Lăng Khải Định – nét đẹp Đông Tây kết hợp
Lăng Khải Định ở Huế, được xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển của Việt Nam, có pha trộn với nhiều yếu tố hiện đại của Châu Âu. Kiến trúc này nương trên sườn núi Châu Chữ để tạo nên 127 bậc cấp với không gian thiết kế gồm 5 tầng.
- Top 10 Món Ăn Phải Thử Khi Du Lịch Huế
- Lịch trình du lịch Cố Đô Huế 2 Ngày 1 Đêm
- Lịch trình khám phá Thừa Thiên Huế 2 ngày 1 đêm
- Lịch trình khám phá tham quan Huế 3 ngày 2 đêm
- Lịch Trình Khám Phá Huế 3 Ngày 2 Đêm
Lăng Khải Định ở đâu?
Lăng Khải Định còn được gọi là Ứng Lăng. Đây là nơi yên nghỉ của vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Lăng tọa lạc trên núi Châu Chữ, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km.
Ở vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ” (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải); có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ” gọi là “minh đường”.
Núi Châu Chữ vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng được nhà vua đổi tên thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi là Ứng Lăng.
Vài nét về vua Khải Định
Tên thật của vua Khải Định là Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Ông là con trai trưởng của vua Đồng Khánh. Khải Định là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, lên ngôi vua vào năm 1916 ở tuổi 31. Ông đặc biệt đam mê với việc xây dựng dinh thự, lăng tẩm, cung điện cho bản thân và hoàng tộc.
Sau khi lên ngôi, ông đã cho xây dựng và hoàn thiện nhiều cung điện, công trình trong Hoàng thành Huế. Năm 35 tuổi ông đã chọn núi Châu Chữ và cho xây dựng Ứng Lăng làm nơi yên nghỉ cuối cùng của mình.
Quá trình xây dựng lăng có gì đặc biệt?
Lăng Khải Định ở Huế được khởi công xây dựng từ 4/9/1920, kéo dài trong 11 năm. Tuy lăng có diện tích nhỏ so với các lăng tẩm khác của các vua Nguyễn (diện tích lăng Khải Định là 117m × 48,5m). Nhưng đây là lăng tiêu tốn nhiều thời gian lẫn công sức, tiền bạc nhất.
Đến mức vua Khải Định đã xin chính quyền bảo hộ Pháp tăng thuế 30% trong quá trình xây dựng lăng. Người dân lúc bấy giờ đã lên án ông gay gắt.
Kiến trúc lăng Khải Định
Lăng Khải Định Huế lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Lăng là công trình minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Việt Nam với các nước phương Tây.
Lăng vua Khải Định có 127 bậc thang. Qua 37 bậc đầu tiên là cổng Tam Quan sẽ là thách thức với du khách; đặc biệt trong những ngày nắng nóng xứ Huế. Leo lên 127 bậc thang nãy, hẳn bạn mệt bở hơi tai. Vì thế, nếu chọn đi lăng Khải Định, hãy cố gắng đi thật sớm.
Bạn sau đó sẽ đến là Nghi Môn và sân Bái Đính; trên cao là hai tầng sân, mỗi tầng cách nhau 13 bậc. Cung Thiên Định nằm ở vị trí cao nhất.
Cổng Tam Quan
Cổng Tam Quan của lăng Khải Định được xây dựng đồ sộ với những chi tiết chạm khắc tỉ mỉ. Bạn sẽ gặp hình tượng lưỡng long chầu thái cực – biểu tượng quen thuộc trong các công trình xưa. Ngoài ra, cổng Tam Quan của lăng cũng được xây trên địa thế cao là một thách thức không nhỏ với người thợ lúc bấy giờ.
Cổng Tam Quan nằm ở tầng thứ nhất của lăng, gồm 2 công trình chính là Tả Tòng Tư và Hữu Tòng Tự.
Nghi Môn và sân Bái Đính
Từ cổng tam quan, đi tiếp thêm 29 bậc cấp, bạn sẽ gặp Nghi Môn và sân Bái Đính. Tại đây có 2 hàng tượng, tượng trưng cho quan văn và quan võ.
Tượng quan Văn trong Bái Đính được xếp trước tượng quan võ. Do thời điểm đó quan văn được trọng dụng hơn (bối cảnh lúc đó Việt Nam đang bị Pháp đô hộ). Toàn bộ các bức tượng quan chầu, voi, ngựa, sân chầu đều làm từ chất liệu đá hiếm với tỉ lệ 1:1 đúng như người thật. Và nhờ đó, bạn cũng có thể hình dung được chiều cao, cân nặng của người Việt giai đoạn đó như thế nào.
Cung điện Thiên Định – Nơi cao nhất của lăng Khải Định
Cung Thiên Định ở tầng thứ 5 – vị trí cao nhất của lăng và đây chính là kiến trúc chính của lăng. Cung Thiên Định được cho là nơi chôn cất thi hài của vua Khải Định.
