Blog

Chùa Hương Tích – Câu chuyện về lòng hiếu thảo

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh là một trong 21 thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của nước Nam xưa. Đây còn là chốn linh thiêng, nơi tìm lại sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn với vẻ đẹp thiên nhiên say đắm.

Hiện nay, ngoài Hà Tĩnh ra thì còn ở Hà Nội cũng có ngôi chùa mang tên Hương Tích. Có người cho rằng, chùa này chính là một “phiên bản” đầy ý nghĩa của chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh. Dù vậy, đây chỉ mới là một giả thiết, một suy đoán, chưa có kết luận chính thức.

Các công trình chính chùa Hương Tích_Ảnh sưu tầm

Vị trí và đường đến chùa Hương Tích 

           Vị trí chùa

Chùa Hương Tích có tên gọi đầy đủ là Hương Tích Cổ Tự hay còn được biết đến với cái tên Chùa Thơm. Đây là một ngôi chùa vô cùng nổi tiếng nằm cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh khoảng 30km. Chùa nằm ở lưng chừng đỉnh Hương Tích, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đỉnh núi này là một trong những đỉnh núi đẹp, hùng vĩ nhất dãy Hồng Lĩnh.

Tam quan (cổng vào) chùa_Ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

           Hướng dẫn đường đến chùa

Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A về phía Bắc khoảng 18km tới ngã ba Nghèn. Rồi đi tiếp 4km, rẽ về hướng Đông đi theo biển chỉ dẫn thêm 5km là đến chùa. Bạn có thể di chuyển bằng xe máy, taxi hoặc ô tô riêng. Từ chân núi Hồng Lĩnh vào thăm quan chùa Hương Tích, du khách có thể chọn đi xe điện, cáp treo, đi thuyền hoặc đi bộ.

Du khách có thể lựa chọn đi cáp treo để lên chùa_Ảnh sưu tầm

Đường vào chùa mênh mông theo dòng suối rộng có tên là suối Hương Tuyền_Ảnh Vietnammoi.vn

Lịch sử hình thành chùa

Tương truyền, chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII vào thời nhà Trần. Trận hỏa hoạn lớn xảy ra vào năm Ất Dậu 1885 đã thiêu rụi phần lớn ngôi chùa.

Đến năm 1901, chùa được trùng tu và xây dựng lại, trả về dáng vẻ nguyên xưa. Nhưng tiếc thay Phật Phả và Bia ký của chùa không còn. Bởi vậy, thời gian xây dựng chùa Hương Tích chỉ dựa trên các phỏng đoán.

Chùa sau cuộc đại trùng tu_Ảnh Vinpearl.com

Năm 1936, Vua Bảo Đại cho người chạm khắc chùa Hương Tích vào Anh Đỉnh – Một trong 9 đỉnh đồng lớn đặt ở Đại Nội Huế. Đến năm 2006, chùa tiếp tục có một cuộc đại trùng tu.

Nét hấp dẫn của chùa Hương Tích 

         Câu chuyện về lòng hiếu thảo

              Câu chuyện ép duyên

Truyền thuyết kể lại, khi biết vua cha có ý ép gả cho viên quan võ độc ác, công chúa Diệu Thiện đã xin quy y cửa Phật.

Nhưng tên tướng quân kia không chịu bỏ cuộc. Hắn tìm đến tận nơi phóng hỏa ngôi chùa để ép công chúa phải ra. Nàng được Phật che chở, sai Thần Hổ cứu thoát trong trận hỏa hoạn. Rồi nàng đã dừng chân tại núi Hồng Lĩnh lập am tu hành trên động Hương Tích. Theo thời gian, tiếng lành đồn xa, vị ni sư này đã được người người biết đến là một vị sư cô bác ái, nhân từ.

Chùa Hương Tích xưa_Ảnh sưu tầm.

               Lòng hiếu thảo của nàng công chúa

Về phía nhà vua, sau khi con gái bỏ đi thì đau buồn vô cùng, lâu ngày sinh thành tâm bệnh, suy yếu dần. Một thần y đến bắt bệnh đã chỉ cho vua một cách có thể giúp ngài khỏi bệnh: đó là cần một bàn tay và mắt của một người con gái của vua. Khi hai người chị của nàng công chúa này nghe được tin này, đều run sợ mà kiếm cớ khước từ. Thần y lại mách cho nhà vua một cách khác, đó là đi xin bàn tay và mắt của vị ni cô nổi tiếng từ bi ở nước Việt.

