Lăng Chiêu Nghi – khu lăng mộ duy nhất thời các chúa Nguyễn còn giữ được nguyên vẹn sau những biến cố cuối thế kỷ 18 tại Huế
Huế luôn nổi tiếng trong mắt du khách với nhiều công trình đồ sộ, gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Một trong số đó là những lăng mộ nổi tiếng mà khi đến Huế du khách không thể bỏ lỡ. Sau đây, mời bạn cùng Hành trình du lịch tham quan lăng Chiêu Nghi – khu lăng mộ các chúa Nguyễn thế kỷ 18.
- Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
- Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
- Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
- Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
- Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm
Đôi nét về lịch sử hình thành
Giới thiệu về chủ nhân lăng mộ
Bà Chiêu Nghi tên thật là Trần Thị Xạ, người xã Trung Quân, huyện Khang Lộc. Đến thời Minh Mạng được đổi là huyện Quảng Ninh, thuộc tỉnh Quảng Bình. Bà sinh năm Bính Thân (1716). Do có nhan sắc và đức hạnh, năm 20 tuổi bà được chọn vào Thanh cung hầu Tiềm đế. Nhờ vào dung hạnh, thận trọng lời ăn tiếng nói, hành động phép tắc, biết chiều chuộng nên bà được Chúa rất sủng ái. Khi Võ Vương lên ngôi, bà được tấn phong Quý nhân. Bà sinh hạ được 4 công tử và 2 cung nữ, “thảy đều tư chất rỡ ràng như ngọc đúc, thiên hương ngọt ngào tựa gấm thêu”.
Đây là nơi an nghỉ của bà Trần Thị Xạ (1716 – 1750) vợ của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát – vị chúa Nguyễn thứ 8 của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam_Ảnh: sưu tầm.
Ý nghĩa lăng mộ
Ngày 22/7 Canh ngọ, năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750), bà bệnh nặng, không chạy chữa khỏi và qua đời khi mới 35 tuổi. Chúa rất thương tiếc, sắc phong Chiêu Nghi Liệt Phu Nhân, thụy Từ Mẫn. Lăng táng tại làng Dương Xuân (Hương Thủy, Thừa Thiên – nay thuộc phường Thủy Xuân, TP. Huế). Chúa còn cho dựng bia lớn trước lăng, ghi lại công hạnh và niềm tiếc thương đối với bà. Tấm bia bằng đá, dựng trên bệ, cao 3,1m, rộng 1,4m, có nhà bia nay đã sập, tấm bia trơ gan cùng tuế nguyệt đã gần 300 năm nhưng nét chữ, các hoa văn chạm khắc vẫn còn rất rõ.
Chúa còn cho dựng bia lớn trước lăng_Ảnh: sưu tầm.
Bí ẩn lăng mộ
Các nhà nghiên cứu khẳng định, lăng mộ bà Chiêu Nghi là khu lăng mộ duy nhất thời các chúa Nguyễn còn giữ được nguyên vẹn tại Huế sau những biến cố với nhà Trịnh, đặc biệt là với nhà Tây Sơn ở cuối thế kỷ 18.
Đây là hình mẫu để triều đình tham khảo, phục chế lăng tẩm_Ảnh: sưu tầm.
Sau khi Gia Long Nguyễn Ánh hoàn thành đế nghiệp, kiến trúc lăng mộ Chiêu Nghi Phu nhân chính là hình mẫu để triều đình tham khảo, phục chế lăng tẩm các tiền nhân thời chúa Nguyễn đã bị hủy hoại. Tại sao tất cả lăng mộ của vương tộc nhà Nguyễn đều bị phá hủy, riêng lăng mộ bà Chiêu Nghi thì không bị xâm hại cho đến nay vẫn là một ẩn số đối với giới nghiên cứu.
Chính vì những lý do trên, thiết nghĩ lăng mộ Chiêu Nghi rất đáng là một di tích cần được quan tâm quản lý, gìn giữ như một “tiêu bản” kiến trúc quý hiếm thời chúa Nguyễn để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn về sau.
