Blog

Đầm Chuồn – Gió nồng nàn, nắng chứa chan

Khác với vẻ đẹp u tịch, trầm buồn của xứ Huế mộng mơ, Đầm Chuồn lại mang trong mình một vẻ đẹp hoang sơ, vắng lặng, gió nồng nàn và nắng cũng chứa chan. Bất cứ ai đến nơi đây đều phải trầm trồ với khung cảnh bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp.

                
Đầm Chuồn
hiện ra mênh mông giữa mây trời (Ảnh: xomnhiepanh)

  1. Top 10 Món Ăn Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  2. Lịch trình du lịch Cố Đô Huế 2 Ngày 1 Đêm
  3. Lịch trình khám phá Thừa Thiên Huế 2 ngày 1 đêm
  4. Lịch trình khám phá tham quan Huế 3 ngày 2 đêm
  5. Lịch Trình Khám Phá Huế 3 Ngày 2 Đêm

Xuôi về đầm Chuồn

Đôi nét về đầm Chuồn

Đầm Chuồn có tên đầy đủ là Đầm Chuồn An Phú. Cái tên này gắn liền với làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đầm Chuồn thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang – hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á.         

Bình minh trên đầm Chuồn (Ảnh: Trần Bảo Hòa)


Hoàng hôn tím khiến lòng người ngẩn ngơ (Ảnh:
Nghoanghanoi)

Cách di chuyển đến đầm Chuồn

Đường đi đến đầm Chuồn không quá khó. Nơi này chỉ cách trung tâm thành phố Huế khoảng hơn 12km về phía đông. Bạn chỉ cần đi dọc quốc lộ 49 hướng về phía làng An Truyền, qua cầu Tư Hiền và một vài cánh đồng là đến. Để đến nơi, bạn có thể thuê ô tô hoặc xe máy để tiện di chuyển. Và với quãng đường này, đạp xe đạp cũng là một ý tưởng không tồi. Giá thuê xe máy hiện nay tầm 100.000 đến 120.000đ/ngày.


Đầm Chuồn, điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (Ảnh: sưu tầm)

Thời điểm lý tưởng để đến Đầm Chuồn

Bạn có thể đến đầm Chuồn bất cứ thời gian nào trong năm, đặc biệt từ tháng 4 đến tháng 7. Vào thời điểm này, bạn sẽ có cơ hội hòa mình vào không khí rộn ràng của mùa thu hoạch hải sản trên đầm. Ngoài ra, tại đây còn có lễ hội rước Tổ làng Chuồn vào ngày 15,16 và tháng 7 âm lịch hằng năm. Cảnh ngư dân quăng chài kéo lưới giữa đầm, cảnh bắt cua ốc lấm lem bùn lầy, cảnh mua bán tấp nập nơi làng quê nhỏ mỗi sớm, cảnh trẻ con đùa vui trong làn nước tung tóe ấy đều là những thước phim đẹp nhất mà nếu bỏ qua, hẳn sẽ là một thiếu sót lớn. Bạn nên đến đầm vào buổi sáng sớm để cảm nhận không khí trong lành, quang cảnh thoáng đãng làm dịu lòng người.

Ngư dân quăng lưới bắt đầu thu hoạch mùa vụ (Ảnh: Hoàng Nguyên)

Nét đẹp đầm Chuồn

Cảnh sắc bao la

Đến đây, bạn sẽ được nhìn những đầm phá trải dài, ngửi được hương vị mặn mòi quen thuộc. Bạn sẽ đắm mình trong không gian lồng lộng của mây trời và mặt nước. Đầm Chuồn vàng rực lúc bình minh, trong xanh giữa nắng trưa và nhuốm màu tím hoàng hôn khi chiều về.

Những chắn sáo chia cắt đầm Chuồn ra từng mảnh nhỏ (Ảnh: sưu tầm)

Đầm Chuồn yên tĩnh, nhẹ nhàng với làn nước mỏng manh từ lòng phá, quyện vào cơn gió trời thoảng qua màn đêm cô tịch. Thời điểm nào trong ngày, đầm Chuồn cũng quyến rũ tâm hồn du khách.


Đầm Chuồn đôi lúc cũng mang vẻ đẹp ma mị (Ảnh: sưu tầm)

Bạn có thể xuôi dòng nước trên con thuyền nhỏ, thả hồn mình lang thang với trời mây, nước mát. Vẻ đẹp đầm Chuồn đã trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều nhiếp ảnh gia, cũng như thu hút được lượng lớn du khách đến chụp hình. 


Cảm giác yên bình trên Đầm Chuồn (Ảnh: sưu tầm)

Những xô bồ, vội vã thường nhật của mỗi người dường như tan biến hết, trước khung cảnh phóng khoáng, bình yên nơi đây.

Những chiếc thuyền như kim khâu lướt trên dải lụa (Ảnh: sưu tầm)


Ánh mặt trời bao trùm khắp không gian (Ảnh: sưu tầm)

Nét đẹp đời sống

Cuộc sống lao động bình dị của người dân cũng góp phần tạo nên nét đẹp độc đáo của đầm Chuồn. Người dân bắt đầu làm việc vào 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Dưới ánh sáng ma mị của chiều tà, hình ảnh những ngôi nhà chòi đơn sơ thấp thoáng trong màu hoàng hôn đẹp hơn bao giờ hết. Phía xa xa, đoàn dài những chiếc thuyền rẽ nước nối đuôi nhau hướng về phía biển. 

