Blog

Quốc Học Huế – Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Trường Quốc Học là niềm tự hào của người Huế nói riêng, và người Việt Nam nói chung. Một câu viết rất ấn tượng bạn sẽ đọc được khi bước vào cổng trường này là: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Và đúng như câu viết ấy, trường Quốc học Huế là nơi đã, đang đào tạo ra nhiều nhân tài của đất nước. Bên cạnh bề dày lịch sử với những thành tích nổi bật, trường Quốc Học Huế còn khiến giới trẻ mê mẩn bởi những góc chụp ảnh rất đẹp. 

Kiến trúc Pháp xưa rất độc đáo, khung cảnh thơ mộng vốn có, lẫn hình ảnh của cả những cô cậu học trò tinh khôi – nơi đây hứa hẹn là một điểm đến tham quan nhất định phải đến khi đặt chân đến Huế.

  1. Top 10 Món Ăn Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  2. Lịch trình du lịch Cố Đô Huế 2 Ngày 1 Đêm
  3. Lịch trình khám phá Thừa Thiên Huế 2 ngày 1 đêm
  4. Lịch trình khám phá tham quan Huế 3 ngày 2 đêm
  5. Lịch Trình Khám Phá Huế 3 Ngày 2 Đêm

Trường Quốc Học – bên sông Hương có ngôi trường hồng 

Trường ở tại số 12 trên đường Lê Lợi, Huế, ngay dọc bờ sông Hương, nằm kế bên trường Hai Bà Trưng (trường Đồng Khánh cũ). Ở phía đối diện trường là Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong (người Huế thường gọi là Bia Quốc Học). 

                                Trường Quốc Học nằm tại số 12, Lê Lợi. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

Đôi nét về trường Quốc Học Huế

Trường Quốc Học Huế thời xưa. (Ảnh: Sưu tầm)

Trường được xây dựng theo chỉ dụ của vua Thành Thái và chính thức thành lập vào ngày 23 tháng 10 năm 1896. Khi mới ra đời, trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường (gọi tắt là Quốc Học) với mục đích đào tạo lớp người phục vụ cho chính quyền thực dân phong kiến. 

Trong chương trình khi ấy, Pháp văn là môn học chính và giáo viên phần lớn là người Pháp. Bên cạnh đó còn mở lớp dạy chữ Quốc ngữ, chữ Nho. Đây là ngôi trường Trung học phổ thông lâu đời thứ ba tại Việt Nam. Sau nhiều lần đổi tên thì trường có tên đầy đủ là Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế nhưng người dân hay gọi tắt là Quốc Học hay Quốc Học Huế.

Bức bình phong hình long mã – yếu tố kiến trúc đậm nét Huế – ở mặt trước của trường. (Ảnh : Sưu tầm)

Khi mới thành lập, trường được xây dựng theo lối kiến trúc cũ với ba tòa nhà nhà tranh vách đất. Vào thế kỷ XX, trường được trùng tu theo lối kiến trúc Pháp. Nhưng phần cổng và tường bao về cơ bản vẫn được giữ nguyên với lối kiến trúc truyền thống. Ngôi trường này chính là nơi theo học của những tên tuổi như Nguyễn Sinh Cung (tức chủ tịch Hồ Chí Minh sau này), Võ Nguyên Giáp, Hà Huy Tập, Tạ Quang Bửu, Tố Hữu, Đặng Thai Mai…

Tượng anh học trò Nguyễn Sinh Cung – một trong những người học trò xuất sắc nhất của Quốc Học Huế, được đặt ngay chính giữa lối đi vào. (Ảnh: Sưu tầm)

Qua 121 năm lịch sử, Quốc học Huế đã trở thành cái tên thân thuộc với người địa phương cũng như những du khách đến thăm Huế. Những thành tích học tập đáng nể chính là điều người ta ấn tượng về ngôi trường này. Điều đặc biệt là dạo gần đây, ngôi trường đã trở thành một địa điểm check-in đặc biệt lôi cuốn giới trẻ. 