Chùa có niên đại hàng nghìn năm lịch sử_Ảnh báo Vĩnh phúc.

Vua nghe xong liền nhanh chóng cử sứ giả sang nước Việt cầu xin. Biết được sự tình, vị ni cô không chút chần chừ bèn móc mắt, cắt tay cho sứ giả đem về chữa bệnh cho cha. Mãi đến khi vua uống thuốc, khỏi bệnh và sai người sang tạ ơn, thì mới biết đó chính là vị thuốc làm từ chính bàn tay và mắt của con gái mình.

Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, từ bi của nàng công chúa, Đức Phật đã hóa phép cho nàng mọc tay và mắt trở lại, sau đó hóa thành Phật Quan Âm. Ở chính nơi nàng đã tu hành và hóa Phật, nhân dân xây dựng lên ngôi chùa Hương Tích ngày nay.

Sau này chùa xây dựng thêm Bảo Tháp_Ảnh sưu tầm

Kiến trúc của chùa

Sơ đồ tham quan Khu di tích chùa Hương bắt đầu từ bến Vọng, đến bến Thiên Lương, bến Trong, miếu Cô, miếu Cậu, suối Hương Tuyền. Tiếp đến là khu vực chùa Hương Tích gồm: cổng tam quan, thượng điện, am Phật bà, điện Thánh Mẫu, nhà thờ Tổ, nhà khách, vườn mộ, các công trình phụ khác. Lên cao nhất là Chùa Thượng mới được xây dựng năm 2016.

Tại chùa Hương Tích có tượng Thần Hổ đặt ở hướng đi lên khu vực chính điện chùa Hương Tích. Tượng được làm bằng bê tông, sơn màu vàng, ở tư thế đang nằm nghỉ ngơi.

Nét cổ kính Tam Bảo chùa Hương Tích_Ảnh myhatinh.vn

            Thượng điện

Tại đây, có Cung Tam Bảo quy tập rất nhiều pho tượng Phật có niên đại từ hàng trăm năm đến hàng nghìn năm. 50 pho tượng phật ngồi im kín điện, cao ngang tầm ngực có mây bay vờn quanh. Tất cả như khoác lên một vẻ lung linh hư ảo giữ sương mây, lửa nến.

Chùa có nhiều kiến trúc nối dài_Ảnh myhatinh.vn

Trong giai đoạn diễn ra chiến tranh, các tăng ni trong chùa đã bí mật chôn dấu các pho tượng Phật xuống đất sâu để tránh bị bom đạn phá hoại. Điều kỳ lạ là đến năm 2006, sau khi được làm lễ và tráng đi một lớp nước thơm hành lễ, các pho tượng lại nhìn bóng loáng như xưa và không hề có dấu hiệu bị phong hóa. Người nhà Phật cho rằng đó là kỳ tích Quan âm linh thiêng, Phật tổ độ trì, thiện tâm cầu khẩn, và kính cẩn trước ơn lành của trời đất.

Mặt trước Cung Tam bảo_Ảnh Vietravel.com

Sau này, Cung được xây dựng lại theo hướng Bắc – Nam với 2 gian chính. Gian bên trong được trưng dụng làm nơi thờ Phật với nhiều pho tượng được làm bằng gỗ. Gian bên ngoài thì được dùng làm nơi để đồ tế khí, lễ bái và là nơi các sư tụng kinh.

Sau này chùa được trùng tu lại với nhiều kiến trúc_Ảnh sưu tầm

            Am Thánh Mẫu

Theo truyền thuyết, am Thánh Mẫu là nơi nàng công chúa tu hành và hóa Phật Quan Âm. Xung quanh chùa còn nhiều cảnh quan như: động Tiên Nữ, am Phun Mây, miếu Cô, suối Tiên Tắm, khe Quỷ khóc.

