Viếng Diệu Đế xem tranh rồng ẩn trong mây
Chùa Diệu Đế đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo ở Huế. Hiện tại, nơi đây đang lưu giữ bức tranh 9 con rồng ẩn hiện trong mây lớn nhất Việt Nam cùng kiến trúc độc đáo, thu hút rất đông khách du lịch mỗi năm. Mời các bạn cùng Hành trình du lịch về thăm ngôi chùa cổ kính này.
Vị trí chùa Diệu Đế
Chùa Diệu Đế nằm ngay gần cầu Gia Hội, cạnh dòng sông Hộ Thành (hay còn gọi là sông Gia Hội, sông Đông Ba). Chùa ở số 100B, đường Bạch Đằng, phường Phú Cát, thành phố Huế. Chùa Diệu Đế có một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển Phật Giáo ở Huế. Chùa nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi nên đã có cảnh quan rất đẹp với vườn tựa rộng rãi, cây cối xanh tươi.
Lịch sử hình thành và phát triển của chùa Diệu Đế
Lịch sử hình thành
Năm 1844, vua Thiệu Trị đã cho xây dựng một ngôi chùa trên nền đất cũ nơi mình được sinh ra. Với mong muốn “Vua quan ngày ngày chiêm ngưỡng, càng tăng thêm màu sắc tươi thắm của chốn phồn hoa; xe qua thuyền ghe tấp nập, chen nhau như gấm dệt.” Mục đích là thức tỉnh những tâm hồn bị hiếu lợi mê hoặc, vẫn lấy điều thiện làm căn bản.
Vua Thiệu Trị đã cho xây dựng một ngôi chùa trên nền đất cũ nơi mình được sinh ra _ Ảnh sưu tầm.
Ngôi chùa này được vua đặt tên là Diệu Đế vì: “đó là nơi hun đúc và thể hiện nét văn hóa vô cùng tuyệt diệu, tận nguồn cội thâm uyên đều được hiển bày qua chân như mật đế.” Nhà vua đã điều động 600 binh lính xây dựng chùa với quy mô đồ sộ, rộng rãi và lấy sông đào Đông Ba làm minh đường.
Những giai đoạn lịch sử
Giai đoạn bảo vệ Tổ Quốc
Chùa trải qua nhiều biến động lịch sử. Năm 1885, cung điện bị Pháp chiếm đóng, chính phủ Nam Triều phải trú ngụ và làm việc ở đây. Chùa bị trưng dụng cho nhiều mục đích: Điện Trí Tuệ Tịnh Xá làm phủ đường Thừa Thiên. Điện Tường Từ Thất làm thành ngân khố và sở đúc tiền. Và thêm một tăng xá biến thành nhà lao. Cả một tăng xá khác thành đài quan trọng…
Chùa từng bị trưng dụng cho nhiều mục đích _ Ảnh sưu tầm.
Giai đoạn xây dựng sau này
Sang năm 1887, chùa còn lại Đại Giác điện, Chung lâu, Đạo Nguyên các, Cổ lâu, Trung đình và Tam Quan. Năm 1889. Vua Thành Thái giao cho Hòa thượng Thanh Minh – Tâm Truyền trùng tu chùa Diệu Đế.
Năm 1904, một cơn bão lớn đã làm sụp đổ một số điện thờ. Đến năm 1910, chùa chỉ còn hại cổ lâu và chung lâu. Đến năm 1953, Hòa thượng Diệu Hoằng đã trùng tu lại chùa dưới sự giúp sức của bà Từ Cung và các Phật tử. Chùa Diệu Đế khi ấy có quy mô được thu gọn như ngày nay.
Khám phá kiến trúc độc đáo bên trong chùa Diệu Đế
Ngày nay, sau khi được phục hồi, chùa Diệu Đế vẫn giữ được nét cổ kính, những công trình kiến trúc độc đáo vẫn còn được giữ lại. Khuôn viên chùa rộng rãi, chùa nằm gọn giữa bốn đường: phía trước là đường Bạch Đằng, phía sau là đường Tô Hiến Thành, bên trái là con đường mang tên chùa Diệu Đế và bên phải là đường Chùa Ông. Và chùa còn có một bến thuyền trước cổng Tam Quan.