Một trong hai khu giảng đường chính của trường. (Ảnh: Sưu tầm)

Thời điểm tham quan Quốc Học Huế

Tuy là một điểm tham quan nổi tiếng, nhưng trường Quốc học Huế vẫn coi việc giảng dạy là chính, nên không phải bất cứ lúc nào bạn cũng có thể vào thăm trường. Được biết, tất cả các lớp sẽ học chủ yếu vào buổi sáng, còn buổi chiều có một vài lớp chuyên và các tiết thể dục. Vì vậy, các bạn chỉ được phép ghé thăm trường vào buổi chiều. Riêng chủ nhật, các bạn tha hồ tham quan và check-in tại trường cả ngày vì không có lớp học.

Mặt chính diện của một khu giảng đường. (Ảnh: Sưu tầm)

Vào mùa mưa, Huế thường có những cơn mưa bất chợt, nên bạn nhớ theo dõi tình hình thời tiết để chuyến tham quan không bị gián đoạn.Thông thường, mùa mưa ở Huế sẽ bắt đầu từ tháng 9, kéo dài đến hết tháng 12. 

Mưa cũng là một đặc sản của Huế, không ào ạt mà dầm dề, kéo dài từ ngày này sang tháng nọ. Chính vì vậy, bạn nên hạn chế tham quan vào mùa này để có một chuyến đi đủ đầy trọn vẹn.

Vẻ đẹp bốn mùa Quốc Học Huế

Huế tuy chỉ có hai mùa mưa – nắng. Nhưng khi đến với trường Quốc Học, bạn sẽ cảm nhận rõ vẻ đẹp bốn mùa qua từng tán cây, kẽ lá. Nhưng muốn nhìn ngắm “bốn mùa Quốc Học” bạn phải đến trường Quốc Học ít nhất bốn lần trong năm.

Sắc xuân trên những cánh hoa điệp anh đào

Sân trường ngập tràn những cánh hoa điệp anh đào. (Ảnh: Fivitour)

Mỗi mùa xuân sang, cũng là mùa những cây hoa điệp anh đào đua nhau nở rộ. Khung cảnh những cánh hoa mỏng manh, nhẹ nhàng rơi xuống rất lãng mạn. Cứ sáng tạo vài kiểu ảnh với khung hình trữ tình này, bạn nhé! Hẳn bạn sẽ có những bức ảnh rất tuyệt. Và cứ yên tâm rằng, không gian nên thơ này của Quốc Học Huế sẽ kéo dài đến hết tháng tư.

Quốc Học Huế nhuộm hồng sắc điệp anh đào. (Ảnh: Sưu tầm)

Mùa hạ đỏ rực hoa phượng vĩ

Phượng vĩ nở báo hiệu hạ sang. (Ảnh: Sưu tầm)

Hạ sang cũng là lúc học sinh tạm biệt một năm học. Ngôi trường trở nên yên ắng hơn trong những cơn gió đầu hạ. Những hàng cây xanh vươn mình trong nắng xen vào sắc đỏ tường gạch tạo nên vẻ đẹp Pháp xưa.

Phượng vĩ nở đỏ rực một góc trời Quốc Học. (Ảnh: Sưu tầm)

Và trong nắng hè chói chang, những cây phượng vĩ cạnh thư viện đã bắt đầu đơm bông đỏ rực. Màu đỏ đô đằm thắm của ngôi trường nay được làm nền cho sắc đỏ tươi mới của những chùm phượng vĩ tạo khung cảnh rất bắt mắt.

Lá vàng mùa thu

Năm học mới thường bắt đầu vào tháng 8 và cũng là lúc trời chuyển mình sang thu. Nền nhiệt đã dịu hơn, không còn oi bức như những ngày hè rực lửa. Và đây cũng là thời điểm mà lá cây sau sau (cây phong hương) được trồng ở cạnh các dãy nhà trong trường bắt đầu ngả vàng. Những thảm cỏ xanh dần được phủ kín lá vàng rơi tạo nên phong cảnh mùa thu lãng mạn vô cùng.

