Blog

Chùa Giác Lương – nơi lưu giữ nhiều sắc phong và tài liệu cổ

Chùa Huế không chỉ là nơi mang nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn là địa điểm du lịch chứa đựng văn hoá, lịch sử và kiến trúc độc đáo Cố đô xưa. Một trong số đó là chùa Giác Lương – ngôi chùa vang bóng một thời chốn làng xưa.

Chùa Giác Lương mang những nét kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu cho một ngôi chùa làng ở xứ Huế xưa. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Hiền Lương. Chùa được xếp hạng là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia.

  1. Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
  2. Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  3. Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
  4. Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
  5. Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm

Vị trí chùa Giác Lương

Chùa Giác Lương nằm cách trung tâm thành phố Huế 21km về phía Tây Bắc, gần cầu An Lỗ. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa thuộc địa phận làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chùa sau này được trùng tu nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính_Ảnh sưu tầm

Lịch sử hình thành 

Chùa Giác Lương do bà Hoàng Thị Phiếu và các tộc trưởng của các họ trong làng Hiền Lương xây dựng vào thời Lê Trung Hưng ở xứ Cồn Bệ. Sau đó dời đến vị trí hiện nay.

Triều vua Thiệu Trị (1841 – 1847), do kiêng húy tên Hoàng thái hậu Hồ Thị Hoa, theo luật lệ làng Hoa Lang phải đổi tên. Đương thời dân làng có Bình Thắng Nam – Chưởng phủ sự Nguyễn Lương Nhàn, từng lập nhiều công lớn. Cùng con trai là Phò mã của vua Minh Mạng. Hai người tâu xin được vua ban đổi tên Hoa Lang thành Hiền Lương (tỏ ý khen ngợi làng này xuất sinh nhiều vị hiền thần, lương tướng phò vua giúp nước). Từ đây, hiệu chùa trở thành “Giác Lương Tự.”

Cổng Tam quan đồ sộ_Ảnh sưu tầm

 

Sau khi chế độ quân chủ chấm dứt, đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước (1945 – 1975). Làng Hiền Lương bị tàn phá ác liệt, tất cả nhà cửa, đình miếu bị đốt phá, hủy hoại tan hoang. Nhưng kỳ diệu thay, ngôi chùa Giác Lương vẫn còn tồn tại.

Kiến trúc độc đáo của chùa Giác Lương

Chùa có lối kiến trúc độc đáo_Ảnh sưu tầm

 

Về nội thất chùa, từ bộ khung đến hệ thống liên ba, cửa bảng khoa đều trang trí, chạm nổi hình bát bửu, tứ linh, tứ thời và các kiểu hoa văn tinh xảo. Một nét nghệ thuật đặc sắc của chùa Giác Lương là các mảng trang trí bằng mảnh sành sứ rất sinh động.

Cổng Tam quan

Cổng Tam quan đồ sộ, trên có lầu, dưới có ba cửa ra vào. Bước vào cổng, có hai vị Đại Lực Sĩ Kim Cương đứng đối diện nhau, ở hai bên tả hữu phía trong Cổng Tam Quan. Họ là những vị thần Hộ Pháp của Phật giáo, còn gọi là “Chấp Kim Cương”.

Một trong hai Đại Lực Sĩ Kim Cương_Ảnh JourneysinHue

Khuôn viên chùa Giác Lương

Chùa có khuôn viên rộng rãi, xây theo hướng Nam với chiều dài 14,60m, rộng 11,48m. Sườn mái chùa bằng gỗ, lợp ngói liệt, gồm 2 gian và 4 chái. Sát bên chùa có nhà Tăng. Khuôn viên chùa được bao bọc bởi la thành hình chữ nhật, dài 79m cao 1,20m dày 0,50m. Mặt trước la thành xây trụ biểu.

Khuôn viên chùa rộng rãi_Ảnh JourneysinHue

 

Đặc biệt, trước sân chùa về bên phải có một gốc sứ tuổi thọ trên 200 năm. Cây có hình dáng rất cổ quái, xứng đáng là một cây di sản, rất cần được quan tâm bảo vệ.

Có người khẳng định đây là gốc sứ cổ nhất ở Huế_Ảnh: HK

Chính Điện

Chính điện của chùa có hai gian bốn chái. Hai chái sau khá rộng, là nơi lưu giữ nhiều sắc phong và các tài liệu thư tịch cổ. Hai chái trước đặt giá treo chuông đồng và trống theo nguyên tắc “tả chung hữu cổ.” Trong Chính điện, gian bên trái tôn trí bộ tượng Quan Công, Quan Bình, Châu Xương (Tam thế Phật), chạm trổ tinh tế, sơn son thếp vàng.

Chính Điện chùa_Ảnh sưu tầm

Gian bên phải treo 17 sắc phong thành hoàng, tiền hậu khai canh, thủy tổ các tộc họ trải qua các triều vua Nguyễn. Trên bao lam ở gian giữa chùa treo bức hoành phi đề “Giác Lương Tự.” Hai bên treo câu đối làm vào mùa đông năm Kỷ Mão – Gia Long (năm 1819).

Phù điêu Long Mã hai bên chính điện_Ảnh sưu tầm

Tiếng chuông chùa

Tại chùa còn lưu giữ quả chuông lớn, đúc năm 1819. Năm này, trong làng có hai mươi vị quan chức thành đạt tiêu biểu đã phát tâm đúc chuông lớn (Đại hồng chung), tạo tượng cúng lên chùa và trùng tu Giác Lương. Thân chuông đúc tên những người thợ rèn tài ba, những quan lại và hai mươi vị quan trên.

Chuông chùa Giác Lương_Ảnh sưu tầm

Miếu thờ

Trong khuôn viên chùa còn có các Miếu: Cao các thành hoàng, Đặc tấn phụ quốc thượng tướng quân Trần Quý Công và hai vị Dương Đại Lang.

Lễ chùa là một sự kiện lớn của người dân nơi đây_Ảnh Thừa Thiên Huế Online

Chùa Giác Lương góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử hình thành, phong cách, kiến trúc chùa xứ Huế, trong dặm dài của kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Hãy theo chân Hành trình du lịch về làng Hiền Lương, thăm chùa Giác Lương, để chiêm ngưỡng công trình đặc biệt này.

 

Người viết: Trường An

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on