Blog

lễ hội đua thuyền

Lễ hội bơi thuyền trên sông Kiến Giang — Nghệ thuật từ sự mộc mạc

Lệ Thủy — mảnh đất địa linh nhân kiệt không chỉ nổi tiếng với những khu du lịch sinh thái đầy tươi mát mà còn nổi tiếng với những nét đẹp văn hóa vô cùng độc đáo. Điển hình trong đó là lễ hội bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Một lễ hội xứng tầm quốc gia. Đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

  1. Lịch trình du lịch trọn vẹn Quảng Bình 4 ngày 3 đêm – 2024
  2. Kế Hoạch Du Lịch Quảng Bình – Đi Đâu và Ăn Gì?
  3. Những Trải Nghiệm Phải thử khi Du Lịch Quảng Bình
  4. Lịch trình du lịch Quảng Bình – khám phá Ozo Park 2 ngày 1 đêm

Lễ hội bơi thuyền — một ấn tượng khó quên

Có lẽ đây chính là lễ hội lớn nhất năm. Là một người con Lệ Thủy, hình ảnh những chiếc đò bơi lao đi vun vút trong làn nước xanh ngắt cùng tiếc mõ và hò reo đã in hằn trong tâm trí tôi từ thuở bé. Dù hầu như năm nào cũng được thưởng thức trọn vẹn từng khoảnh khắc một nhưng thời gian chỉ làm tôi ấn tượng thêm. Càng lớn, tôi càng cảm nhận được nhiều vẻ đẹp tuyệt vời đến từ lễ hội này.

Lược sử về lễ hội bơi thuyền

Các thuyền xuất phát

Lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang bắt nguồn từ hội bơi, đua của làng. Nhằm để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ngày 2-9-1946, nhân ngày kỷ niệm một năm ngày Quốc Khánh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người dân huyện Lệ Thủy đã tổ chức lễ hội bơi đua thuyền. Và trải qua không biết bao nhiêu thay đổi của đất nước, lễ hội vẫn được tổ chức mỗi năm một lần cho tới nay.

Cùng tôi khám phá lễ hội bơi thuyền này nhé

Phải nói rằng, mỗi mùa lễ hội đến. Trong tôi lại hiện lên một cảm xúc vô cùng rạo rực. Vừa háo hức, vừa lo lắng đan xen lẫn niềm thích thú. Có lẽ mỗi người dân Lệ Thủy đều có cảm xúc chung như vậy

Đầu tiên đó chính là khâu tạo nên chiếc đò bơi

Đò bơi đang hoàn thiện

Để chọn được đò bơi xịn nhất, cần mất rất nhiều một lượng tiền của và sức lực. Mỗi thôn, xã sẽ lên rừng, chọn một cây gỗ dài, thẳng nuột, chắc chắn, để đưa về làm đò bơi, đò đua cho thôn mình. Thợ làm đò sẽ dựa trên kinh nghiệm của mình mà tạo nên một chiếc đò xịn nhất cho các thôn, xã. Người ta thường gọi đó là mực tức là độ hay, nhanh khi di chuyển của chiếc đò. Để đóng được thường mất từ một tới hai tháng. Sau khi hoàn thiện, làng sẽ tổ chức lễ để đón rồng về làng.

Mỗi chiếc đò bơi sau khi hoàn thiện sẽ được phủ một lớp sơn và vẽ rồng rất đẹp. Phải là người vô cùng khéo tay mới có thể tạo nên những hình rồng trên chiếc đò. Mỗi lần xem thợ vẽ rồng, tôi đều phải trầm trồ về vẻ đẹp và tính nghệ thuật ở đó. Mỗi chiếc đò như những con rồng đầy sắc màu di chuyển trên mặt nước. Mỗi đội bơi sẽ có những họa tiết, hoa văn khác nhau cho đò bơi của mình.

Thời gian cho bơi thụa

Các đò bơi đang tập luyện

“Bơi thụa” cách mà người dân Lệ Thủy sử dụng để chỉ cho hành động luyện tập của mỗi đội. Đò bơi nam gồm 35 VĐV, đò đua nữ gồm 15 VĐV. Được tuyển chọn từ những thanh niên có sức khỏe tốt nhất trong mỗi địa phương.