Lá cây trong trường bắt đầu ngả vàng. (Ảnh: Sưu tầm)

Lặng lẽ ngày đông

Cuối năm chính là thời điểm mà sân trường luôn ẩm ướt. Những ngày này, khắp sân trường phủ đầy lá rụng sau những cơn mưa dầm dề, dài lê thê. Đây cũng là lúc mà những hàng cây trụi lá. Ngôi trường giờ đây trông đượm buồn nhưng cũng vì thế mà tạo nên một nét tình riêng. 

Sân trường vào những ngày đông. (Ảnh: Sưu tầm)

Các góc sống ảo thần thánh tại trường Quốc Học

Quốc Học Huế như một nét chấm phá thơ mộng giữa khung cảnh đô thị nhộn nhịp. (Ảnh: Vietravel)

Mặc dù theo lối kiến trúc cổ kính, nhưng khi đặt chân đến đây bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng với nét đẹp tươi mới của ngôi trường cổ hơn 100 năm tuổi. Nét đẹp cổ xưa pha trộn với màu đỏ hồng nổi bật đã khiến nơi đây thành điểm sống ảo của các bạn trẻ. Với lối kiến trúc giao thoa Đông – Tây, chiếc cổng trường chính là background quen thuộc với các bạn trẻ.

Ngôi trường với nhiều góc check-in lý tưởng. (Ảnh: chudu24)

Ngôi trường có rất nhiều góc sống ảo cho bạn tha hồ lựa chọn. Từ sân trường rộng lớn với những con đường rợp bóng cây xanh, những dãy nhà cổ, những dãy hành lang dài hun hút cho đến những chiếc ghế đá… Tất cả sẽ mang đến cho bạn một cảm giác như quay về những năm thế kỉ XIX. Chỉ những góc nhỏ ấy thôi cũng đủ tạo ra biết bao nhiêu bức hình sống ảo đẹp đến điên đảo.

Check-in sân trường Quốc Học. (Ảnh: Sưu tầm)

Chẳng cần app chụp ảnh xịn sò, chẳng cần chỉnh màu phức tạp hay những trang phục sành điệu. Vì quang cảnh trường đã đủ cho ra lò những bức ảnh sang, xịn, mịn. Bạn không cần phải làm gì cả, cứ tự nhiên cảm nhận vẻ đẹp nơi đây là sẽ có ngay ảnh vừa đẹp vừa chân thật.

Một số lưu ý khi tham quan trường Quốc học Huế

  • Nếu có gặp bác bảo vệ thì cũng đừng ngại ngần mà bày tỏ ý muốn được chiêm ngưỡng ngôi trường. Chắc chắn bạn sẽ được đón tiếp bằng một giọng cười hồ hởi.
  • Để tránh ảnh hưởng đến lớp học, bạn nhớ phải giữ gìn trật tự, không ồn ào lớn tiếng. 
  • Tránh xa khu lớp học, các tiết thể dục và không đi vào những khu vực miễn phận sự. 
  • Để có được những bức hình đẹp nhất, bạn nên đi đúng vào mùa hoa nở hoặc là mùa lá rụng sẽ lãng mạn hơn nhiều. 
  • Nên tận dụng ánh sáng trong những shoot chụp để hình ảnh được lung linh và ảo diệu hơn. 

Nét đẹp cổ kính qua lăng kính của các bạn trẻ. (Ảnh: Sưu tầm)

Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian, bao biến đổi của lịch sử. Quốc Học Huế vẫn giữ vẹn nguyên những nét đẹp từ thuở ban đầu. Nếu có dịp đến Huế, bạn hãy nhớ ghé thăm nơi này để chiêm ngưỡng khung cảnh rất thơ và tình của mảnh đất cố đô.

Minh Châu

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on