Blog

Den-Cuong-noi-ghi-dau-nhung-phut-bi-trang-cuoi-cung-cua-vua-An-Duong-Vuong

Đền Cuông – nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương

Diễn Châu (Nghệ An) được biết đến là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh. Một trong số các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng là Đền Cuông, nơi gắn liền với  An Dương Vương Thục Phán – vị vua huyền thoại của lịch sử dựng nước thời xa xưa.

Đôi nét về đền Cuông

Đền Cuông thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, cách thành phố Vinh khoảng 30km về phía Bắc. Đền nằm trên núi Mộ Dạ, một ngọn núi thuộc dãy Đại Hải, cận kề quốc lộ 1A. Đền Cuông là một di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng, đồng thời cũng là một danh thắng nổi tiếng. Đây là nơi kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên như thể đã có một sự thỏa thuận trước giữa tạo hóa và bàn tay con người. 

Đền Cuông - nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương
Đền Cuông là một trong những di tích lịch sử văn hóa tại Nghệ An _ Ảnh sưu tầm

Truyền thuyết An Dương Vương linh thiêng và kỳ bí

Đền Cuông được xây dựng trên một vị trí thông thoáng, giàu chất sử thi. Trên núi Mộ Dạ ngày nay là cả một cánh rừng thông bạt ngàn. Ở phía Bắc chân núi là cửa Tư Hiền gắn với sự kiện bi hùng của đất nước – nơi cha con An Dương Vương trên đường chạy giặc đến bước đường cùng đã được Rùa Vàng hiển linh rẽ sóng mở đường cho vua cha về với biển.

Đền Cuông - nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương
Truyền thuyết An Dương Vương _ Ảnh sachgiai

Theo truyền thuyết An Dương Vương, sau khi chém đầu Mỵ Châu, An Dương Vương phi ngựa lên đỉnh núi Mộ Dạ. Từ trên đó, Ngài đã cởi mũ, cởi cờ, cởi áo bào, tháo kiếm và yên ngựa rồi tung ra bốn phía. Kỳ lạ thay, tất cả các thứ đó biến thành 5 ngọn núi có hình dáng giống như cái mũ, cái kiếm, chiếc vành khăn… châu tuần quanh núi Mộ Dạ và để lại một dấu chân rồi mới gieo mình xuống biển tự vẫn. Nơi ấy một thời gian sau nổi lên phiến đá có hình bàn cờ tướng và dân đi biển thi thoảng vẫn thấy hình bóng An Dương Vương cùng thần Kim Quy ngồi đánh cờ trên đó…

Đền Cuông - nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương
Sự tích An Dương Vương và nàng công chúa Mỵ Châu _ Ảnh sưu tầm

Thăm Đền Cuông trên núi Mộ Dạ bất chợt ngẫm câu thơ của Tố Hữu:

 “…Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” 

Ta lại thấy thương thay cho Mỵ Châu và mối tình oan nghiệt của nàng.

Các hoạt động lễ hội đặc sắc tại đền Cuông

Lễ hội đền Cuông Nghệ An hàng năm được tổ chức vào ngày 12 đến ngày 16 tháng Hai âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội lớn không chỉ của người dân vùng Diễn Châu mà còn đối với cả dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ ân đức của An Dương Vương. 

Đền Cuông - nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương
Lễ hội đền Cuông _ Ảnh sưu tầm

Hoạt động lễ hội được diễn ra trong vòng 4 ngày, thu hút sự tham gia của nhiều du khách. Phần lễ gồm: lễ khai quang, lễ trung thiên, lễ yết, lễ đại và lễ tạ. Ngoài ra còn có thêm lễ túc trực. Khi tham gia lễ, các vị trong ban hành lễ mặc lễ phục theo quy định.