Kiến trúc “tiêu bản” quý hiếm
Lăng Chiêu Nghi có lối kiến trúc “tiêu bản” vô cùng quý hiếm. Vì vậy, các vua Nguyễn đã cho khôi phục hệ thống lăng mộ các đời chúa Nguyễn theo lăng này. Điều này lý giải vì sao tất cả các lăng mộ thời tiền Nguyễn ở Huế hiện nay đều có kiểu thức giống hệt nhau.
Dựa trên kiến trúc lăng Chiêu Nghi, các vua Nguyễn đã cho khôi phục hệ thống lăng mộ các đời chúa Nguyễn_Ảnh: sưu tầm,
Khuôn viên lăng mộ
Khu lăng mộ được bao bọc bởi 2 vòng thành bằng gạch. Vòng ngoài có 2 trụ cổng. Vòng trong có cổng vòm ra vào. Chiếm phần lớn diện tích bên trong, hơi dịch về phía sau là một nền vôi, đắp cao chừng 0,6m. Trên nền ở trung tâm là nấm mộ nhỏ 2 tầng hình chữ nhật được xây bằng gạch, trát vôi. Trải qua hàng ngàn năm, lớp vôi ấy đã bong ra. Tại chỗ bong, ta có thể thấy rõ tầng dưới được xây bởi 3 lớp gạch, đặt nằm, tầng trên nhỏ và thấp hơn.
Cánh cổng ra vào lăng chính là một cánh cổng kiểu mẫu cho các lăng tẩm còn lại của 9 vị chúa Nguyễn_Ảnh: sưu tầm.
Vòng thành ngoài của lăng có kích thước 39mx33m, cao 1,79m. Vòng thành trong 16mx9m80, cao 1,68m; cổng vòm ra vào cao 1,9m, rộng 1,31m. Nhà bia dựng cách vòng thành ngoài 8,27m.
Tấm bia đặc biệt
Văn bia chữ Hán dài 883 chữ, khắc theo lối chân phương. Từng chữ trên bia là lời lược thuật về cuộc đời, phẩm hạnh của bà Chiêu Nghi. Không những thế, những dòng chữ còn bày tỏ niềm tiếc thương của chúa Nguyễn dành cho bà. Trên đầu bia có dòng chữ Hán “Việt cố Quý tần tặng Chiêu Nghi – Từ Mẫn Trần liệt phu nhân chi mộ”(Mộ bà phu nhân họ Trần, Quý tần cũ nước Việt, tặng Chiêu Nghi thụy Từ Mẫn).
Dưới trán bia khắc một dòng chữ Hán lớn đề tên bia “Việt cố quý tần tặng Chiêu Nghi Trần phu nhân mộ chí minh”_Ảnh: sưu tầm.
Với gần 300 năm trơ gan cùng tuế nguyệt, tấm bia vẫn còn đó. Những đường nét chạm khắc thể hiện qua các đường diềm của bia. Hình ảnh chim phụng được cách điệu trên trán bia. Hình ảnh mây lá của tai bia vẫn còn hiện lên một cách rõ nét và sinh động. Sự bề thế, vững chãi của lăng như khắc họa lại một thời huy hoàng của vương triều Đàng Trong.
Ngoài ra, lăng Chiêu Nghi hiện vẫn còn sừng sững một tấm bia cao 3m được khắc dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát_Ảnh: sưu tầm.
Ngôi mộ Chiêu Nghi
Bên trong lăng, nằm ở vị trí trung tâm chính là ngôi mộ hai tầng của Chiêu Nghi phu nhân. Phía trước ngôi mộ được đặt một hương án.
Lăng mộ đơn sơ nhưng chứa đựng nhiều giá trị_Ảnh: sưu tầm.
Lăng Chiêu Nghi ngoài giá trị sử học, minh chứng cho kiến trúc lăng mộ tiền Nguyễn hiện còn trên đất Huế. Nội dung trên văn bia mang giá trị văn học, giá trị nhân văn vô cùng to lớn. Ngoài ra, nó còn thể hiện đạo lý vợ chồng và nhân cách sống của con người thời đại trước. Và những nhân cách ấy ngày nay vẫn còn được người Việt ta giữ nguyên giá trị.
Người viết: Trường An