Viện Hải Dương Học – hồ cá Hải học viện Nha Trang
Bạn yêu thích khám phá đại dương bao la? Bạn thích cảm giác ngắm nhìn những di vật độc đáo? Viện Hải Dương Học sẽ là điểm dừng chân lý tưởng dành cho chuyến “ngao du” của bạn. Đây là một trong những trung tâm nghiên cứu về đời sống sinh vật biển lớn nhất Đông Nam Á. Đừng ngần ngại cùng Hành trình du lịch khám phá ẩn sâu trong lòng biển cả có những gì nhé!
- Lịch trình khám phá Nha Trang – vui chơi VinWonders 3 ngày 2 đêm
- Lịch trình khám phá tận hưởng Nha Trang 3 ngày 2 đêm – 2024
- Lịch trình thư giãn tắm biển Nha Trang 2 ngày 1 đêm – 2024
- Lịch trình du lịch Nha Trang – Vịnh Vĩnh Hy 4 ngày 3 đêm
- Lịch trình vi vu Nha Trang, khám phá các đảo 3 ngày 2 đêm – 2024
- Lịch trình du hí khám phá Khánh Hoà 2 ngày 1 đêm – 2024
Viện Hải Dương Học nằm ở đâu?
Viện Hải Dương Học nằm tại số 1 Cầu Đá, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Viện nằm trong hệ thống các viện nghiên cứu chuyên ngành của Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia Việt Nam. Đây là nơi chuyên nghiên cứu về tập tính cũng như lối sống của sinh vật biển.
Viện Hải Dương Học hình thành và tồn tại như thế nào?
Sự hình thành của viện
Viện Hải Dương Học được thành lập vào ngày 14 tháng 9 năm 1922, trong thời Pháp thuộc. Mãi đến tháng 12 năm 1969, viện mới được chuyển quyền quản lý sang cho Viện Đại Học Sài Gòn. Nhắc đến Viện Hải Dương Học, người ta không thể nào quên một bộ phận hữu cơ của nó là bảo tàng Hải Dương Học. Đây là tiền thân của Bảo tàng Mẫu Vật (tên tiếng Pháp là Muséum de Référence). Từ những năm 30 của thế kỷ trước, nó đã nổi tiếng với cái tên dân dã là “Hồ cá Hải học viện Nha Trang”.
Viện đã tồn tại như thế nào?
Sở dĩ, viện được xây dựng tại thành phố Nha Trang là do bờ biển nơi đây thuộc loại sâu nhất Việt Nam lại cách hải vận quốc tế không xa. Hơn nữa, vùng biển Nha Trang cũng thuộc vào loại đa dạng sinh học biển bậc nhất đất nước. Do nơi đây có khí hậu ôn đới và là nơi giao nhau giữa 2 dòng biển nóng lạnh. Dòng biển nóng từ xích đạo đi lên và dòng biển lạnh từ phía Bắc chảy xuống. Khi gặp nhau, chúng đã tạo nên môi trường sống rất ôn hòa và mát mẻ. Đây là môi trường vô cùng lý tưởng cho hầu hết các loại sinh vật biển.
Tính đến nay, viện Hải Dương Học đã lưu trữ hơn 4.000 loại sinh vật và trên 20.000 mẫu vật. Khi đến thăm nơi đây, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng một bảo tàng đồ sộ với đa dạng loài sinh vật biển.
Hướng dẫn di chuyển
Ngay tại thành phố Nha Trang, bạn có thể di chuyển đến viện Hải Dương Học bằng rất nhiều phương tiện. Trong đó, xe máy và xe bus là 2 phương tiện được mọi người ưa chuộng nhất. Bạn có thể vừa vi vu ngắm cảnh vừa tận hưởng khí trời trên hai con chiến mã này đấy.
Nếu đi bằng xe máy, từ quảng trường 2 tháng 4, bạn di chuyển về phía Đông Nam sẽ đến được viện. Viện Hải Dương Học nằm gần cảng và khu du lịch nổi tiếng VinWonders. Du khách có thể ghé đến và kết hợp tham quan cùng viện trong chuyến hành trình của mình.
Nếu bạn muốn thư giãn cũng như chợp mắt trong quãng đường đến viện, xe bus là một lựa chọn lý tưởng. Bạn chỉ cần đứng trong khu vực trung tâm thành phố và chọn tuyến xe bus số 4. Trạm dừng chân cuối cùng của bạn sẽ chính là viện Hải Dương Học.
