Lăng Tự Đức – sơn thủy hữu tình
Lăng Tự Đức, hay còn gọi là Khiêm Lăng, được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc lăng tẩm đẹp nhất của nhà Nguyễn. Lăng Tự Đức chính là một trong những di tích lịch sử đầu tiên của Việt Nam, góp mặt vào bảo tàng số hóa 3D của Google Arts & Culture.
- Top 10 Món Ăn Phải Thử Khi Du Lịch Huế
- Lịch trình du lịch Cố Đô Huế 2 Ngày 1 Đêm
- Lịch trình khám phá Thừa Thiên Huế 2 ngày 1 đêm
- Lịch trình khám phá tham quan Huế 3 ngày 2 đêm
- Lịch Trình Khám Phá Huế 3 Ngày 2 Đêm
Ông vua “bất hạnh” trên ngai vàng 36 năm
Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, sinh năm 1829, là con trai thứ hai của vua Thiệu Trị. Ngay từ nhỏ, Hồng Nhậm đã được mẹ dạy bảo nghiêm khắc với các lễ nghi trong cung đình, với tư chất đi đứng, đối ứng đều hợp với lễ nghi. Cùng với tư chất thông minh, ham học hỏi, nên Hồng Nhậm rất được vua cha yêu thương và tin tưởng. Năm 1848, ông lên ngôi vua theo di chiếu vua cha, lấy niên hiệu là Tự Đức – vị vua thứ 4 của triều Nguyễn và là vị vua trị vì lâu nhất trong số 13 vị vua, 36 năm (1848 – 1883).
Ba mươi sáu năm với những thăng trầm đầy biến động, một vị vua mang tiếng là bất hiếu – vì không có con nối dõi. Tuy ông có đến 103 vị cung phi nhưng do di chứng để lại từ căn bệnh thủy đậu hồi nhỏ dẫn đến việc không thể có con. Bất nghĩa khi người đời nghi ngờ, kháo nhau rằng vì tranh giành ngôi vua, vua Tự Đức đã hãm hại người anh – Nguyễn Phúc Hồng Bảo. Năm 1885, khi lên ngôi được 10 năm, Pháp bắt đầu nổ súng tại Nam Kỳ, sau đó chiếm mất một phần lãnh thổ. Vua Tự Đức vì thế bị chịu tiếng là người bất trung với nước, bất hiếu với dân khi không bảo vệ được giang sơn lãnh thổ.
Ông Vua Thi Sĩ
Song, vua được mệnh danh là Ông Vua Thi Sĩ khi đã để lại cho đời một di sản văn học to lớn với 600 bài văn, 4000 bài thơ chữ Hán và hàng trăm bài thơ chữ Nôm. Những bài thơ của ông thể hiện tư chất của một con người thông minh, đa cảm, yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật.
Vị trí của lăng vua Tự Đức
Lăng vua Tự Đức cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6km, nằm trên một mảnh đất thanh bình thuộc thôn Thủy Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Đây là một điểm đến hấp dẫn khách bậc nhất trong số các khu lăng tẩm của vua chúa ở Cố đô Huế.
Trong lời tâm sự khắc trên bia Khiêm Cung Ký của vua Tự Đức. Ông nói rõ “mưu lược” khi chọn một địa thế đắc lợi. Đó là khi lên cao, nhìn về bốn phía, gần thì thấy đàn Nam Giao, xa thì thấy chùa Thiên Mụ. Điều ấy đã tỏ rõ chí hướng bình sinh của ông – lúc sống chưa thể bày tỏ hết lòng thành, thì khi chết lại được mãi mãi chầu hầu.
Câu chuyện đằng sau một chữ “Khiêm”
Lăng vua Tự Đức được khởi công xây dựng vào năm 1864 và hoàn thành năm 1867. Với tên gọi ban đầu là “Vạn Niên Cơ” – trường tồn mãi mãi với thời gian. Theo dự định ban đầu, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 6 năm với khoảng 3000 lính và thợ. Tuy nhiên, các quan giám sát đã “thắt chặt” rút ngắn thời gian xây dựng. Bắt dân binh lao động cực khổ trong điều kiện rừng thiêng nước độc.
