Blog

Bánh đúc Đồng Quan Bắc Giang - đậm đà hương vị quê hương 1

Bánh đúc Đồng Quan Bắc Giang – đậm đà hương vị quê hương

“Bánh đúc mà đổ ra sàng
Thuận anh anh bán, thuận nàng nàng mua”.

Lặng lẽ bao đời nay bên dòng sông Thương thơ mộng, thôn Đồng Quan từ lâu đã nổi tiếng với làng nghề làm bánh đúc truyền thống. Bánh đúc Đồng Quan Bắc Giang với hương vị dân dã, mộc mạc mà vẫn mang một đặc trưng riêng hiếm có của vùng đất này đã khiến bao người đi xa phải nhớ và bao du khách tới gần phải vấn vương.

Đôi nét về bánh đúc Đồng Quan Bắc Giang

Bánh đúc Đồng Quan Bắc Giang - đậm đà hương vị quê hương 2

Có lẽ dù ở bất cứ nơi đâu trên mọi miền Tổ quốc thì bạn cũng đã một lần thưởng thức hoặc ít nhất là nghe tới món bánh đúc. Đây là một thức bánh dân dã, mộc mạc và mang đậm hương vị làng quê của người Việt Nam. Xuất hiện tại nhiều địa phương, được nhiều người biết đến thế nhưng hương vị bánh đúc của mỗi vùng miền lại không hề giống nhau.

Thôn Đồng Quan Bắc Giang đã nổi tiếng từ lâu với nghề làm bánh đúc truyền thống được truyền lại qua nhiều thế hệ. Cho đến thời điểm hiện tại, làng nghề đã đạt đến trình độ tinh tế, món bánh đúc cũng trở thành một đặc sản trứ danh không thể bỏ lỡ của nơi đây khiến người đi xa nhớ mãi còn du khách tới gần thì không khỏi vấn vương.

Công thức gia truyền món bánh đúc Đồng Quan Bắc Giang

Bánh đúc Đồng Quan Bắc Giang - đậm đà hương vị quê hương 3

Để làm ra món bánh đúc đặc sản thơm ngon, người thôn Đồng Quan đã phải tỉ mẩn chọn ra loại gạo tẻ ngon nhất. Sau đó đem gạo đem ngâm suốt 3 ngày 3 đêm, mỗi ngày thay nước 1 lần cho đến khi di trên đầu ngón tay thấy hạt gạo nhuyễn mới đem xay. Thứ vôi dùng để quấy bánh không phải vôi thường thấy mà người dân nơi đây phải nướng vôi cục lên, hòa vào nước rồi gạn lấy nước trong, đem gạo đã xay hòa với nước vôi này để nấu bánh. Ngay từ công đoạn chuẩn bị đã đủ cho ta thấy sự kì công khi làm món bánh đúc.

Theo chia sẻ và kinh nghiệm của người dân Đồng Quan, công đoạn quan trọng nhất để cho ra món bánh đúc ngon là khâu nấu và quấy bánh. Người ta sẽ chuẩn bị một cái nồi đã được tráng qua một lớp mỡ, đổ bột nếp xay nhuyễn vào, bắc lên bếp. Sau đó lấy một cây đũa lớn khuấy liên tục sao cho bột không bị vón, không cháy khê, không sát nồi. Khâu này đòi hỏi cần có một đôi tay khỏe, khéo léo và rành nghề để quấy thật đều tay nếu không sẽ bị vón cục ngay.
Trong quá trình nấu bánh phải để lửa nhỏ, đều thì bánh mới chín ngon và không bị khê. Khi bánh gần được thì đậy vung lại, tắt lửa, để om trên bếp một lúc, cho dừa, lạc rang vào quấy đều tiếp tới khi bột quánh dẻo.

Sau khi bánh đúc chín, người ta sẽ đổ ra cái mẹt có lót lá chuối tươi sẵn. Bánh thường được đổ thành từng tấm tròn to còn nếu đổ vào bát sẽ được những chiếc bánh nhỏ xinh xinh, xâu lạt được.
Nhìn miếng bánh đúc trắng ngần màu gạo, núng nính, bóng mịn, lấm tấm mấy hạt mè rang là đã khó có thể cưỡng lại được sức hút của nó. Khi thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được cái vị dẻo thơm đặc trưng của nó. Ăn bánh đúc Đồng Quan thì đặc biệt phải chấm với tương bần mới đúng vị. Vị ngọt của thơm tự nhiên của gạo, vị hơi nồng của vôi nướng hòa với cái vị béo ngậy của dừa nạo và vị mặn của tương. Tất cả hòa quyện vào với nhau tạo thành một hương vị đậm đà tình quê nồng đượm, ăn một lần sẽ nhớ một đời!

Phần kết lại

Nếu có dịp ghé thăm thôn quê Đồng Quan Bắc Giang, bạn nhất định phải thưởng món bánh đúc đặc sản truyền thống thấm đượm tình quê và hương vị dân dã của nơi đây!

Xem thêm: Top 5 đặc sản Bắc Giang trứ danh mà du khách không nên bỏ lỡ!

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on