Tham khảo giá vé và giờ mở cửa
Viện Hải Dương Học mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần từ 6:00 đến 18:00. Trong năm, viện sẽ đóng cửa vào 3 mùng Tết Nguyên Đán và một số ngày lễ theo quy định của Chính Phủ.
Những năm gần đây, giá vé vào viện không thay đổi quá nhiều. Mức giá tham quan sẽ không ở mức cố định mà tùy thuộc vào từng đối tượng sẽ có mức giá khác nhau.
- Người lớn: 40.000 VNĐ/ vé
- Sinh viên: 20.000 VNĐ/ vé
- Học sinh: 10.000 VNĐ/ vé
Với một mức giá không đáng là bao, du khách đã có thể khám phá thế giới của các loài sinh vật biển.
Trải nghiệm những điều kỳ thú tại Viện Hải Dương Học
Phải có lý do đặc biệt mới thực sự khiến viện Hải Dương Học trở nên nổi tiếng như vậy. Ngay khi đặt chân vào viện, du khách sẽ cảm nhận được ngay không gian lãng mạn của biển cả. Nơi đây còn mở mang cho bạn kiến về các loài sinh vật tại các khu trưng bày khác nhau. Vừa được ngắm nhìn “đại dương trên cạn” vừa được tiếp thu kiến thức mới. Đây quả là cuộc hành trình vô cùng lý thú.
Chiêm ngưỡng đại dương thu nhỏ
Bạn sẽ phải choáng ngợp với gần một trăm bể kính nhỏ và 5 bể kính lớn dọc đường đi. “Thủy cung thu nhỏ” là cái tên thân thương mà khách tham quan dành tặng cho nơi này. Đây còn là khu sinh sống của những loài sinh vật vô cùng hiếm, sống tận sâu dưới đáy biển. Với màu xanh chủ đạo của nước biển và các gam màu được thiết kế kế không chút lòe loẹt. Khung cảnh nơi thủy cung dường như thêm phần lung linh, sống động đến huyền ảo lạ thường.
Mỗi bước chân của bạn đều sẽ dẫn đường cho những chú cá đầy màu sắc quẩy đuôi theo sau. Hơn nữa, các thông tin về chúng sẽ hấp dẫn bạn đến mức không thể rời mắt đấy. Tại đây, bạn sẽ được ngắm nhìn những hoạt động thường ngày của các loài sinh vật. Cộng với đó, bạn cũng có thể quan sát rõ hơn về hình dáng cũng như tập tính sinh hoạt.
Những bộ xương hóa thạch lý thú
Viện Hải Dương Học nổi bật với khu mẫu vật lớn cùng 3 bộ xương hóa thạch khổng lồ. Chúng được trưng bày trong không gian rộng lên đến 200m2. Bộ xương lớn nhất là của loài cá Voi lưng gù dài 18m, nặng 10 tấn. Nó vốn bị chôn vùi dưới lòng đất ở đồng bằng sông Hồng hơn 200 năm, trước khi được phát hiện.
Ngoài ra, viện còn lưu giữ hai bộ xương nữa cũng lớn không kém. Đó là xương của cá Nạng Hải, nó dài 3,5m, rộng 5m và nặng gần 1 tấn. Và bộ xương của loài cá Bò Biển – được mệnh danh là nàng tiên cá ngoài đời thực. Chưa kể đến, nơi đây còn rất nhiều bộ mẫu vật hóa thạch khác như cá Tầm, Trai khổng lồ,… Trong đó, các mẫu vật không chỉ đến từ đại dương Việt Nam. Mà chúng còn đến từ vùng biển Campuchia, Thái Lan và các vùng nước lân cận.
Khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa
Không cần đi đâu xa, ngay trong khuôn viên của viện đã có một “Hoàng Sa – Trường Sa” phiên bản nhỏ. Do Hoàng Sa là quần đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa. Vì thế, việc để khu trưng bày tài nguyên Hoàng Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp tăng sự hiểu biết về biển đảo Việt Nam mà còn làm tăng lòng tự hào dân tộc.
