Đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu – ngôi đền của một nữ trung hào kiệt
Gần 700 năm tồn tại, trải qua bao biến cố của lịch sử, đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu vẫn là một di tích lịch sử đồ sộ mang nhiều ý nghĩa to lớn. Năm 1991 đền thờ được công nhận là Di tích lịch sử – Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
Đền thờ còn có nhiều tên gọi khác như đền Bà Hải, đền Hải Khẩu,… xuất phát từ một câu chuyện vẫn được truyền tai nhau.
Vị trí và đường đến ngôi đền
Vị trí ngôi đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu
Đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được xây dựng vào thế kỷ thứ XIV, tọa lạc trên một cồn cát cao và khá rộng. Đền cách quốc lộ 1A khoảng 8km về phía Đông. Đền thuộc địa phận Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi đền luôn thu hút du khách bởi vị trí đẹp, kiến trúc cổ kính và linh thiêng.
Ngoài ra, còn có đền Eo Bạch nằm dưới chân núi Ô Tôn (Vũng Áng – Kỳ Anh). Đây là nơi thờ vọng Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Trải qua quá trình trùng tu, tôn tạo, năm 2005, đền Eo Bạch được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Hướng dẫn đường đến đền
Nếu bạn đi từ thành phố Hà Tĩnh, thì theo quốc lộ 1A về phía Nam. Bạn tiếp tục đi khoảng 50km, đến thị trấn Kỳ Anh. Tại đây, bạn đi về hướng Đông 8km là đến đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Trong quá trình di chuyển, bạn có thể hỏi người dân quanh vùng, vì ngôi đền này rất nổi tiếng nên rất dễ tìm.
Lịch sử hình thành ngôi đền linh thiêng
Năm 1377, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành. Bà bèn xin đi theo để hộ giá và mất tại cửa Thị Nại (Quy Nhơn). Khi vua Trần Phế Đế lên ngôi thì lệnh đưa linh cữu của Quý phi Bích Châu về triều để mai táng. Tuy nhiên, lúc đến cửa biển Kỳ Hoa gặp phải mưa to gió lớn không thể đi tiếp được. Vua liền xuống chiếu an táng thi hài Bà tại đây và lập miếu để nhân dân thờ phụng.
Sau đó, năm 147, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, qua chỗ bà Bích Châu đã mất. Bà hiện lên báo mộng cho vua Lê và xin làm lễ giải thoát. Biết chuyện bà Bích Châu, nhà vua liền viết một tờ hịch hạch tội Nam Minh đô đốc, sai thả xuống biển. Sau khi thắng trận trở về, vua hạ chiếu lập đền, cấp ruộng tế và người trông coi, sắc phong cho bà là Chế Thắng. Từ đó, đền được gọi là Chế Thắng Phu Nhân. Hàng năm, vào 12 tháng 2 âm lịch là ngày giỗ. Sau này, đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được trùng tu và xây dựng lại một cách quy mô hơn.
Tại sao đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu lại thu hút khách du lịch?
Đền với câu chuyện về một tài nữ thông minh, xinh đẹp
Công lao trong tử cấm thành
Bà Nguyễn Thị Bích Châu là con gái của đại thần Nguyễn Tướng Công, sinh ra ở Nam Định. Bà nổi tiếng là cô gái xinh đẹp, giỏi giang nên được mọi người hết mực yêu mến. Được vua Trần Duệ Tông tuyển làm cung nhân gọi là ái phi Bích Châu, lấy hiệu Phù Dung.
Lúc nhà Trần suy vong, Quý phi Bích Châu đã soạn thảo “Kê Minh Thập Sách” đã đưa ra được những điểm trọng yếu nhất, thiết thực nhất về đường lối Chính trị, Văn hóa, Quân sự để có thể giúp vua trị vì đất nước. Nó còn có giá trị to lớn đối với các thế hệ sau này.
Câu chuyện chưa rõ thực hư
Đến năm 1377, bà hộ giá nhà vua đem quân đánh Chiêm Thành nhưng không may bị trúng độc và mất. Cũng có một thuyết khác kể rằng, nàng Bích Châu đã tự nguyện hy sinh thân mình làm vật tế thần biển để cứu vua và đoàn quân.
Lối kiến trúc độc đáo của ngôi đền
Đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu bao gồm khu cổng chính với đền miếu Ông Quan Tả, Nhà Quan Tả và Tam Quan. Khu điện thờ chính Quý phi Bích Châu gồm Hạ điện, Trung điện và Thượng điện được kết nối với nhau theo kiểu chữ Công.
Nổi bật ngay lối vào là cổng chính được thiết kế với các đường nét độc đáo, tỉ mỉ. Ở đây, du khách sẽ nhìn thấy 2 câu đối bằng chữ Hán ghi công bà Bích Châu.
