Blog

Lăng Hiệp Hoà – câu chuyện về vị vua tại vị 120 ngày

Nếu như lăng Minh Mạng mang nhiều bí mật, lăng Gia Long quy mô rộng lớn. Hay lăng Đồng Khánh mang vẻ đẹp Á – Âu, thì Lăng Hiệp Hòa – lăng vị vua thứ 6 của triều Nguyễn lại nằm lặng lẽ giữa một tán rừng thông. Bởi một lý do ít ai biết tới.

Trong lịch sử, Hiệp Hòa có thể ít được người đời nhắc đến so với các vị vua triều Nguyễn khác. Nhưng sự hiện diện đó cũng đã đánh dấu một giai đoạn quá khứ đầy biến động của đất nước.

  1. Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
  2. Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  3. Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
  4. Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
  5. Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm

Vị trí của lăng Hiệp Hoà

Lăng vua Hiệp Hòa cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km theo hướng Tây Nam. Lăng tọa lạc tại khu vực đồi thông núi Tam Thai, thuộc phường An Tây, thành phố Huế. Lăng chỉ là một ngôi mộ nhỏ như bao ngôi mộ của người dân khác, nằm lạc lõng giữa tán rừng thông.

Án thờ vua Hiệp Hòa và các tiên đế tại Phủ Văn Lãng Quận Vương_Ảnh sưu tầm

Câu chuyện vị vua xấu số

         Bị ép lên ngôi vua

Năm 1883, vua Tự Đức băng hà mà không có con nối dõi. Theo di chiếu, vua Dục Đức lên nối ngôi. Nhưng chỉ 3 ngày, thậm chí chưa kịp đặt niên hiệu, thì ông đã bị phế vị. Đồng thời, hai Phụ chính trên đề nghị đưa Lãng Quốc công – Nguyễn Phúc Hồng Dật, con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị lên làm vua.

Chuyện kể rằng, khi đình thần ra đó rước, dù năn nỉ mấy, Hồng Dật cũng không đi. Nên cuối cùng phải dùng đến vũ lực mới đưa được ông vào Tử Cấm thành. Hai hôm sau, Hồng Dật lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.

Chân dung vua Hiệp Hoà_Ảnh Wikipedia

         Bị phế truất và qua đời

Bấy giờ, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thâu tóm mọi quyền hành. Vua liền viết một bức thư, nhờ tay Pháp hạ hai quan phụ chính trên. Việc lén lút này bị bại lộ. Hai quyền thần trên kể tội vua Hiệp Hòa và ép các đại thần ký vào sớ đòi phế truất vua. Sau đó Hiệp Hoà đành chọn chén thuốc độc vì nhiều tội trong đó kể đến việc bán nước. Vì là phế đế nên vua Hiệp Hòa không được thờ trong Thế Miếu.

Kiến trúc quen thuộc của lăng mộ thời Nguyễn

Sau hơn 130 năm bị lãng quên, ngôi mộ đơn sơ của vua Hiệp Hòa đã được những người dân gốc Huế vận động quyên góp để trùng tu lại.

Khu lăng mộ đã được trùng tu lại theo kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Với đầy đủ các hạng mục, gồm: tẩm lăng, bi đình, sân bi đình, đường trung đạo, trụ biểu, bình phong, hiển long và ẩn long… đúng tiêu chuẩn của một khu lăng mộ của một bậc hoàng đế. Và sau này được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Lăng Vua Hiệp Hòa được đón nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh_Ảnh Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế

Đường vào Lăng

Trước cổng vào lăng là một bức bình phong, được trang trí bằng mẻ sành, mẻ sứ. Dù vẫn còn nhiều thắc mắc, trong khi các vị vua khác đều khắc chữ “thọ”, thì lăng Hiệp Hoà lại được khắc chữ “hỷ”. Cũng có người cho rằng, chữ “hỷ” như để an ủi vị vua xấu số này, để biết rằng con cháu vẫn luôn cúng viếng.