Khám phá khu lưu trữ mẫu vật
Du khách sẽ vô cùng kinh ngạc khi được biết khu lưu trữ có hơn 4.000 loại sinh vật và trên 20.000 mẫu vật. Hàng nghìn mẫu vật trưng bày bao gồm: công trình nghiên cứu qua nhiều thập kỷ; thiết bị nghiên cứu qua các giai đoạn lịch sử ngành đánh bắt thủy hải sản Việt Nam. Những mẫu vật được cất giữ trong các lọ, hũ chứa đầy hoocmon bảo quản. Sau đó, chúng được sắp xếp ngay ngắn trên các kệ cao. Bước vào đây, du khách như thể lạc vào những bộ phim Mỹ có đề tài nghiên cứu thủy vật.
Bể nuôi ngoài trời
Viện Hải Dương Học sở hữu khu bể nuôi ngoài trời rộng 5.000m2. Được chia ra thành nhiều hồ nuôi khác nhau với hơn 300 loài sinh vật biển.
- Hồ sinh cảnh đáy mềm: đây là hồ tròn lớn lớn thứ nhất ngay từ khu bán vé đi vào. Hồ này nuôi cá đuối Bồng thân tròn và cá đuối Bồng thân bầu dục chấm xanh.
- Hồ rạn san hô: đây là hồ tròn lớn thứ hai, nó nằm đối diện hồ sinh cảnh đáy mềm. Những loài san hô sống và một số loài cá nhỏ được nuôi tại hồ này.
- Hồ sinh thái biển khơi: đây là một trong những hồ lớn nhất tại viện. Bạn có thể chiêm ngưỡng vô vàn động vật biển quý hiếm tại khu vực này. Trong hồ có cá mập vây trắng, cá mập vây đen, cá mú, cá nhám, cá mó đầu u,… Ngoài ra, nước hồ còn được tô điểm bằng những chú cá nhỏ đầy màu sắc, trông rất sinh động.
- Hò rùa và đồi mồi: hồ này nằm ngay cạnh hồ sinh thái biển khơi. Trong hồ có nuôi rùa xanh và đồi mồi, đúng như cái tên của nó. Trước đây, hộ có lưu giữ một cụ rùa da khổng lồ. Nhưng do tuổi đã cao, cụ rùa đã quy tiên và được viện mang đi làm tiêu bản.
Khu sinh thái rừng ngập mặn
Nếu bạn yêu thích loài bò sát, đây quả là địa điểm thích hợp để bạn ngắm nhìn chúng. Khu sinh thái rừng ngập mặn nuôi những con cá sấu hoa cà. Đây là loài bò sát lớn nhất, cũng như là loài săn mồi ven bờ lớn nhất còn sống trên thế giới. Nếu đi trúng vào giờ ăn, bạn sẽ bắt gặp được những “chú” cá sấu bò lạch bạch lên bãi cát tha mồi. Trông chúng vô cùng đáng yêu, khác hẳn với cái tên gọi “cá sấu”.
Bước chân vào thế giới biển cả
Bạn đừng bỏ lỡ trải nghiệm khám phá đại dương khi đến viện Hải Dương Học nhé. Đây là khu vô cùng đặc biệt và chỉ mở tham quan vào khoảng từ 9:00 đến 11:00 hằng ngày. Tại khu tham quan ngoài biển, bạn sẽ được đi thuyền ra khu vực sinh sống của các loài sinh vật. Du khách sẽ được quan sát hoạt động sinh hoạt của chúng qua lớp kính dưới thuyền. Mang tính thám hiểm hơn, bạn cũng có thể chi trả thêm một khoản phí để tham gia hoạt động lặn. Tất cả dưới lòng đại dương sẽ trông rất sinh động và chân thực đến từng chi tiết.
Giá trị văn hóa
Viện Hải Dương Học không chỉ là địa điểm có ý nghĩa to lớn đối với việc giữ gìn và bảo vệ các mẫu vật quý hiếm. Đây còn là bảo tàng truyền bá những thành quả của ngành hải dương học đã đạt được. Từ đó, giáo dục tầm quan trọng và nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường. Ngoài ra, điều không kém phần quan trọng đó là cách sử dụng tài nguyên biển hợp lý.
Viện Hải Dương Học là một trung tâm di sản văn hóa biển rất đáng quý và trân trọng. Nó cần được bảo vệ và phát triển cho những thế hệ sau tiếp nối. Nếu đến với Khánh Hòa và mang trong mình một tâm hồn yêu biển cả. Bạn hãy dừng chân ghé lại nơi đây một lần nhé!
Xem thêm: Phiêu du về miền cực lạc cùng ngôi chùa Long Sơn
Người viết: Ngọc Thảo