Blog

Tranh Làng Sình – Nét đẹp dân gian xứ Huế

Tranh dân gian làng Sình là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu nhất Việt Nam.

  1. Top 10 Món Ăn Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  2. Lịch trình du lịch Cố Đô Huế 2 Ngày 1 Đêm
  3. Lịch trình khám phá Thừa Thiên Huế 2 ngày 1 đêm
  4. Lịch trình khám phá tham quan Huế 3 ngày 2 đêm
  5. Lịch Trình Khám Phá Huế 3 Ngày 2 Đêm

Cơ sở tranh dân gian làng Sình của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. (Ảnh: sưu tầm)

Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, tranh dân gian làng Sình vẫn chứng tỏ được sức sống bền bỉ, nét đẹp văn hóa độc đáo đất Cố Đô. Giờ đây, làng Sình trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến Huế, đặc biệt là dịp tết đến xuân về.

Làng Sình nằm ở đâu?

Xuôi theo dòng, ven bờ sông Hương, Làng Sình cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9km. Đây là một vùng đất đắt địa, trù phú thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.

Những bức tranh được trưng bày tại cơ sở Kỳ Hữu Phước (Ảnh: sưu tầm)

Làng Sình hay còn có tên Lại Ân, được hình thành khá sớm ở Đàng Trong. Đối diện bên kia sông là cảng Thanh Hà, nổi tiếng thời các vua chúa, còn gọi là Phố Lở. Sau này Phố Lở gọi là Phố cổ Bao Vinh (chi tiết tại Xao xuyến trước vẻ đẹp cổ kính, yên bình của phố cổ Bao Vinh) – một trung tâm buôn bán sầm uất chốn Huế xưa nay. Từ giữa thế kỉ XVI, đã được Dương Văn An nhắc đến trong Ô châu cận lục rằng: 

“Cầu Bao Vinh ngựa xe tấp nập, làng Lại Ân tiếng gà gáy sáng gục khách thương tài lợi cạnh tranh…”

Tranh làng Sình – 500 năm thăng trầm lịch sử

Theo thời Trịnh – Nguyễn xưa, trong đoàn người tìm vào đất Thuận Hóa định cư, ông Kỳ Hữu Hòa mang theo nghề tranh giấy mộc bản của làng quê mình để mưu sinh. Tranh Sình cũng ra đời, phát đạt từ đó. 

Khác biệt với tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh làng Sình không thuần túy phục vụ thú vui tao nhã mà được dùng để đáp ứng đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Tranh Sình được người dân dùng để thờ, hóa trong các lễ cầu an, giải hạn. 

Nghệ nhân nhiệt thành giới thiệu từng bức tranh Sình (Ảnh: sưu tầm)

Truyền thống bị mai một

Sau năm 1945, tranh Sình dần mai một do chiến tranh loạn lạc, người dân bỏ nghề, bỏ xứ mưu sinh. Đã có giai đoạn tranh làng Sình bị coi là văn hóa phẩm mê tín, dị đoan,… Tranh bị cấm sản xuất, bị đốt phá, những bản mộc xưa cũng hiếm dần từ đó. Dân làng Sình chỉ còn ba hộ còn làm tiếp nghề tranh truyền thống này.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước – người khôi phục tranh Sình (Ảnh: sưu tầm)

Nghệ nhân làng Sình

Đến nay, nhắc đến tranh dân gian làng Sình thì không thể không nhắc đến nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Ông là người có công rất lớn trong việc phục dựng, giữ gìn nét đẹp cũng như giá trị tranh làng Sình. 

Ông Kỳ Hữu Phước chính là truyền nhân thứ chín, người đã làm sống dậy làng nghề này. Ông chia sẻ với báo chí “Để giữ được những bản mộc của ông cha để lại, tôi đã phải bọc nilon, chôn thật sâu dưới đất hàng chục năm”. 

Ông cho biết chỉ còn giữ lại được hai bộ mộc bản có tuổi trên 150 năm.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước lưu giữ nét đẹp truyền thống của làng Sình (Ảnh: sưu tầm)

Tranh Sình một thời hưng thịnh khắp dải đất miền Trung, cũng có khi vắng bóng, tưởng chừng như bị xoá sổ. Đến nay, đã hơn 500 năm, trải qua bao thăng trầm lịch sử. Tranh làng Sình vẫn giữ được những vẻ đẹp nguyên vẹn, tinh hoa của ông cha truyền lại. 

