Blog

Chùa Báo Quốc – ngôi cổ tự linh thiêng đất Cố đô

Mang trong mình vẻ đẹp cổ kính, chùa Báo Quốc là chốn linh thiêng đã qua hàng trăm năm tuổi. Chùa được nhiều người biết đến không chỉ là nơi thờ tự mà còn là trung tâm tu học của Cố đô.

  1. Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
  2. Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  3. Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
  4. Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
  5. Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm

Chùa Báo Quốc nằm ở đâu?

Chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long, thuộc đường Báo Quốc, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Ngôi chùa có vẻ đẹp bình dị này đã nổi danh bao đời nay. Chùa hòa thượng Giác Phong lập ở thế kỷ 17.

Toàn cảnh khuôn viên của chùa (Sưu tầm)

Lịch sử chùa Báo Quốc 

Chùa Báo Quốc trước kia có tên là chùa Hàm Longchùa Thiên Thọ. Chùa do Hòa thượng Thích Giác Phong lập vào khoảng thế kỷ thứ XVII (có thể 1687). Khi đó chùa Báo Quốc mang tên là Hàm Long Thiên Thọ Tự. Thời sơ khởi, ngôi chùa này chỉ là một am tự nhỏ, thờ đức Phật Thích Ca cho những người trong địa phương đến lễ bái cúng tế. Mãi đến thế kỷ sau, mới bắt đầu những chương trình trùng tu. Hai bảo tháp cũng được dựng lên.

Bảo tháp nằm phía sau chùa (Sưu tầm)

Sau này, khi lên nắm quyền ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã đến lễ chùa. Ông ban một tấm biểu sơn son thiếp vàng có khắc “Sắc tứ Báo Quốc Tự”. Một bên của tấm biểu còn ghi thêm “Quốc Vương từ tế đạo nhân ngự đề”

Tấm biểu chữ Hán trong điện thờ (Sưu tầm)

Đến đời vua Gia Long, Hiếu Khương Hoàng Hậu đã đứng ra tổ chức việc quyên góp để trùng tu lại ngôi chùa, bảo tháp và la thành, minh đường. Nhiều quan lại trong triều đã tham gia trong công trình này. Chùa cũng đã được đổi tên thành Thiên Thọ Tự, trích từ một đoạn kinh trong Tứ Thập Nhị Chương.

Cột chùa được khắc hình rồng tinh xảo (Sưu tầm)

Trong chùa Báo Quốc còn thờ linh vị của Đức Hiếu Khương Hoàng Hậu. 

Vào thời Tây Sơn, khu đất trong chu vi chùa Báo Quốc còn bị chiếm để chứa diêm tiêu nhằm phục vụ việc đúc súng đạn trên con đường Tây Sơn bắc tiến.

Đến năm 1824, đời vua Minh Mạng, nhân một cuộc lễ trai đàn chẩn tế do hoàng tộc tổ chức tại ngôi chùa này, nhà vua đã đề nghị chư vị trụ trì và giám thọ trong chùa đổi lại tên là Báo Quốc.

Nơi thờ cúng được trang hoàng lộng lẫy (Sưu tầm)

           Trung tâm đào tạo Phật Giáo nổi tiếng

Vào tháng năm năm 1940, thời kỳ chấn hưng Phật Giáo Việt Nam. Trường Cao đẳng Phật Học đầu tiên đã được khai giảng tại chùa Báo Quốc dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết. 

Tháng 8 năm 1948, sau khi Huế hồi cư, Sơn Môn Phật học đường từ chùa Linh Quang cũng được chuyển về chùa Báo Quốc cho tiện việc tập trung giáo dục trên quy mô rộng lớn hơn.

Các sư thầy đang làm lễ (Sưu tầm)

Nơi đây đã tổ chức nhiều lớp Trung cấp và Cao cấp Phật Học, đào tạo nhiều tăng tài. Trong thời kỳ này người có công trong việc tổ chức và điều hành là Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Ngài cũng là Giám đốc Phật Học Đường Báo quốc.

Về sau, Ngài vào Nha Trang và tổ chức Phật Học Đường cho những tỉnh miền Nam Trung Phần. Chùa Báo Quốc trong giai đoạn này trở thành một trung tâm đào tạo Phật Giáo nổi tiếng.

Nhiều người chọn về đây để tu học (Sưu tầm)

Khuôn viên cổ tự 

Chùa Báo Quốc được xây theo hình chữ khẩu () vuông vức. Bước lên nhiều bậc tam cấp, đến cổng tam quan cổ kính đồ sộ. Ngay giữa sân, chùa trồng nhiều loại cây kiểng và phong lan, hoa thơm khoe sắc bốn mùa. Mang một cảnh quan u tịch và trang nghiêm trong hệ thống chùa chiền Cố đô Huế. Diện tích toàn thể của chùa chừng hai mẫu tây, trước do triều đình cấp phát. Trong khuôn viên của chùa có nhiều tháp và mộ thờ những tổ sư của ngôi chùa cổ này. 