Trước sự bóc lột nặng nề, dân binh vùng lên tham gia khởi nghĩa dưới sự chỉ huy của anh em Đoàn Trưng – Đoàn Trực. Họ dùng chày vôi – dụng cụ lao động – làm vũ khí, nên được gọi là cuộc nổi loạn Chày Vôi. Tuy cuộc khởi nghĩa bị thất bại sau 3 ngày, nhưng thanh danh vua Tự Đức vì thế cũng bị tổn thất nặng nề, và từ đây, trong dân gian có câu:
“Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân”
Đây chính là những lời ai oán của người dân khi làm công việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ. Để tạ lỗi với dân chúng, vua Tự Đức đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung, sau khi vua mất thì gọi là Khiêm Lăng.
Điều đặc biệt ở đây, 50 công trình lớn nhỏ trong lăng đều mang chữ Khiêm. “Khiêm” mang một ý nghĩa là kính, là nhường. Đó cũng là cách vua Tự Đức chọn chữ để cảnh tỉnh răn đe, tự chê trách bản thân.
Những công trình nổi bật trong lăng
Lăng được chia thành hai phần chính là: khu tẩm điện và khu lăng mộ. Khu vực lăng mộ là nơi an táng thi hài nhà vua, còn khu tẩm điện là hành cung – nơi vua giải quyết công việc và giải trí.
Hồ Lưu Khiêm
Hồ Lưu Khiêm vốn là một con suối nhỏ chảy trong lăng, sau được đào rộng thành hồ. Trong hồ thả hoa sen tỏa hương thơm mát, tạo không gian thơ mộng cho cảnh lăng. Và mang đến cảm giác yên bình, dễ chịu cho du khách khi đến đây.
Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm, là mảnh đất trồng hoa và nuôi thú. Nhà vua thường đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách.
Đặc biệt, bên bờ hồ Lưu Khiêm có 2 công trình nhà tạ trên mặt nước là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ. Đây là 2 công trình kiến trúc độc đáo của quần thể kiến trúc Lăng Tự Đức nói riêng và quần thể di tích cố đô Huế nói chung.
Khiêm Cung Môn
Nằm thẳng hàng với Dũ Khiêm Tạ là Khiêm Cung Môn – cấu trúc trục chính của khu tẩm điện. Là một công trình hai tầng dạng vọng lâu nằm trên nền cao.
Hòa Khiêm Điện
Trung tâm của tẩm điện là Hòa Khiêm Điện. Khi vua Tự Đức còn sống, đây là nơi làm việc của vua. Sau khi băng hà, đây là nơi thờ cúng bài vị của vua Tự Đức và Hoàng hậu.
Lương Khiêm Điện
Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm. Xưa là nơi nghỉ ngơi, thưởng trà của vua. Về sau làm nơi thờ vong linh mẹ của vua Tự Đức – bà Từ Dũ.
Nhà hát Minh Khiêm
Phía bên trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để vua xem hát. Căn nhà được xây theo kiến trúc truyền thống: nhà ba gian hai mái làm bằng gỗ. Nhà được chạm khắc bởi hoa văn rồng phượng, hoa lá tinh xảo. Nhà hát Minh Khiêm mang giá trị cao về văn hóa và nghệ thuật kiến trúc. Ngày nay người ta vẫn thường tổ chức các buổi trình diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách ghé thăm.
Sân Bái Đình nơi chứa Khiêm Cung Ký
Tấm bia nặng chừng 30 tấn với chiều cao 4 mét, khắc hơn năm nghìn chữ. Nói về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, lỗi lầm, bệnh tật của vua Tự Đức. Nó còn chứa nỗi niềm, lời tâm sự của một ông vua ngồi trên ngai vàng 36 năm với những thị phi khó tránh khỏi.
Hồ bán nguyệt – Hồ Tiểu Khiêm
Nơi an nghỉ của vua Tự Đức
Giờ mở cửa và giá vé tham quan lăng Tự Đức
Giờ mở cửa
Lăng mở cửa đón khách tham quan từ 7:00 đến 17:30 vào tất cả các ngày trong tuần, từ thứ 2 đến chủ nhật.
