia chứ không nhất thiết phải là người Nam Phổ.

Bánh canh Nam Phổ quán Mệ Dư. (Ảnh Hoàng Việt travel)

Xem thêm: “Bánh canh Nam Phổ ăn hiền!”

Đậm đà chiều thứ năm 

Thứ năm, ăn bún thịt nướng. Nhiều quán bún thịt nướng ngon thập diện mai phục bạn trên đất Huế. Có thể ăn thêm thịt nướng với nem lụi. Và chọn mắm nêm, hay chọn nước mắm, hay nước lèo là tùy vào nhu cầu thực khách. Người ăn ở Huế hay lui tới một quán trên đường Nguyễn Trường Tộ, đoạn gần đường ray xe lửa. Hoặc ăn ở một quán trên đường Phan Bội Châu, đoạn qua khỏi chợ Trường An một chút. Hoặc cũng có thể ghé chỗ đường Đào Duy Anh – con đường vốn nổi tiếng với việc bán tinh bột nghệ.

Tô bún thịt nướng quán Mệ. (Ảnh Hoàng Việt travel)

Hương thơm ngày thứ sáu

Thứ sáu, bún mắm nêm. Nghe là thấy dậy mùi, thấy cay xé lưỡi. Tô bún mắm nêm dĩ nhiên có bún mắm nêm, có một “trời” rau, và có thịt đầu, chả, nem, thịt ba chỉ… Trộn lại mà ăn, răng ngon lạ ngon lùng, nhưng vô cùng cay xé lưỡi. Kêu thêm ly sữa đậu nành uống cho qua bớt cơn cay, rồi hí hửng kêu thêm tô nữa. Nhưng nhớ là chan nước mắm nêm vừa thôi kẻo mặn. Nhớ để ý tô nước mắm nêm cũng là cầu kỳ như người Huế, với thơm, với ớt, với nọ, với kia.

Bữa lỡ thứ sáu – bún mắm nêm. (Ảnh Quà Huế online)

Thứ bảy đủ vị bánh

Thứ bảy, bèo, nậm, lọc, ram ít. Mấy o một tay xách ngang hông cái rổ, trong nớ nói hơi quá lời chút là một cái bếp bánh. Vừa đi, o vừa rao: bèo, nậm, lọc không. O vô tận hang cùng ngõ hẻm. O ngồi ở chợ. O ngồi ở góc đường, kế bên hàng bán chè, bán bánh canh. Bánh thì hay là bánh lọc trần, hoặc nhân tôm hoặc nhân đậu. Còn muốn đi kéo ghế – từ của người Huế rủ nhau đi ăn vặt – muốn ăn thì phải kéo ghế ra ngồi – ý là rứa – thì hàng quán bèo nậm lọc nhiều lắm. Bánh Chi đường Lê Viết Lượng, bánh Hàng Me (rồi còn Me Mẹ, với Me con) ở khu phố Tây, rồi Bà Đỏ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi bánh bèo nậm lọc hẻm Cung An Định (tức là kế bên Cung An Định).

Bữa lỡ thứ bảy đa dạng các loại đặc sản Huế. (Ảnh Cooky.vn)

Xem thêm: Bánh bột lọc Huế – Dẻo dẻo dai dai

Chủ nhật ăn sao cho lạ miệng

Chủ nhật, bánh ướt thịt nướng, hoặc bánh ướt tôm chấy. Thay vì ăn bún thịt nướng thì ăn bánh ướt thịt nướng. Thay vì ăn bánh ướt thịt nướng thì ăn bánh ướt tôm chấy. Món bánh ướt thịt nướng hay có kèm thêm thịt ba chỉ luộc. Chấm vô chén nước mắm ngọt (ngọt nghe, chứ không phải mặn) rồi hít hà với tỏi, ớt, rồi nhẹ nhàng nhai, chứ đừng nhồm nhoàm nhai, bất lịch sự, họ cười cho, dị lắm – dị, từ người Huế nghĩa là mắc cỡ.

Bánh ướt Huế ngon ngất ngây. (Ảnh Poliva)

Món ni có thể lên Kim Long ghé quán Huyền Anh, nơi du khách tiện đường đi chùa Thiên Mụ hay ghé. Quán Hạnh đường Phó Đức Chính, đoạn gần đường Trần Quang Khải cũng được nhiều khách ghé. (Chỗ Hạnh ni cũng nổi tiếng với món bánh khoái, có bán thêm bánh bèo, nậm, lọc, ram ít)

Chi tiết về bánh khoái: Bánh khoái Huế – khoái hay chưa khoái

Bánh khoái giòn ngon cho bữa lỡ. (Ảnh Khám phá Huế)

Ui, thứ hai lại rồi à, bánh khoái. Thứ ba, làm tô cháo bò, hoặc cháo giò. Thứ tư, cháo vịt Thuận (nay bán ở đường Điện Biên Phủ, đoạn đối diện trường Cao đẳng Giao thông). Thứ năm, xôi gà hay miến gà ta. Thứ sáu, bánh canh cá lóc Thủy Dương. Thứ bảy, bánh canh huyết, da, thịt ở đường Hàn Thuyên. Chủ nhật, hình như tới ngày rằm, mồng một, đi ăn chay cho lành.

Đó, người ta nói Huế là thiên đường ăn uống, là kinh đô ẩm thực, có khi cũng không quá lời. Vì chỉ ăn bữa lỡ thôi, mà hai tuần đã không bị lặp lại. Đó là chưa kể, nếu chỉ muốn bữa lỡ là đồ ngọt, thì….

Người viết: Chao Du

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on