Blog

Bún tươi Vân Cù – làng bún hơn 500 năm

Kể về bún ở Huế, chắc là kể mỏi miệng, bún bò, bún hến, bún nghệ, bún giấm nuốc, bún chả cá, bún chay… Mà làm nên vị ngon những tô bún ấy, không thể không kể tên làng bún Vân Cù. Đây là làng nghề làm bún truyền thống nổi danh nhất nhì xứ Huế.

  1. Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
  2. Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  3. Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
  4. Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
  5. Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm

Làng bún Vân Cù ở đâu? 

Làng Vân Cù thoang thoảng hương gạo ven sông Bồ_Ảnh sưu tầm

Làng Vân Cù nằm ven con sông Bồ, nay thuộc xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng nằm cách kinh thành Huế khoảng 10km về phía Tây Bắc. 

Lịch sử làng bún Vân Cù

Làng nghề làm bún là truyền thống lâu đời luôn được người dân Vân Cù giữ lửa_Ảnh Huy Sơn

Trải qua hơn 500 năm, làng bún Vân Cù vẫn giữ được hương vị bún riêng vốn có của mình. Những sợi bún nhỏ, trắng trong, đều tăm tắp, ăn vừa dẻo vừa dai mà không bị chua, bị nát. Bún vẫn còn phảng phất hương thơm của hạt gạo khiến người ăn nhớ mãi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm tăng vị ngon của tô bún Huế… Làng bún Vân Cù đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2014.

Theo sách “Ô Châu cận lục” của cụ Dương Văn An, ban đầu làng có tên là Đào Cù thuộc huyện Đan Điền, chuyên nghề nung gạch. Sau này, làng bỏ nghề gạch theo nghề bún nên có thêm tên tục là làng Bún.

Truyền thuyết làng Bún

Đến Vân Cù ta dễ thấy đình làng rực rỡ bên hồ_Ảnh sưu tầm

Cô Bún xinhh đẹp, giỏi giang

Thuở xưa, có đoàn người từ Đàng Ngoài theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp tại làng Cổ Tháp. Làng thuộc huyện Hương Điền (nay tách thành thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền và huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Trong số đó có một cô gái xinh đẹp và giỏi giang nên được mọi người yêu mến. Trong khi dân làng sinh sống bằng nghề nông, cô gái thì chọn cách làm bún từ những hạt gạo xứ này. Vì làm bún rất ngon nên cô được mọi người gọi thân thương là cô Bún. Bởi vậy mà có kẻ ghen ghét, nhân lúc mất ba mùa lúa liên tiếp đã rêu rao rằng thần linh quở phạt dân làng vì cô Bún dám lấy hạt ngọc của trời để ngâm, để chà, để xát. Vì thế, mọi người đùng đùng nổi giận và buộc cô Bún phải bỏ nghề hoặc phải rời khỏi làng. Cô chọn cách rời làng để giữ nghề.

Tại làng còn xây dựng miếu Bà Bún_Ảnh sưu tầm

Cô Bún giữ nghề

Là người hiền hậu nên dân làng ban ân cho cô được chọn hướng đi. Đồng thời, cử thêm năm chàng trai khỏe mạnh khiêng giúp cối đá. Đoàn người cứ đi mãi về phía Đông. Đến khi chàng trai thứ năm quỵ xuống vì cõng cối đá nặng trên lưng, cô Bún nghĩ là do duyên trời sắp đặt. Nhìn xung quanh cây cỏ tốt tươi, lại còn có dòng sông mát rượi trong lành. Nên cô Bún quyết định chọn đây là nơi lập nghiệp. Từ đó, cô giữ nghề, ngày qua ngày cô bày cho dân làng nơi đây cách làm bún. Nghề làm bún ở Vân Cù cũng được hình thành từ đó.