Chùa Diệu Đế vẫn giữ được nét cổ kính _ Ảnh sưu tầm.
Cổng Tam Quan và khuôn viên chùa
Ban đầu vào thời vua Thiệu Trị, chùa Diệu Đế có kiến trúc đặc biệt: một vòng thành lớn bao quanh chùa, có 4 cửa tượng trưng cho Tứ đế được bố trí đối xứng. Kiến trúc này của chùa Diệu Đế có nét khác biệt so với đa số ngôi chùa ở Huế.
Tam Quan chùa _ Ảnh sưu tầm.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố thì chùa Diệu Đế ngày nay đã có những thay đổi. Khoảng sân của chùa rất rộng rãi, quanh năm rợp bóng cây, mang lại không khí trong lành, mát mẻ, thanh tịnh, khác hẳn với thế giới bên ngoài.
Khoảng sân của chùa rất rộng rãi, quanh năm rợp bóng cây _ Ảnh sưu tầm.
Từ cổng Tam Quan đi vào sẽ thấy bi đình và chung đình ở hai bên sân. Tiếp đó là Đạo Nguyên các ở giữa, hai bên là phòng Trí Tuệ và nhà Cát Tường. Dần vào trong là lầu chuông, lầu bia hình lục giác 2 tầng mái, lợp ngói ống âm dương có chuông và tấm bia đá được dựng vào tháng 6, năm Thiệu Trị thứ sáu (1846).
Chùa có không khí trong lành, mát mẻ, thanh tịnh _ Ảnh sưu tầm.
Bia đá
Chùa Diệu Đế với văn bia chủ yếu được vua Thiệu Trị ngự đề vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), được khắc trên tấm bia đá cao 1,90m, rộng 1,07m, đặt trên bệ cao 0,65m, để trong nhà bia phía phải sân chùa. Ngoài phần đề tựa, nói về lý do dựng chùa, tạo tượng, khuyến giáo thì đi kèm còn có 7 bài thơ ngự chế đề chùa Diệu Đế với thể loại thất ngôn bát cú rất hay và độc đáo của vua Thiệu Trị.
Bia đá _ Ảnh sưu tầm.
Gác Đạo Nguyên
Qua khỏi thành ngăn là gác Đạo Nguyên gồm một tòa nhà ba gian, hai tầng ở chính giữa. Ở tầng trên và chính giữa gác là bàn thờ Phật Thích Ca. Ở bên trái và bên phải gác là hai bàn thờ A Nan và Ca Diếp. Ở tầng trệt gác là bàn thờ của các vị Kim Cang. Phía sau gác là nhà Hộ pháp, hai bên có lầu chuông trống. Đi qua bức tường có 3 cửa vào sẽ là điện Đại Giác ở giữa, bên cạnh sẽ là tăng giá, nhà trù.
Chuông chùa quen thuộc _ Ảnh sưu tầm.
Điện Đại Giác đồ sộ
Trung tâm chùa là điện Đại Giác đồ sộ, nguy nga gồm ba gian, hai chái. Điện Đại Giác được cải biến với mặt tiền đường phía trước, bên trái là chung lâu, bên phải là cổ lâu. Trên các nóc nhà có bày lưỡng long triều nguyệt, nét kiến trúc này ảnh hưởng từ chùa Hội quán Từ Đàm.
Trần chính điện có bức tranh “ Long Vân Khế Hội” xưa và lớn nhất Việt Nam _ Ảnh sưu tầm.
Gian giữa
Gian giữa có án trên thờ tượng Phật Tam Thế. Án dưới gian thờ thần vị của vua, được sơn son thếp vàng và chạm khắc rất đẹp. Trần chính điện có bức tranh “ Long Vân Khế Hội” xưa và lớn nhất Việt Nam.
Chùa mang nét kiến trúc rất đặc biệt _ Ảnh sưu tầm
Chính điện có 4 cột đúc giả gỗ sơn vẽ hình long ẩn vân, trần đúc vẽ rồng 5 móng bay lượn trong mây, nét vẽ điêu luyện, tinh xảo.
Gồm nhiều họa tiết tỉ mỉ, tinh tế _ Ảnh sưu tầm.
