Blog

Bánh nâm - Món "flan" mặn xứ Huế

Bánh nậm – Món “flan mặn” xứ Huế

Bèo – nậm – lọc là bộ ba món ăn bạn nhất định phải thử khi đến Huế. Bánh nậm Huế có hương vị thơm ngon, mềm mềm, ngọt ngọt của tôm. Món bánh này vừa có thể làm món chính, vừa có thể xem như món khai vị. Bánh nậm Huế thường được chọn là món ăn bữa lỡ, món ăn chiều hợp khẩu vị từ trẻ nhỏ đến người già

“Mảnh mai xanh sắc lá dong
Mềm mại bánh nậm ấm trong tay người
Nhụy hồng bột trắng tươi mươi
Xuýt xoa nước mắm ngọt lời tỉ tê”

Những câu thơ trên của nhà thơ Võ Quê có lẽ đã “tả” rất gợi, rất thực món bánh nậm này.

  1. Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
  2. Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  3. Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
  4. Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
  5. Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm

Nguyên liệu đơn giản để có được một chiếc bánh nậm Huế mềm mà ngon

Nguyên liệu để làm ra được một chiếc bánh nậm ngon rất đơn giản. Bạn có thể tìm kiếm ở bất cứ đâu, gồm: bột năng, bột gạo và tôm, thịt nạc, bột màu điều.

Nguyên liệu làm bánh nậm Huế đơn giản, dễ tìm
Nguyên liệu làm bánh nậm Huế đơn giản, dễ tìm _ Ảnh dienmayxanh

Nhìn sơ qua thì nguyên liệu của bánh nậm Huế khá giống với bánh lọc, bánh bèo. Nhưng điều đặc biệt làm nên một chiếc bánh nậm là cách chế biến của các thợ làm bánh xứ Huế. Những đôi bàn tay điêu luyện nhào nặn từng thứ bột tạo nên một món bánh nậm rất riêng của xứ mộng mơ này.

Bánh nậm Huế rất mềm và mỏng, khi ăn vào cảm giác như bánh tan trong miệng như kem flan. Rất mới lạ và đáng thưởng thức!

Phương pháp chế biến bánh nậm mang hương vị xứ Huế

Làm nhân bánh

Đầu tiên, tôm và thịt nạc mua về được rửa sạch và băm thật nhuyễn. Sau đó, người làm bánh ướp tôm, thịt cho đến khi thấm đều các gia vị. Tiếp theo là phi hành và tỏi rồi cho tôm và thịt vào đảo đều 1-2 phút. Cuối cùng, người làm bánh cho thêm bột màu để tạo cho nhân bánh một màu đỏ đẹp mắt. Và xào cho đến khi thấy tôm, thịt đã chín và ráo nước là xong phần nhân bánh.

Thịt nạc và tôm được băm nhuyễn và trộn với nhau để làm nhân bánh
Thịt nạc và tôm được băm nhuyễn và trộn với nhau để làm nhân bánh _ Ảnh pasgo

Ngoài ra, nhân bánh còn có thể làm từ đậu xanh hay hỗn hợp khuôn đậu và nấm mèo băm nhỏ. Rất phù hợp cho những người ăn chay vào ngày rằm và những người ăn chay trường.

Làm bột bánh 

Nguyên liệu để làm bột bánh gồm: bột gạo, bột năng khuấy cùng nước lọc, dầu ăn, đường và muối. Sau khi bột được hòa tan, người làm bánh đặt nồi lên bếp và tiếp tục khuấy nhanh với lửa vừa nhỏ. Bột được khuấy đều cho đến khi hơi đặc lại và chuyển sang màu trong hơn thì ngừng và tắt bếp. 

Làm bột bánh
Làm bột bánh_ Ảnh dienmayxanh

Gói bánh

Để có một chiếc bánh nậm Huế ngon, đẹp và lạ mắt, không thể thiếu màu xanh của lá chuối. Lá chuối được cắt theo hình chữ nhật với kích thước 20cm x 15cm. Sau đó, chúng được rửa sạch và trụng sơ qua hỗn hợp nước nóng và muối để lá mềm nhưng vẫn giữ được màu xanh của lá.