Đền Cuông - nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương
Múa lân tại Lễ hội đền Cuông _ Ảnh Thu Hương

Đặc sắc nhất là phần lễ rước kiệu từ nhà thờ họ Cao và đình Xuân Ái về đền Cuông bắt đầu từ sáng sớm ngày 15/2 (Âm lịch)

Đền Cuông - nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương
Hoạt động rước kiệu tại lễ hội đền Cuông _ Ảnh sưu tầm

Sau phần lễ thành kính, trang nghiêm là phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra xung quanh chân núi Mộ Dạ với nhiều trò chơi dân gian cổ truyền như: ném còn, đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ, đi cầu kiều, cờ tướng, cờ thẻ… Những hoạt động giao lưu văn nghệ của các làng văn hóa, các câu lạc bộ ca trù, dân ca ví dặm…

Đền Cuông - nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương
Lễ hội đền Cuông ở Nghệ An thu hút nhiều người dân và du khách tham gia _ Ảnh Truyền hình Nghệ An

Kiến trúc đền Cuông cổ kính qua nhiều niên đại

Đền Cuông - nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương
Ngôi đền được xây dựng với kiến trúc cổ kính _ Ảnh sưu tầm

Về tổng thể, kiến trúc Đền Cuông được xây dựng theo kiểu chữ “Tam”. Trải qua hàng nghìn năm, tam quan hiện nay đã chằng chịt rễ cây si leo bám, càng tạo nên nét cổ kính cho ngôi đền. Tòa trung điện theo kiểu chồng diêm 8 mái, các tòa khác trong đền đều có kiến trúc 4 mái, đầu đao cong vút. Các công trình đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chắc nhưng không thô vì các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế, mà lại toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát. 

Đền Cuông - nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương
Đền thờ phụng An Dương Vương _ Ảnh sưu tầm

Thượng điện đặt bàn thờ An Dương Vương, qua khoảng sân hẹp sang trung điện đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua chế tác nỏ thần. Đền Cuông có nhiều di vật quý: trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí… Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức An Dương Vương.

Ăn gì khi đến đền Cuông

1. Trà lá dung

Trà dung rất tốt cho sức khỏe
Trà lá dung rất tốt cho sức khỏe _ Ảnh sưu tầm

Đến Đền Cuông, du khách không thể bỏ qua một đặc sản chỉ có ở đây, đó là trà lá dung. Dưới chân núi, có một gia đình chuyên hái lá dung trên núi về phơi khô bán cho khách. Có người cho rằng, lá dung có khả năng chữa các bệnh như đau bao tử, cao huyết áp…

2. Bánh ngào

Bánh ngào hay còn gọi là bánh mật là thứ đặc sản dân dã của người dân xứ Nghệ. Bánh ngào thường được thưởng thức vào lúc trời se lạnh, hay có chút mưa phùn. Bánh ngào ngon nhất là lúc ăn nóng. Múc ra từng bát nhỏ, vừa ăn vừa thổi mới cảm nhận được hết hương vị.

Bánh ngaafo Nghệ An
Bánh ngào Nghệ An _ Ảnh sưu tầm

3. Súp lươn

Súp lươn Nghệ An được nấu khá đơn giản, không sánh đặc như các loại súp khác. Lươn làm sạch được xào với một ít hành tỏi, màu điều và màu cay cho chín tới. Xương được ninh làm nước dùng, thêm hành và rau răm là có ngay món súp lươn. Món súp lươn thường được ăn cùng bánh mì nướng giòn hay bánh đa Đô Lương.

Súp lươn Nghệ An
Súp lươn Nghệ An _ Ảnh sưu tầm

Những điều cần biết khi đến với đền Cuông

  • Nếu bạn muốn hòa mình vào không khí lễ hội thì nên ghé thăm Đền Cuông vào tháng 2 âm lịch.
  • Nên chú ý ăn mặc lịch sự, kín đáo khi ghé thăm đền chùa linh thiêng.
  • Không vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm, vẽ bậy, phá hoại di tích, khu thờ tự.

Đền Cuông - nơi ghi dấu những phút bi tráng cuối cùng của vua An Dương Vương
Đền Cuông khu du lịch tâm linh được yêu thích tại Nghệ An _ Ảnh sưu tầm

Trải qua bao nhiêu thập kỉ, đền Cuông vẫn luôn là địa điểm du lịch thiêng liêng và đáng nhớ. Hành trình du lịch chúc bạn có một chuyến tham quan đầy thú vị.

Người viết: Thùy Dương

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on