Nét độc đáo tranh làng Sình

Tranh làng Sình dần lấy lại và khẳng định giá trị nghệ thuật trong đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc. Nhưng qua thời gian dài bị mai một, để có thể phục hồi, bảo tồn hết giá trị của tranh làng Sình không phải là chuyện dễ mà làm được. 

Chế tác kỳ công

Tranh Sình mang đặc trưng tiêu biểu của hình hội họa dân gian vùng đất Huế. Để có một bức tranh đẹp phải trải qua những công đoạn kỳ công. 

Tranh làng Sình được làm thủ công, nguyên liệu chủ yếu được làm hoàn toàn từ thiên nhiên. Bản mộc được điêu khắc từ gỗ mít, giấy dó lấy từ tỉnh Quảng Ninh, sau đó thì quét điệp cho giấy dai và giữ màu.

Tranh trò chơi dân gian làng Sình (Ảnh: sưu tầm)

Sắc màu tự nhiên

Màu sắc được pha chế kỳ công với thành phần tự nhiên. Màu đỏ của nước lá bàng, màu đen từ tro rơm, tro lá cây, màu tím từ hạt mồng tơi,… Tất cả được trộn lại với da trâu để tạo keo làm nguyên liệu.

Pha màu từ nguyên liệu tự nhiên tốn không ít thời gian (Ảnh: sưu tầm)

Tranh theo một khuôn khổ nhất định, chỉ in một nét màu đen. Sau đó tranh được đem phơi khô mực, rồi tỉ mỉ tô màu vào các chi tiết. Vì thế, tranh làng Sình được pha chế ra rất nhiều màu. Cũng vì chỉ in thô bằng một bản màu đen nên tranh làng Sình luôn mang một nét riêng biệt.

Những khuôn in con vật độc đáo (Ảnh: sưu tầm)

Bức tranh khi hoàn thành sẽ lấp lánh bởi vỏ điệp, nền nã bởi chất màu thô mộc, nhưng vẫn mang quyến rũ và ẩn chứa nét đẹp tâm linh vốn có của nó.

Ý nghĩa ẩn sau tranh Sình 

Tranh làng Sình đa dạng với nhiều chủ đề và mang ý nghĩa khác nhau. Tranh được chia thành ba nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật với ý nghĩa tâm linh khác nhau.

Bức tranh mang màu sắc của cuộc sống đời thường (Ảnh: sưu tầm)

Tranh nhân vật

Tranh nhân vật gồm nhiều loại tranh như tượng Bà, tượng Bếp; con ảnh; ông Điệu, ông Đốc, Thổ Địa,… Dùng để giúp đỡ, giải hạn, thế mạng, cầu may cho người.

Tranh nhân vật mang ý nghĩa cầu an (Ảnh: sưu tầm)

Tranh súc vật

Tranh súc vật thường in hình 12 con giáp. Tranh con lợn, bò, ngựa,… dùng để cúng tế hoặc treo trong các chuồng trại nuôi gia súc để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh, phát triển đầy đàn. Tranh các linh thú như voi, cọp,… để dâng cúng nơi các miếu nhằm tỏ lòng thành kính của con người với các loài mãnh thú và cầu mong các mãnh thú này không giáng họa cho người.

Tranh con vật làng Sình (Ảnh: sưu tầm)

Tranh đồ vật

Tranh đồ vật gồm những bức tranh in hình các loại áo quần, khí dụng, cung tên,… hoặc các loại tế phẩm như áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí. Được người đi biển cầu an cho chính mình trước đe dọa của sóng gió, thời tiết… hoặc có thể dùng vào việc cúng tế húy nhật trong gia đình, cúng thí thực (dành riêng đối tượng âm linh cô hồn).

Những bức tranh theo khuôn khổ nhưng hài hoài về màu sắc (Ảnh: sưu tầm)

Đến làng Sình bạn có thể trải nghiệm thú vị bằng cách tự tô màu vào những bản vẽ thô đã có sẵn, dùng tranh làm quà lưu niệm.

Tham quan làng Sình (Ảnh: sưu tầm)

Tranh làng Sình không chỉ là tinh hoa của ông cha để lại mà còn là sắc diện thẩm mỹ tinh tế vùng đất Huế. Trải qua hàng trăm năm, tranh làng Sình vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống riêng và khẳng định vị thế của mình trong dòng tranh Việt Nam.

Trang Yết 

Xem thêm: Làng hương Thủy Xuân – “hoa ngũ sắc” khoe mình

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on