Cuối tháng 7 của mùa hè oi ả, tiếng gõ mõ cùng những tiếng hô vang “lên hô lên hồ lên” đã xuất hiện ở trên con sông Kiến Giang hiền hòa thơ mộng. Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, từng thôn từng xóm lần lượt hạ thủy  đò bơi, đò đua của mình để bắt đầu công tác luyện tập. Nhà nhà, người người vô cùng khí thế, cầu mong cho một mùa giải có thể đạt được thành tích cao.

Đây có lẽ thời gian sôi động nhất. Hai bên bờ sông, các cụ già, em nhỏ cùng người dân trong làng đều đổ xô ra bến để có thể xem luyện tập. Dường như trong thời gian này, câu chuyện đua bơi luôn xuất hiện trong mỗi bữa cơm gia đình hay trong mỗi quán nước, bờ đường. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh ông nội dắt tay tôi cùng các em tôi đến địa điểm đẹp nhất để có thể xem tập luyện. Đó có lẽ là phần ký ức tươi đẹp nhất mà tôi không thể nào phai nhòa được.

Trong thời gian này, các đội hết sức nỗ lực để rèn sức luyện tài. Tạo nên những chiến thuật hợp lý. Do bề dày lịch sử, đúc rút kinh nghiệm từ quá khứ, tính chuyên môn của lễ hội ngày càng được nâng cao.

30/8 – chưa phải ngày lễ chính thức nhưng vô cùng quan trọng đấy

Vì số lượng đội tham gia quá đông nên không thể tổ chức bơi trong cùng một thời điểm. BTC từ lâu đã quyết định chọn ngày 30/8 để bơi loại phân chia bảng.

Có thể nói rằng ngày này còn quan trọng hơn cả ngày hội chính thức. 24 đò bơi nam được chia thành hai bảng, mỗi bảng chọn 6 đội để vào Bảng A của vòng chung kết. Phải nói là sự cạnh tranh diễn ra hết sức khốc liệt. Ai cũng muốn đò bơi của mình vào được Bảng A chung kết.

2/9 – thời khắc quyết định

các thuyền bơi xuất phát

Từ tờ mờ sáng, người dân đã thức giấc để chuẩn bị cho ngày trọng đại. Băng rôn, khẩu hiệu được treo ở khắp nơi. Khán đài tổ chức buổi lễ được trang trí hết sức đẹp và trang trọng.

Các đò bơi, thuyền đua được trang trí rực rỡ cùng với đoàn diễu hành của huyện tạo nên một vẻ đẹp vô cùng ấn tượng. Từng chiếc đò với những màu sắc khác nhau trôi chầm chậm trên dòng sông xanh ngắt. Khiến cho chúng ta thấy được một nét đẹp rất riêng, rất đỉnh cao mà không nơi nào có được.

Hai bên bờ đầy kín người dân xem và cổ vũ. Trước hết là các đò đua của nữ và nam Hạng B được xuất phát. Sau đó là Hạng A của nam. Ngay khi tiếng súng hiệu lệnh nổ, tiếng trống, hò reo từ hai bên vang lên làm rung động cả dòng sông. Khoảnh khắc xuất phát là khoảnh khắc ấn tượng nhất trong cả cuộc thi.

Màn cạnh tranh khốc liệt giữa các đội diễn ra trên con sông. Ai ai cũng hồi hộp để xem. Mong cho đội của mình thi đấu suôn sẻ, về đích thành công.

Và các đội đã về đích. Những đội có thứ hạng cao đã vỡ òa trong niềm hân hoan, hạnh phúc của dân làng.

Không chỉ là lễ hội, đây còn là văn hóa, còn là nét đẹp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê xem bơi thuyền

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê xem bơi thuyền

Dù ai đi tây về đông

Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà

Về nhà xem hội quê ta

Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.

Bốn câu thơ trên thật đúng khi nói về lễ hội. Mỗi người con của vùng đất Lệ Thủy dù có đi làm ăn xa xứ, vẫn mong được quay trở về quê hương để tận hưởng không khí. Không chỉ là bơi đua mà đây còn là dịp để gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau. Từ lâu lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã gắn liền với cuộc sống của người dân xứ Lệ. Là một món ăn tinh thần không thể thiếu khi đến ngày Quốc Khánh của đất nước Việt Nam thân yêu.

Thật đáng tiếc, trong hai năm qua. Vì đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn lãnh thổ đất nước. Lễ hội đã không được tổ chức để đảm bảo sự an toàn. Mong rằng Việt Nam chúng ta cùng con em Lệ Thủy sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch !

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on