Trước lăng vua có bức bình phong lại khắc chữ hỷ khiến nhiều người thắc mắc_Ảnh sưu tầm

Đường lên khu lăng mộ là những bậc cấp làm bằng đá chắc chắn. Ấn tượng lớn nhất ở khu lăng Hiệp Hòa có lẽ là cặp trụ biểu. Nó được chạm khắc theo hình thức nghệ thuật khảm sành sứ, cao khoảng hơn 10m. Đây là ranh giới bước vào khu lăng mộ.

Hai trụ biểu phía trước lăng vua Hiệp Hoà_Ảnh tinhhoaxuhue

Khi bước vào cổng

Sau khi qua cổng, trước mắt bạn sẽ là một lưu hương lớn, làm bằng đá thạch anh. Lưu hương được chạm khắc hai đầu rồng hai bên và mặt rồng trên thân. Tại đây, các bạn có thể thắp nén hương để tưởng nhớ vị vua này. Phía sau là Bi đình, ở phía trên có ngói hoàng lưu ly với kiểu chạm khắc thời Nguyễn.

Nhà bia phía sau Bi đình_Ảnh sưu tầm

Sau nhà bia là cổng Bửu thành (mộ vua), gồm hai tầng. Cổng được khảm bằng thủy tinh màu ở trên, khảm sành sứ phía dưới nhìn nhất đặc sắc. Trên cổng có khắc hai câu thơ viết bằng chữ Hán. Câu bên phải là của vua Hiệp Hòa tự đánh giá về mình, câu bên trái là của Viện Cơ Mật viết về nhà vua.

Cổng vào mộ vua_Ảnh sưu tầm.

Nổi bật trước cổng Bửu thành là cặp Hiển Long mang nét uy nghi, như để bảo vệ, canh giữ thi hài nhà vua.

Cặp Hiển Long trước lăng vua Hiệp Hòa được chạm khắc bằng đá cẩm thạch_Ảnh tinhhoaxuhue

Tiếp đến là Bửu thành của lăng Hiệp Hoà, chỉ có một vòng duy nhất. Trước mộ vua là bức bình phong ghi chữ “thọ”, đặc biệt là hai con rồng hai bên được khảm bằng sành sứ.

Bình phong phía sau cổng vào mộ_Ảnh redsvn.net

Mộ vua Hiệp Hoà

Được xây 4 tầng hình chữ nhật nhỏ dần từ dưới lên. Trên mộ có lưu hương nhỏ, bạn có thể thắp thêm một nén hương tri ân vị vua này.

Mộ phần vua Hiệp Hòa nằm sau bình phong_Ảnh sưu tầm

Phía sau mộ vua là một bức bình phong hậu được trang trí đơn giản nhưng không kém phần sang trọng. Điều này phản ánh tính cách ham học hỏi, phóng khoáng, nhân hậu của Hiệp Hoà.

Bức bình phong hậu kết thúc khu lăng mộ vua Hiệp Hoà_Ảnh sưu tầm

Lăng vua Hiệp Hòa đâu đó vẫn phảng phất một vẻ trầm lắng của một người từng ngồi trên ngai vàng. Nhưng lại  lặng lẽ ở một đồi thông đầy cô quạnh. Có lẽ lăng Hiệp Hoà chính là một trong những lăng mộ nhỏ nhất của các vị vua triều Nguyễn.

Những lưu ý khi đến thăm lăng Hiệp Hoà

  • Đến những nơi linh thiêng bạn nhớ mang quần áo lịch sự, phù hợp.
  • Đi nhẹ nói khẽ và không làm ồn trong lăng.
  • Tuyệt đối không vứt rác bừa bãi làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích. 

Nếu xót xa cho số phận vị vua này, bạn có thể đến lăng Hiệp Hoà thắp một nén hương. Tìm hiểu thêm về lịch sử là một điều rất thú vị. Hành trình du lịch chúc bạn có một chuyến đi đầy ý nghĩa và phần nào đó thêm cảm thương cho một vị vua xấu số.

Xem thêm: Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn – tấm lòng của người dân Hà Tĩnh

Người viết: Trường An

 

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on