Miếu Ông Quan Tả
Qua cổng chính đền sẽ đến miếu Ông quan Tả, nơi du khách thắp hương trước lúc vào làm lễ. Nhà quan Tả có tượng ông quan Tả với tư thế đứng oai vệ, tay phải cầm giáo, tay trái cầm gươm oai phong lẫm liệt để trấn giữ đền thiêng; tượng cao 3m, rộng 0,8m.
Qua nhà quan Tả là đến cổng Tam quan, với đường vào được cấu trúc hình cầu có bậc cấp lên xuống; cổng có 2 cột nanh cách nhau 3,3m hình vuông, trên đỉnh cột được chạm trổ tượng hai con nghê chầu. Trước cổng Tam quan được xây dựng hai nhà để chuông và khánh.
Điện thờ Quý phi Bích Châu
Vượt qua cổng Tam quan du khách sẽ đến ngay khu vực điện thờ chính của đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Ba điện nối liền nhau theo kiểu chữ Công.
Hạ điện
Hình “lưỡng long chầu nguyệt” ở khu nhà Hạ điện, bức hoành phi được sơn son thếp vàng đề chữ “Thánh Đức Lưu Phương” ở gian giữa vừa đẹp, cầu kỳ lại rất hoành tráng nhằm để tưởng nhớ và ca ngợi công đức của bà Nguyễn Thị Bích Châu.
Trung điện
Đi tiếp là nhà Trung điện, hai bên tả hữu được đặt tượng phù điêu các quan hầu. Nối liền với Thượng điện là nhà dâng hương hay còn gọi là phủ hầu – nơi thờ các cung tần hầu Thánh mẫu; hai bên bàn thờ nhà dâng hương được treo hai câu đối bằng chữ Hán của Tri huyện Kỳ Anh Lã Xuân Oai (thời Tự Đức 1867) khắc vào ván gỗ sơn son thiếp vàng sặc sỡ.
Thượng điện
Qua nhà dâng hương là đến Thượng điện, gồm 3 gian, bàn thờ có mâm bồng, tượng của Chế thắng Phu nhân được dát vàng với thần sắc dung nhan dịu dàng toát lên vẻ thông minh, tinh anh, nhân từ, đôn hậu nhưng quyết đoán. Hai bên Thượng điện có tượng quan Võ hầu cưỡi hổ, tay cầm đại đao, sắc khí bừng bừng uy nghi dũng mãnh. Và tượng Khâm sai cưỡi ngựa, tay cầm bút quyển thông thái và kiên nghị. Tương truyền phía sau bàn thờ có mộ Chế thắng Phu nhân được an táng từ thế kỷ XIV.
Nhà Sắc
Phía bên trái nhà Thượng điện là nhà Sắc, gồm 2 tầng với cấu trúc cầu kỳ và cổ kính. Tầng trên hình chóp, tầng dưới hình vuông, cửa hình vòm. Trên vòm cửa chính là ô đắp nổi hình rồng phượng ôm cuốn thư khắc 3 chữ “Tư Cảnh Phúc”. Tầng 2 của nhà Sắc là nơi thờ và cất giữ các sắc phong qua các triều đại.
Phía bên trái của Nhà sắc còn có một cổng phụ nằm ở phía Tây Nam. Ngay bên trái của cổng phụ là nhà Văn bia được xây dựng vào năm 2009. Là nơi để tấm bia khắc “Kê minh thập sách” của bà, với 2 loại chữ Quốc ngữ và chữ Hán.
Cứ hàng năm vào dịp tháng 2 Âm lịch, du khách thập phương lại tấp nập đến đền Bích Châu dâng hương, tế lễ tưởng nhớ ngày mất của bà và cầu mong sức khỏe, bình an dành cho gia đình. Bên cạnh đó, đến đây du khách sẽ được cảm nhận không khí an yên, tĩnh lặng và cơ hội vãn cảnh chùa.
Một số điều lưu ý cho du khách khi đến vãn cảnh ngôi đền.
- Đền mở cửa miễn phí, từ 6h đến 17h hàng ngày. Nên du khách không cần bận tâm về vấn đề thời gian.
- Khi đến tham quan chốn linh thiêng như đền chùa, bạn nên chú ý mặc trang phục lịch sự, kín đáo.
- Không nói to, gây ồn ào hay nói tục chửi bậy trong khuôn viên đền để không làm ảnh hưởng đến không gian thanh tịnh, thiêng liêng.
Mặc dù theo thời gian, những kiến trúc này không còn giữ được nét đẹp như ban đầu nhưng vẫn là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách. Đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu là một địa điểm thú vị mà Hành trình du lịch muốn giới thiệu với mọi người. Chúc bạn có một trải nghiệm thú vị khi đến với vùng đất Kỳ Anh.
Xem thêm: https://hanhtrinhdulich.vn/chua-huong-tich-cau-chuyen-ve-long-hieu-thao-5936/
Người viết: Trường An