Những chiếc thuyền nối đuôi nhau ra biển lớn (Ảnh: Smile travel)


Cuốn hút ánh nhìn (Ảnh: VN Express)

Nét chân chất, mộc mạc và bình dị của người dân làm cho bức tranh đầm Chuồn thêm say đắm.


Đập nước hùa cá vào lưới (Ảnh: sưu tầm)

Ngoài ra, bạn còn có thể ghé thăm đình làng Chuồn (Đình làng An Truyền), đình Thành Hoàng ở Đồng Miệu, nhà thờ và lăng cụ tổ họ Hồ Đắc – một trong những họ lớn của làng này. Dòng họ Hồ Đắc đã sinh ra cho đất nước nhiều người con nay đã được đặt tên đường như: Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Di, Sư bà Diệu Không (Hồ Thị Hành).

Lễ hội rước Tổ làng Chuồn (Ảnh: sưu tầm)

Từ đây, bạn có thể khám phá thêm các địa điểm khác thuộc hệ đầm phá Tam Giang. Đó là cửa Tư Hiền, khu ga Đá Bạc, chùa Túy Vân, chợ nổi Vinh Hiền… Các địa điểm này sẽ khiến bạn say mê vẻ đẹp của miền sông nước Huế.

Đình làng An Truyền (Ảnh: sưu tầm)

Ẩm thực đầm Chuồn

Đặc sản bánh khoái cá kình

Bánh Khoái cá kình làng Chuồn là đặc sản cực kỳ nổi tiếng tại đầm Chuồn. Món ăn hấp dẫn này bạn nhất quyết đừng bỏ qua khi đặt chân đến đây. Vị béo ngậy của cá, cái giòn của bánh, và nước mắm ruốc ngon ngon với chút cay cay của ớt. Ăn mà hít hà. Đặc biệt, cá kình sẽ giúp bạn ngủ ngon. Bánh không nổi tiếng bởi sự cao sang hay cầu kỳ. Mà điều làm nên thương hiệu bánh chính là bạn sẽ phải tự đi chợ mua các nguyên liệu. Sau đó, bạn mang các nguyên liệu đến cho các O, các Mệ đổ bánh giúp. Tiền công đổ bánh chỉ từ 2000-3000đ/ cái.


O Lành bán bánh khoái cá kình chợ làng Chuồn (Ảnh: Zing.vn)

Bánh khoái cá kình chính là loại bánh cá mà người dân làng Chuồn ưa chuộng nhất. Thịt cá kình béo, thơm, cuốn cùng miếng bánh khoái nóng giòn, chấm với nước mắm mặn mà cay cay. Chu cha ta nói người ta gọi tên bánh “khoái” quả không sai. Nơi bán bánh khoái cá kình nổi tiếng là quán của O Lành ở góc chợ làng Chuồn. O Lành đã bán bánh hơn 20 năm, và dường như là người bán món này đầu tiên ở đây.


Bạn có thể ăn bánh khoái cá kình ngay tại đầm Chuồn (Ảnh: sưu tầm)

Hải sản hương vị đầm Chuồn

Hải sản của đầm mang hương vị ngon ngọt, khác biệt với nơi khác vì được sống trong môi trường nước lợ. Các loại hải sản nổi tiếng có thể kể đến như tôm sú, cua, cá dìa, cá mú, cá kình,… Chúng thường được những ngư dân nuôi trong những chắn sáo hoặc bắt từ tự nhiên.

             Hải sản đầm Chuồn luôn giữ được hương vị riêng (Ảnh: sưu tầm)

Điều thú vị là bạn được ngồi trên những chuyến đò đến các dãy nhà hàng nổi và thưởng thức hải sản tươi sống, độc đáo đậm chất miền sông nước. Leo trên những cây cầu tre vừa dài, vừa cong là một cảm giác đầy thích thú. Một số nhà hàng nổi tiếng như nhà hàng Đầm Chuồn Hội Quán, nhà hàng Chuồn Lagoon, nhà hàng Đầm Chuồn An Phú,…

      Nhà hàng dựng bằng tre ở giữa đầm Chuồn (Ảnh: sưu tầm)

Ngoài việc đánh bắt hải sản, người dân làng An Truyền còn có truyền thống làm bánh tét, nấu rượu, các loại mắm. Các món quà quê này thường được du khách mua về tặng cho người thân, bạn bè. Bánh tét làng Chuồn nổi tiếng đến mức mỗi dịp Tết đến khắp các chợ ở Huế đều mong có món này để bán. Thậm chí có cả đội làm bánh được thuê vào Sài Gòn để làm bánh tét.

Một số món ăn truyền thống của đầm (Ảnh: sưu tầm)

Hãy đưa Đầm Chuồn vào danh sách nơi phải đến một lần trong đời. Để tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp vùng đầm phá yên bình, và thưởng thức các món hải sản hấp dẫn, tươi ngon. 

Người viết: Trang Yết

Xem thêm: Chùa Thiên Mụ – Vì sao các cặp đôi ngại đến?
Hòn Chảo — Cái chảo quyến rũ của đất trời

 

Comments

  • OAnh Pear
    02/10/2021

    đẹp qúa điiii
    mê quá điiii
    người viết cũng hay quá điii

    reply

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on