Các công đoạn làm bún Vân Cù

Nghề làm bún là một nghề công phu và đòi hỏi quá trình làm rất vất vả. Làm bún cần có cối có chày để giã gạo, có khuôn để vặn bún, có lò lửa để luộc bún, có thúng để đựng bún…

Quá trình chọn nguyên liệu

Để làm được sợi bún ngon, gạo được người dân Vân Cù chọn phải là gạo Khang dân. Là loại gạo dùng để nấu cơm khô, nổi tiếng ăn không ngán, người Huế hay gọi là gạo ruộng. Gạo được vo sạch lớp cám bên ngoài từ 4-5 lần. Sau đó ngâm thêm 2 ngày thì hạt gạo khô ban đầu trở thành dẻo và no nước. Bí quyết đặc biệt là sau khi ngâm xong thì bỏ vào một ít muối hạt. Để bún bớt bị chua trong quá trình làm mà lại có vị mặn giúp bún ăn ngon, đậm đà.

Từ gạo loại 3 nhưng lại làm ra bún loại 1_Ảnh sưu tầm

Quá trình làm bún

Sau đó, cho gạo vào cối giã, gạn lọc thành bột khô. Tiếp tục nấu chín bột, người làm bún phải đánh bột nhuyễn thành hồ, rồi bỏ vào khuôn vặn. Sợi bột sau khi đi qua lỗ khuôn được nhúng ngay vào nồi nước đang sôi. Sợi bún từ đó được thành hình. Bước cuối cùng là làm nguội nhanh sợi bún bằng nước lạnh.

Người làm bún cho bột đã đánh nhuyễn vào khuôn để vặn thành sợi_Ảnh sưu tầm

Để bún không quá bở mà cũng không quá dai, người làm bún phải pha thêm bột lọc. Tỷ lệ bột cho vào bún không có công thức cụ thể, mà theo kinh nghiệm của người làm nghề.

Người dân làng Vân Cù xem những sợi bún như là những đứa con của mình vậy_Ảnh sưu tầm

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Người dân làng Vân Cù đã áp dụng máy móc, thiết bị kỹ thuật vào quy trình sản xuất bún. Thiết bị vừa cho năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa giảm sức lao động cho người dân làng Vân Cù. Tuy nhiên, để đảm bảo độ thơm ngon đặc trưng của sợi bún, nhiều công đoạn thủ công vẫn được người dân Vân Cù duy trì.

Sợi bún làng Vân Cù vừa to lại vừa “trong trắng”

Bún Vân Cù xưa có 3 loại là bún con, bún lá và bún mớ. Hiện nay chỉ còn bún con là những lọn bún quấn lại với nhau, dài già gang tay, rất tiện lợi cho việc ăn uống đơn giản. Và bún mớ còn gọi là bún “ngảo” hay bún kí lô, loại này được người Huế sử dụng đại trà hơn.

Danh tiếng bún Vân Cù

Bún Vân Cù ngày càng được người dân Huế, các đầu mối thu mua đưa đi giao khắp các chợ, quán ăn, nhà hàng trong tỉnh. Nó góp phần tạo nên thương hiệu cho món “bún bò Huế” nức tiếng gần xa.

Tô bún bò thơm ngon từ những sợi bún làng Vân Cù_Ảnh sưu tầm

Điều đặc biệt mà thực khách rất ưa thích bún Vân Cù là bún làm ra luôn có hương vị thơm ngon và được tiêu thụ trong ngày. Mỗi ngày, các lò bún ở làng bún Vân Cù cung cấp ra thị trường hơn 22 tấn bún các loại. Hộ nào ít có thể sản xuất 1-2 tạ, hộ làm nhiều là 3-4 tạ/ngày.

Sự cần cù, chịu thương chịu khó của bao thế hệ người làng Vân Cù, cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp cho kho tàng ẩm thực độc đáo xứ Huế.

Bún làng Vân Cù luôn được tiêu thụ trong ngày_Ảnh sưu tầm

Về làng bún Vân Cù, vừa bước chân đến cổng làng đã nghe thoang thoảng mùi thơm của gạo cùng tiếng máy xay rộn ràng… Ngại gì mà không cùng Hành trình du lịch thưởng thức món ăn đặc sản nổi danh xứ Huế này?

 

Người viết: Trang Yết 

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on