Hai gian bên
Hai gian tả hữu thờ Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát. Bên vách gian là những pho tượng của các vị A la hán. Tiền đường kéo dài, ở hai đầu là hai phòng nhỏ vẫn giữ tên Trí Tuệ tinh xá và Cát Tường từ thất. Phía trước có hai Lôi gia hướng mặt ra Tam quan, tôn trí Bát Bộ Kim Cang vốn được thờ ở Đạo Nguyên gác cùng 18 vị La Hán ở Đại Giác điện cũ.
Bát bộ kim cang _ Ảnh sưu tầm.
Sự kỳ bí của bộ tượng 18 vị La Hán
Sự kỳ bí của bộ tượng 18 vị La Hán thờ không đúng chỗ cũng là một ẩn số. Bên cạnh là nét vẽ điêu luyện của bức họa Cửu long ẩn vân mà nhiều người nhầm tưởng là nét vẽ của Nghệ nhân Phan Văn Tánh. Bởi còn có tác phẩm cùng tên ở cung Thiên Định lăng Khải Định cùng những pháp khí, khí tự có giá trị khác được chùa lưu giữ đã làm tốn bao giấy mực cũng như công sức của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa. Hình tướng bát bộ kim cang ở hai Lôi gia có thể làm cho du khách cảm thấy tò mò.
Hình tướng bát bộ kim cang ở hai Lôi gia có thể làm cho du khách cảm thấy tò mò _ Ảnh sưu tầm.
Tham gia lễ hội tại chùa
Truyền thống rước Phật nhân mùa Phật đản đã có từ năm 1935 đến ngày nay. Hằng năm vào ngày Đại lễ Phật đản, lễ tắm Phật được tổ chức trọng thể tại chùa Diệu Đế. Sau đó, hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử đi bộ rước Phật lên chùa Từ Đàm để tổ chức Đại lễ theo nghi thức truyền thống.
Xem thêm: Chùa Từ Đàm
Hằng năm vào ngày Đại lễ Phật đản, lễ tắm Phật được tổ chức trọng thể tại chùa Diệu Đế _ Ảnh sưu tầm.
Với lộ trình ước chừng 4km, hàng vạn tăng ni, Phật tử, người dân và du khách tại Huế tham dự đi bộ. Trên tay đoàn cầm cờ phướn, lồng đèn, hoa tươi tạo thành một đoàn rước dài vô tận. Trên lộ trình rước Phật, nhiều chùa và tư gia đã dựng lễ đài, xông trầm hương. Và thỉnh chuông trống Bát Nhã để cung nghênh và cúng dường Đức Phật.
Sự tĩnh lặng của chùa về đêm _ Ảnh sưu tầm.
Đặc biệt, đi đầu đoàn rước Phật là những chiếc xe kết đèn hoa lung linh, rực rỡ diễn tả các điển tích của Phật đản, gia đình Phật, Phật hiển linh… diễu hành qua các con đường tại TP Huế để người dân cùng chiêm bái.
Những địa điểm du lịch gần chùa Diệu Đế
Theo kinh nghiệm du lịch Huế, thì ngoài việc đi vãn cảnh, dâng hương ở chùa Diệu Đế thì du khách có thể khám phá một số điểm đến gần chùa. Các địa điểm đó đều rất nổi tiếng và mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị.
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ còn có tên gọi khác là Linh Mụ. Nơi đây được mệnh danh là Đệ Nhất Cổ Tự ở xứ Huế với nhiều nét văn hóa kiến trúc độc đáo. Chính điện của chùa hướng ra dòng sông Hương thơ mộng. Bởi vậy, chùa Thiên Mụ không chỉ là điểm đến tâm linh thiêng liêng mà còn là thắng cảnh đẹp ở Cố đô.
Chùa Thiên Mụ _ Ảnh sưu tầm
Xem thêm: Chùa Thiên Mụ – Vì sao các cặp đôi ngại đến?
Đại nội Huế
Đại nội Huế nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Đây là nơi sinh hoạt của vua chúa nhà Nguyễn. Là công trình có quy mô đồ sộ nhất lịch sử Việt Nam.
Đây là công trình có quy mô đồ sộ _ Ảnh sưu tầm
Ngày nay, tuy tổ đình Từ Đàm đã là trung tâm của Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng chùa Diệu Đế như chiếc cầu nối của quá khứ và hiện tại mà những người con Phật khó có thể quên.
Người viết: Trường An