Trụng lá chuối trong hỗn hợp nước nóng và muối
Trụng lá chuối trong hỗn hợp nước nóng và muối _ Ảnh bekhoe

Người làm bánh bôi một chút dầu lên lá chuối (mặt không gân), sau đó phết lên lá một lớp bột mỏng rồi cho nhân bánh vào chính giữa bột. 

Cho bánh và nhân vào lá chuối
Cho bánh và nhân vào lá chuối _ Ảnh tomimarkets

Cuối cùng, bánh được gói lại và cho vào nồi hấp khoảng từ 10-20 phút.

 Cho bánh vào nồi hấp
Cho bánh vào nồi hấp _ Ảnh dienmayxanh

Nước chấm ngọt hòa quyện với vị ớt cay nồng

Tuy rằng bánh đã ngon và đậm vị nhờ nhân bánh. Nhưng để thưởng thức được một món bánh nậm Huế chính hiệu thì không thể thiếu nước chấm được. 

Nguyên liệu chế biến nước chấm rất đơn giản, gồm: nước mắm (có nơi dùng nước tương) và ớt trái. Ớt được cắt nhỏ rồi trộn với nước mắm tạo một hỗn hợp mặn mặn, cay cay. Nhưng món nước mắm này lại được pha chế để có vị ngọt chứ không phải vị mặn như ăn với bánh lọc. Nước mắm ngọt làm bánh nậm càng thêm ngon. 

Chấm chấm cho tròn vị ngon
Chấm chấm cho tròn vị ngon _ Ảnh foody

Người Huế ăn bánh nậm thường dùng muỗng (thìa), trong khi ăn bánh lọc lại dùng đũa. Bạn hãy lấy một cái dĩa, lột lớp lá bên ngoài. Hãy cứ để nguyên lá gói, để còn “ăn” bằng mũi cái mùi của lá. “Tưới” đều nước mắm ngọt lên bánh, rồi từng miếng từng miếng một hãy đưa vào miệng. Đừng vội nhai, cứ ngậm mà nghe, rồi bánh sẽ tan trong khoang miệng.

Một số quán bán bánh nậm ngon rẻ ở Huế

Quán 109

  • Địa chỉ: Số 109 đường Lê Huân, thuộc phường Thuận Hòa, TP. Huế.
  • Giá tham khảo: 6:00 – 21:00.
  • Thời gian mở cửa: 10.000 – 15.000 VNĐ/suất. 

Quán bánh nậm lọc Huế Mệ Lé

  • Địa chỉ: Số 104/17/9 đường Kim Long, trung tâm TP. Huế. 
  • Giá tham khảo: 15.000 – 25.000 VNĐ/suất. 
  • Thời gian mở cửa: 6:00 – 22:00.

Bánh nậm Bà Toàn

  • Địa chỉ: Số 09 đường Ưng Bình, thuộc phường Vỹ Dạ, TP. Huế. 
  • Giá tham khảo: 10.000 – 15.000 VNĐ/suất. 
  • Thời gian mở cửa: 14:00 – 19:00.

Bánh nậm Dì Xinh

  • Địa chỉ: Số 82 đường Lê Thánh Tôn, thuộc phường Thuận Thành, TP. Huế.
  • Giá tham khảo: 10.000 – 20.000 VNĐ/suất.
  • Thời gian mở cửa: 13:30 – 19:00.

Bánh Nậm Chi 52 Lê Viết Lượng

  • Địa chỉ: Số 52 đường Lê Viết Lượng, thuộc phường Xuân Phú, TP. Huế. 
  • Giá tham khảo: 15.000 – 50.000 VNĐ/suất.
  • Thời gian mở cửa: 14:00 – 20:00.

Bánh nậm Huế có mùi thơm nhàn nhạt của lá chuối, mềm mà không bở. Khi cho vào miệng có cảm giác tan ra như bánh flan, lạ mà ngon. Đây là món ăn nhẹ rất hợp cho một buổi chiều mưa nhẹ ở Huế mà bạn không thể bỏ lỡ. Hãy đến Huế và thưởng thức món bánh này một lần, nó sẽ làm bạn ngạc nhiên và nhớ mãi đấy!

Người viết: Diệu Hiền

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on