Từ khuôn viên chùa nhìn ra cổng tam quan (Sưu tầm)

            Mộ thờ tổ sư 

Cạnh chùa về phía Nam, có ba ngôi mộ cổ, mộ ở giữa là mộ thờ tổ. Một bên thờ Hoà thượng Thích Trí Thủ, bên còn lại thờ Hoà thượng Thích Thanh Trí. Đó là hai vị có công nhất trong việc tu bổ, tổ chức giáo dục và hoạt động xã hội trong chùa.

Trung tâm chùa Báo Quốc (Sưu tầm)

Chùa có những liễn đối, biểu từ, hoành phi có từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1737-1765). Những chứng liệu của những vị cao tăng đắc đạo qua nhiều thế hệ, các Hoà thượng từ Trung Hoa sang truyền đạo. Ngoài ra, còn có một đại hồng chung được đúc từ đời vua Gia Long năm thứ 7 (1808).

Hình rồng được làm tỉ mỉ trên mái chùa (Sưu tầm)

Lên Bảo Quốc nghe chuyện kể Giếng Hàm Long 

Giếng Hàm Long nằm phía Bắc của chùa. Như tên gọi của giếng, nước giếng trong veo quanh năm. Dưới giếng có tảng đá lớn, hình thù trông giống như đầu con rồng. Giếng sâu chừng 5 – 6 mét.

Giếng Cám dưới chân núi Hàm Long (Sưu tầm)

 Theo lời truyền tụng trong nhân gian, nước giếng Hàm Long rất quý. Ngày trước, những triều vua Nguyễn sai người đến múc nước giếng về dùng trong hoàng thành. Cấm dân chúng dùng đến nước giếng, nên còn gọi là Giếng Cấm. Người dân nơi đây còn lưu truyền câu ca dao:

“Nước giếng Hàm Long đã trong lại ngọt;
Em thương anh rầy có Bụt chứng tri” 

Hay:

“Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm,
Diêm tiêu nào ngăn được nước trong”.

Hình đầu rồng bằng những mảnh sứ tinh tế trên giếng (Sưu tầm)

           Truyền thuyết ở giếng Hàm Long

Truyền thuyết kể lại, giếng Hàm Long ra đời gắn liền với việc hình thành và phát triển của nhà Nguyễn. Bắt đầu khi chúa Nguyễn vào Thuận Hóa mở rộng bờ cõi, vùng đất này có nhiều thần bí, hoang sơ và ít người qua lại. Một hôm, chúa Nguyễn vào Phú Xuân định đô, ông nằm ngủ không yên vì có một con rồng lớn hô mưa gọi gió. Ông nhận thấy đây là điều không lành cho vận mệnh giang sơn và cuộc sống dân chúng. Nên ông đã sai người đi tìm hiểu vùng đất này.

Tấm bia khái quát lịch sử giếng Hàm Long (Sưu tầm)

Sau đó, có một ông thầy phong thủy tới diện kiến nhà vua và phán rằng: ở trước mặt kinh thành có dãy núi thiêng và nhiều long mạch. Long mạch ở đó thần bí hơn nhiều so với các nơi khác. Bởi nó muôn hình vạn trạng, biến đổi không ngừng, lúc thuận lúc nghịch, lúc to, lúc nhỏ, lúc ẩn lúc hiện. Ở đó hội tụ nguồn sinh khí thịnh vượng mà không nơi nào có được. Cần mời cao nhân về cúng bái để chấn yểm long mạch, chế ngự con rồng dữ. 

Nước giếng Hàm Long trong vắt (Sưu tầm)

Theo lời, chúa Nguyễn mời thầy về yểm đất nơi đây. Quả nhiên, con rồng đã không còn quấy phá, đời sống nhân dân lại trở nên yên bình. Chính vì vậy, ngọn núi nơi con rồng ẩn nấp được đặt tên là Bình An Sơn và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Miếu linh thiêng bên giếng Hàm Long (dulichhue)

Lại có một ý kiến khác là giếng Hàm Long đã gắn với chùa Báo Quốc được xây dựng từ thế kỷ XVII. Khi Thiền sư Giác Phong khát nước, bèn đào một cái giếng ở dưới chân núi. Mới đào được ba lát đất thì mạch nước trong vắt phun lên tựa như miệng rồng. Dòng nước ngon ngọt và mát lạnh, rửa mặt xong sẽ cảm thấy khoan khoái, tràn đầy sinh lực. Từ đó, giếng nước này được đặt tên là giếng Hàm Long.

Giếng Hàm Long sau khi được tu sửa (Sưu tầm)

Theo bộ “Hàm Long sơn chí” thì giếng xuất hiện cùng thời với việc khai sơn chùa Báo Quốc khoảng năm 1674″. Xung quanh giếng, rất nhiều hình tượng rồng uốn lượn, thấp thoáng trên các mái chùa, trên thành giếng, gợi nhớ câu chuyện rồng dữ quấy phá nhà vua.

Ghé thăm chùa Báo Quốc chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa cổ tự từ thế kỷ XVII, lắng nghe chuyện kể “giếng cấm” Hàm Long sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời khi bạn đến đất Cố đô.

 

Người viết: Trang Yết 

 

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on