Cung Thiên Định kết hợp phong cách truyền thống và hiện đại lúc bấy giờ, với nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh tế.
Cung có 5 phần liền nhau gồm có: hai bên là Tả, Hữu Trực phòng, điện Khải Thành, và ở chính giữa là Bửu Tán, pho tượng nhà vua với phần mộ nằm bên dưới.
Những bức phù điêu ghép từ sành và thủy tinh tinh xảo, khéo léo sẽ khiến bạn muốn sờ tay vào từng tác phẩm, nhưng xin nhớ: đừng sờ vào hiện vật. Tất cả các nghệ nhân giỏi nhất lúc bấy giờ đã dùng cả trăm ngàn mẩu thủy tinh, sành sứ nhiều màu, nhiều sắc “kết” thành các bức tranh sống động. Người xem từ ngỡ ngàng đến mong muốn chụp lại tất cả các bức tranh ngũ phúc, bát bửu, mâm ngũ quả, bộ khay trà,… trong điện Thiên Định.
Nét đặc sắc của lăng vua Khải Định là phía trên trần có bức tranh rất đẹp. Nổi tiếng nhất là “Cửu long ẩn vân” – 9 con rồng ẩn trong mây. Bức tranh này tương truyền được một nghệ nhân Phan Văn Tánh (có tài liệu ghi quê ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) dùng chân vẽ. Bạn cũng có thể chiêm ngưỡng một tác phẩm tương tự ở đền Đức Thánh Trần trên đường Phan Chu Trinh (đoạn gần Cầu Kho Rèn).
Chiếc Bửu Tán nằm ở chính giữa Cung Thiên Định, với những đường cong uốn lượn mềm mại khiến ai cũng phải trầm trồ. Nhưng sẽ ồ lên sửng sốt khi biết Bửu Tán này nặng cả tấn.
Điện Khải Thành
Điện Khải Thành là nơi đặt án thờ của vua Khải Định. Nguyên liệu chủ yếu được làm từ đồng và do các nghệ nhân Việt Nam đúc. Phía trên đặt bức hoành ghi dòng chữ “Khải Thành Điện”, dưới bệ thờ này chính là thi hài của vua Khải Định
Pho tượng đồng được đặt trong chính tấm với những đường nét uyển chuyển, thanh thoát khiến người xem nhầm tưởng được làm từ chất liệu mềm mại. Mọi sự cứng nhắc, rắn chắc của bê tông cốt thép đã được khéo léo che giấu đi.
Tượng đồng vua Khải Định
Tượng Đồng vua Khải Định là tác phẩm mang đậm dấu ấn pha trộn giữa hai nền nghệ thuật Á – Âu. Tượng được làm vào năm 1918 do người Pháp điêu khắc, sau đó tổ chức đúc đồng tại Việt Nam với nguyên liệu đồng thau chắc chắn.
Bức tượng cao 1m60 khắc họa lại rõ nét phiên bản của vua Khải Định ngoài đời thực. Tổng thể bức tượng này toát lên sự oai phong, quyền quý. Đầu tượng đội mũ kiểu khăn xếp; khoác hoàng bào; ngực đeo thẻ bài khắc dòng chữ “Đại nam thiên tử” và “Thụ thiên vĩnh mạng”. Tay trái tượng cầm kiếm; tay phải thả tự nhiên; ba ngón tay đeo nhẫn mặt hoa; chân mang giày da. Tuy tượng khoác áo tây nhưng họa tiết lại thêu hình rồng; mây và sóng; thể hiện sự pha trộn giữa phong cách nghệ thuật châu Á và châu Âu rõ nét.
Những điều lưu ý khi đến thăm lăng Khải Định
- Bạn cần lưu ý độ dốc của các bậc tam cấp. Nó được xây khá dốc nên khi di chuyển dễ bị mệt và dễ té; cần để ý để đảm bảo an toàn.
- Lăng Khải Định Huế được nhận định là một trong những điểm check-in sống ảo đẹp ở Huế, có nhiều góc ảnh đẹp. Bạn nên tham khảo các góc ảnh đẹp trước khi đến lăng để có được những khung hình đẹp nhất
- Lưu ý điều chỉnh độ sáng của máy ảnh khi chụp hình bên trong Điện Khải Thành vì ở đó rất tối.
Cũng đừng quên, khi đứng trên tầng cao nhất của lăng Khải Định. Bạn hãy nhìn về phía trước để chứng kiến một khoảng xanh rất đẹp. Từ đây bạn cũng sẽ thấy một bức tượng Quan Âm, đang được nhiều người địa phương thường xuyên đến đây cầu xin những điều may mắn.
Xem thêm: Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế: nơi xa lánh muộn phiền