Giá vé tham quan lăng
- Đối với khách Việt Nam: người lớn là 100.000 VNĐ / lượt, trẻ em là 20.000 VNĐ / lượt.
- Đối với khách quốc tế: người lớn là 150.000 VNĐ / lượt, trẻ em là 30.000 VNĐ / lượt.
Những kinh nghiệm “đắt giá” khi khám phá lăng Tự Đức
Thời gian thích hợp để tham quan lăng
Thời điểm lý tưởng nhất để tham quan lăng Tự Đức là khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2. Khoảng thời gian này, thời tiết ở Huế rất dễ chịu, thích hợp để tham quan các di tích lịch sử, lăng tẩm.
Đường đi và di chuyển bằng cách nào là thuận tiện?
Khác với các lăng tẩm còn lại, Khiêm Lăng nằm khá gần trung tâm Thành phố Huế. Chỉ cách chừng 6km nên việc di chuyển đến lăng tương đối dễ dàng và thuận tiện. Bạn có thể đi taxi để đến tham quan, hoặc xe máy thậm chí là xe đạp nếu muốn ngắm cảnh sắc ven đường xứ Huế. Bạn chỉ cần chạy theo hướng đường Bùi Thị Xuân, đoạn bắt đầu từ ga Huế. Rồi đi thẳng rồi rẽ vào đường Huyền Trân Công Chúa. Đi thêm một đoạn là sẽ tới.
Những điều cần lưu ý khi đến thăm lăng
Lăng Tự Đức là một chốn linh thiêng, vì vậy bạn nên chú ý những điểm sau đây khi đến tham quan lăng mộ.
- Chú ý cách ăn mặc: phải ăn mặc lịch sự, kín đáo (không mặc áo sát nách hoặc quần đùi khi tham quan nơi thờ tự)
- Giữ gìn trật tự, không đùa nghịch, nói chuyện lớn tiếng trong cung điện và những nơi tôn nghiêm.
- Tuân thủ quy định của ban quản lý du lịch, tôn trọng ý nghĩa công trình. Không chạm vào hiện vật, không leo trèo lên các bức tượng, linh vật…
- Giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi làm ảnh hưởng cảnh quan xung quanh.
Hành trình du lịch “trọn gói”
Bí quyết để có một hành trình du lịch “trọn gói” đầy ý nghĩa. Bạn nên bắt đầu chuyến tham quan vào lúc 13 giờ. Tham quan hết tất cả cảnh quan cũng như các công trình kiến trúc của lăng Tự Đức thì bạn cần khoảng 3 – 5 tiếng đồng hồ.
Sau khi khám phá phong cảnh sơn thủy hữu tình của Khiêm Lăng. Bạn có thể tranh thủ ghé thăm ngôi làng luôn tươi như hoa và đầy sắc thắm mà không bao giờ phai. Đó chính là làng hương Thủy Xuân – làng nghề làm hương (nhang) truyền thống. Nếu bạn để ý sẽ thấy hai bên đường lên lăng có rất nhiều hàng lưu niệm với những bó chân nhang được trưng bày rất ấn tượng.
Xem thêm: Làng hương Thủy Xuân – “hoa ngũ sắc” khoe mình
Hãy dành cuối ngày để đến đồi Vọng Cảnh ngắm hoàng hôn. Bởi đây là nơi ngắm sông Hương tuyệt vời nhất. Đến đây để nhìn thấy những ngọn núi hùng vĩ xa xa, để cảm nhận sự thanh bình của ngọn đồi soi bóng xuống dòng Hương. Để thả hồn theo những con đò lững lờ trôi, để thấy Huế có một góc trời nên thơ đến thế.
Qua bao năm tháng, lăng Tự Đức vẫn mang vẻ đẹp vừa nhã nhặn, vừa trầm mặc trong khung cảnh sơn thủy hữu tình. Toàn cảnh khu lăng tẩm toát lên vẻ vương giả không thể nhầm lẫn vào đâu được. Sẽ thật thiếu sót nếu bạn đặt chân đến miền đất Cố đô, mà không ghé thăm lăng Tự Đức.
Người viết: Thanh Ngân