Rau rừng Sapa – đặc sản non cao dân dã, thanh đạm nhất định phải thử
Sapa là vùng đất được bao quanh bởi núi rừng Tây Bắc vậy nên nhắc đến đặc sản của nơi đây thì không thể bỏ qua các loại rau rừng. Rau rừng Sapa chủ yếu được mọc tự nhiên, tuy dân dã, bình dị nhưng lại có hương vị ngon lạ miệng, thanh đạm. Chúng xuất hiện từ những bữa ăn thường ngày của người dân bản địa cho tới menu của nhiều quán ăn nổi tiếng ở xứ sở sương mù.
- Kế Hoạch Du Lịch Sapa – Đi Đâu và Ăn Gì?
- Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Sa Pa
- Lịch trình khám phá sắc màu chợ phiên Cán Cấu – Sapa 3 ngày 2 đêm
- Lịch trình đến Sapa khám phá Bắc Hà – 3 ngày 2 đêm
Rau ngồng – đặc sản rau rừng Sapa
Rau ngồng Sapa thực ra không phải là tên của một loại rau cố định, có rất nhiều loại rau ngồng khác nhau như ngồng tỏi, ngồng su hào, su,… Nguồn gốc cái tên “ngồng” này chính là xuất phát từ đặc điểm lạ thường của nó. Thông thường người ta chỉ ăn rau non, còn khi rau đã già và ra hoa thì sẽ lập tức nhổ bỏ nhưng người dân Sapa lại không làm thế. Họ vẫn tận dụng, để nuôi cây rau tiếp và tạo thành một món đặc sản độc đáo khiến du khách không thể quên được.
Rau ngồng có thể chế biến thành các món xào hay luộc tùy ý. Bạn có thể đem xào với thịt và một chút tỏi hoặc nếu ăn được đắng thì hãy đem luộc rau lên rồi chấm với một ít mắm dằm trứng để thưởng thức nguyên vẹn vị ngon nhé!
Rau dớn rừng Sapa
Rau dớn là loại cây thuộc họ dương xỉ, mới nhìn qua chúng ta thật sự rất khó để phân biệt chúng với cây dương xỉ thường thấy ở miền xuôi. Tuy nhiên đây là loại rau ăn được, thậm chí còn ăn rất ngon, trở thành đặc sản của vùng cao Tây Bắc từ lâu đời. Rau dớn chủ yếu mọc hoang tự nhiên ở các khe đồi, khe suối – những nơi có độ ẩm cao chứ không được nuôi trồng bởi bản tay con người.
Đây là món ăn phổ biến của nhiều dân tộc vùng cao ở Sapa như người H’Mong, Cơ Tu,… Rau dớn có thể đem chế biến thành nhiều món ăn như làm nộm, xào, luộc hay nấu canh. Cảm giác ban đầu có thể hơi chát nhưng khi ăn quen rồi thì sẽ nghiện đấy!
Rau đậu hà lan – đặc sản rau rừng Sapa
Đây là loại rau có vị khác biệt nhất so với các loại rau rừng Sapa nói chung. Bởi nếu như rau cải mèo, rau ngồng hay rau dớn,… đều có vị chan chát hơi đắng thì rau đậu Hà Lan lại có một vị ngọt tự nhiên khó cưỡng. Vì thế nên nó thường được mang đi nấu canh cùng xương hầm hay thịt bằm. Tuy nhiên đây cũng là một loại rau khá hiếm ở Sapa đấy! Vậy nên nếu tìm thấy hay được mời ăn thì bạn đừng bao giờ từ chối nhé!
Rau củ khởi – đặc sản rau rừng Sapa giải rượu
Rau củ khởi được ví như một liều thuốc kì diệu của núi rừng Tây Bắc. Nếu bạn đang ngây ngất, chuếnh choáng với hơi men say nồng của những loại rượu đặc sản Sapa thì rau củ khởi sẽ nhanh chóng giúp bạn giải rượu, tỉnh táo trở lại. Rau có vị hơi đắng, ngọt nhẹ và mùi thơm rất đặc trưng, thường được các nhà hàng Sapa sử dụng trong các món canh của mình.
Phần kết lại
Nếu bạn muốn tìm một hương vị thanh đạm, dân dã ở Sapa thì hãy thử ngay các loại rau rừng. Vì chủ yếu mọc dại trong rừng nên chúng có hương vị tự nhiên rất đặc trưng, dường như kết tinh toàn bộ tinh túy của núi rừng Tây Bắc khiến du khách đã nếm qua thì không thể quên được!
Xem thêm: Nem măng đắng Sapa – độc đáo văn hóa ẩm thực của người Tày