Am thờ Phật_Ảnh sưu tầm

Phía sau ngôi chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 28 bậc đá dẫn đến động Hương Tích, am Quan Âm, am Phật Bà với vẻ đẹp nguyên sơ theo kết cấu truyền thống. Trong hang đá còn có tượng Quan Thế Âm ngồi trên ngự sen với một số tượng mẹ bế con, một bên tay thì cầm nhành liễu.

Tượng Quan Thế Âm_Ảnh Vietravel.com

            Phong cảnh hữu tình 

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh hớp hồn du khách với cảnh núi non hùng vĩ. Chùa nằm sâu trong những bóng cây, cao khuất thường có mây mù bao phủ tạo nên một phong cảnh với không gian đầy huyền bí.

Phong cảnh Hương Tích huyền ảo_Ảnh sưu tầm

Những lễ hội chùa nhộn nhịp dịp đầu năm

Hằng năm, hội lễ chùa kéo dài từ đầu tháng Giêng đến 19 tháng 2 âm lịch. Lễ hội chùa Hương được tổ chức vào ngày 18/2 âm lịch – ngày mà công chúa hóa Phật. Nhưng những năm gần đây đã chuyển sang ngày mùng 6/1 âm lịch, mở đầu cho năm du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.

Trung bình, mỗi năm có khoảng 14 – 15 vạn lượt khách đến đây vãn cảnh chùa. Lễ hội chùa Hương Tích Hà Tĩnh là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người dân bản địa nói riêng và của Phật tử gần xa trên cả nước nói chung. Đây là dịp để du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa dân gian của người Việt xưa.

Lễ hội chùa nổi tiếng_Ảnh myhatinh.vn

Kinh nghiệm đi chùa Hương Tích

          Thời gian mở cửa

Chùa Hương Tích mở cửa từ 7h00 – 17h00 cho du khách tham quan quanh năm và hoạt động cả ngày. Vào mùa lễ hội, lượng khách đổ về chùa rất đông. Bạn hãy theo dõi theo thông tin chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng vào thời điểm muốn đi để chuẩn bị.

          Giá vé vào cổng

Giá vé vào cổng chùa Hương Tích là 50 – 150 nghìn đồng/người.

Không gian thơ mộng đường lên chùa_Ảnh baotintuc.vn

            Chuẩn bị gì tham quan chùa Hương Tích

Nếu chọn leo bộ một quãng đường dài, bạn nên chuẩn bị theo nước uống, đồ ăn để bổ sung năng lượng dọc đường. Ngoài ra, bạn cần bị thêm một số vật tư khác như:

  • Áo khoác: Khi lên đến đỉnh Hương Tích nhiệt độ sẽ xuống thấp và có nhiều sương, do đó bạn cần mang theo áo gió để khoác bên ngoài, bảo vệ sức khỏe của bản thân.
  • Balo: Bạn nên mang balo theo để đựng được nhiều vật dụng cần thiết bên cạnh túi xách nhỏ.
  • Lễ: Để quá trình cầu bình an, vái phật diễn ra nhanh chóng, bạn nên chuẩn bị lễ ngọt, đồ chay, nến, hương.
  • Tiền mặt: Bạn nên chuẩn bị tiền mặt nếu mua các món ăn hoặc bỏ hòm công đức.

Ngày lễ hội chùa có rất nhiều du khách_Ảnh kinh tế đô thị

             Địa điểm lưu trú

Khách sạn quanh khu vực trung tâm thành phố Hà Tĩnh và huyện Can Lộc rất nhiều. Có các khách sạn bình dân phục vụ nhu cầu gửi đồ đạc và ngủ nghỉ tạm thời nên bạn không cần phải băn khoăn.

Phong cảnh hoang sơ của chùa_Ảnh sưu tầm

Nếu có cơ hội đến Hà Tĩnh, bạn đừng quên đến thăm ngôi chùa Hương Tích. Đứng ở không gian tĩnh lặng giữa chốn linh thiêng mờ ảo. Trong làn hương khói, tâm hồn của bạn sẽ trở nên thư thái, bình yên sau chuỗi ngày dài đối mặt với những áp lực cuộc sống. Hành trình du lịch chúc bạn có chuyến tham quan vui vẻ.

 

Người viết: Trường An

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on