Blog

Bánh in – in màu văn hóa Huế

Bánh in là một trong những loại bánh đặc sản xứ Huế. Tuy đơn sơ giản dị nhưng đối với người Huế, những chiếc bánh đậu xanh này lại là loại bánh không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nguồn gốc bánh in Huế

Theo sử sách, nghề làm bánh in khởi thuỷ nơi đất phủ chúa Kim Long xưa. Vùng đất ấy nay là phường Kim Long, thành phố Huế, yên bình, nhẹ nhàng – nơi tiếng chuông chùa Thiên Mụ vang vọng lúc chiều tà:

“Nước đầu cầu lúc sâu lúc cạn

Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long

Sóng sa, gió thổi lạnh lùng 

Sóng xao, trăng lặng chạnh lòng nhớ thương.”

                                                                     (Ca dao) 

Bánh in đã có từ thời Nguyễn, triều đại đóng đô ở Huế (Ảnh: sưu tầm)

Chuyện kể rằng, trong ngày cận Tết Nguyên đán, nhà vua bỗng nhiên cảm thấy cần có món nhắm cùng trà nhạt. Vì lẽ đó vua bèn truyền vài bô lão khéo tay tại vùng Kim Long làm ra món ăn vừa rẻ, vừa ngon cho Ngài thưởng trà. 

Sau khi bàn bạc, các bô lão nhận thấy nguồn đậu xanh ở đây luôn sẵn có, dồi dào. Kết hợp đậu xanh với chút đường cát là tạo ra món bánh vừa rẻ lại vừa đủ chất dinh dưỡng.

Sau vài tuần nghiên cứu, chiếc bánh đậu xanh đầu tiên được dâng lên vua với hình chữ “Thọ” in trên mặt bánh, ngụ ý chúc vua trường thọ. Cái tên bánh in cũng ra đời từ đó. 

Khuôn bánh chữ Thọ (Ảnh: sưu tầm)                              

Vua ăn thử thấy ưng bụng, bèn thưởng cho cả làng và ra chiếu truyền lệnh lưu giữ nghề làm bánh này đến muôn đời sau. Cũng bởi vì bánh làm ra để dâng lên vua nên còn được lấy tên là bánh “tiến vua”

Những tháp bánh ngũ sắc được chưng trên bàn thờ ngày tết (Ảnh: sưu tầm)               

Bánh in còn có tên khác là bánh cộ. Bởi giống giọng người Huế khi đọc từ cố (trong Cố đô). Trước là để cúng ông bà, tổ tiên, sau dùng để đãi khách. 

Cách làm bánh “tiến vua” truyền thống 

Vào khoảng tháng Chạp hàng năm, các cơ sở làm bánh Kim Long bắt đầu bận rộn chuẩn bị sản xuất. Mọi người ai cũng tất bật thực hiện các công đoạn làm bánh, khiến không khí nơi đây cũng trở nên nhộn nhịp.

Bởi vậy có thể nói Kim Long được xem là nơi đón Tết sớm nhất vùng đất Huế.

5 màu ngũ sắc, rực rỡ sắc Xuân (Ảnh: sưu tầm)         

Chế biến công phu

Với người thợ, bí quyết để có những chiếc bánh in thơm ngon là nguyên liệu phải chất lượng. Đậu xanh phải là loại còn nguyên vỏ, hạt đậu mẩy tròn đều. Trước khi đem nấu, đậu được ngâm nước trong 5 tiếng, rồi đãi sạch vỏ qua nhiều lần nước. 

Công đoạn xử lý đậu xanh (Ảnh: sưu tầm)           

Nấu đậu là giai đoạn quan trọng, quyết định đến hương vị của bánh. Vì thế khi nấu phải kiểm tra thường xuyên, đảm bảo cho đậu chín tới, nở đều. 

Đậu xanh nấu chín được trộn với đường cát trắng, đun trên bếp với ngọn lửa liu riu, để chúng quyện vào nhau. Việc cân đối giữa lượng đường và đậu được những người thợ ước lượng bằng chính kinh nghiệm của mình.

Sau khi nấu chín, phần đậu xanh và đường được để nguội cho đến khi khô lại. 24 tiếng sau mới đem đi giã, rồi chà để lọc lấy bột mịn đều. 

Người thợ chà cẩn thận từng mẻ bột (Ảnh: sưu tầm)                

Từng mẻ bột được cho qua máy cán lại, để bột được tơi hơn, in bánh sẽ láng mịn và đẹp mắt hơn. Việc in bánh vào khuôn đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ. Tay phải gạt bột cho đều, bánh không in quá chặt, mặt bánh không bị nghiêng. Bánh in ra mới đẹp, đều, dễ gói.

Công đoạn in bánh (Ảnh: sưu tầm)                  

Sau khi in xong, bánh được sấy trong lò kín, ít nhất 12 tiếng để bánh có độ giòn. Hương thơm của bánh lan tỏa khắp xung quanh, cảm nhận mùi hương Tết cận kề.

Những mẻ bánh đều tăm tắp được sấy trong lò (Ảnh: sưu tầm)       

Đóng gói tỉ mỉ 

Nếu công đoạn làm bánh khá vất vả thì công đoạn gói bánh lại nhẹ nhàng và thú vị.

Khi bánh ra lò, mọi người phải tập trung gói bánh, những đôi tay gói bánh thoăn thoắt, trở thành thuần thục đến điêu luyện.

Chiếc bánh làm ra sắc nét, đều và đẹp (Ảnh: sưu tầm)          

Gói bánh phải nhẹ tay, để bánh không bị mẻ. Đặt bánh chính giữa giấy gói, để khi gói không bị hở, bánh không bị ẩm mốc. Bánh in được gói trong giấy bóng ngũ sắc nhiều màu nên còn được gọi là bánh ngũ sắc. 

Mọi người cùng nhau tụ tập gói bánh (Ảnh: sưu tầm)              

Chiếc bánh trắng tinh trong giấy bóng kín với 5 màu tượng trưng cho ngũ hành, với ước muốn một năm mới sung túc, đủ đầy.  

Làm tháp bánh in cũng đòi hỏi sự khéo léo, sao cho tháp bánh thẳng, đều và keo dán bánh vừa phải.

Những tháp bánh làm ra thật đẹp mắt (Ảnh: sưu tầm)           

Bên cạnh bánh in đậu xanh truyền thống, bánh còn được biến tấu thành nhiều loại khác như bột huỳnh tinh, bột đậu quyên, bột đậu ván, hạt sen trần,…

Mua bánh in ở đâu? 

Bạn có thể dễ dàng mua bánh in tại các cửa hàng trong chợ Đông Ba, Bến Ngự,… Bánh dễ dàng mua sẵn hoặc đặt với số lượng lớn. Mỗi tháp bánh dao động từ 150 nghìn đến 300 nghìn tùy kích cỡ.

Hàng chợ rực rỡ sắc màu của bánh in (Ảnh: sưu tầm)         

Một buổi sớm ngồi nhâm nhi chén trà nóng với bánh in thì không còn gì tuyệt bằng. Vị trà chát đắng hậu ngọt nhẹ hòa cùng vị ngọt mềm của bánh in quả là cặp bài trùng lý tưởng.

Thưởng thức bánh, trà mang hương vị Cố đô (Ảnh: sưu tầm)   

Trải qua bao đổi thay của cuộc sống, đến nay nghề làm bánh in vẫn được các thế hệ Kim Long lưu truyền. Như là cách giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của mảnh đất Cố đô. 

Người viết: Trang Yết 

Xem thêm: Bánh bột lọc Huế – Dẻo dẻo dai dai

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on