Blog

Làng Phước Tích – làng gốm đỏ lửa hơn 500 năm

Gác lại sự bận bịu, xô bồ của cuộc sống, Hành trình du lịch sẽ đưa bạn đến một nơi yên bình: làng cổ Phước Tích. Được bao bọc bởi sông Ô Lâu huyền thoại, làng Phước Tích ngoài chứa đựng bề dày văn hóa – lịch sử còn có vẻ đẹp thiên nhiên làm lòng người cảm thấy nhẹ nhàng.

  1. Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
  2. Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  3. Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
  4. Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
  5. Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm

Vị trí làng cổ Phước Tích

Phước Tích là một ngôi làng cổ thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Phước Tích cách trung tâm Thành phố Huế khoảng 40km về hướng Bắc.

Cách di chuyển nhanh nhất đến làng Phước Tích là đi đường Lý Thái Tổ ra ngoài thành phố. Sau đó, tiếp tục đi thẳng đến Quốc lộ 1A và rẽ vào Quốc lộ 49B. Tiếp tục chạy khoảng 1km là đến làng Phước Tích, sau khi qua cây cầu cùng tên.

Làng Phước Tích nhìn từ trên cao_Ảnh sưu tầm

Làng có vị thế đặc biệt, nằm giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Có dòng sông Ô Lâu hiền hòa, bao bọc gần ⅔ làng. Do đó, khi nhìn từ trên cao, làng Phước Tích có hình dạng giống hũ rượu hay móng ngựa.

Lịch sử hình thành

Làng cổ Phước Tích được thành lập vào năm 1470 (tức năm Canh Dần). Bấy giờ, dưới thời vua Lê Thánh Tông, ngài thủy tổ họ Hoàng là Hoàng Minh Hùng sau khi chiến thắng quân Chiêm Thành trở về. Ông nhận thấy vùng đất này là nơi “đất lành chim đậu” đã thành lập làng. Việc này được ghi chép chi tiết trong gia phả họ Hoàng. 

Làng Phước Tích bên dòng sông Ô Lâu huyền thoại_Ảnh CAND

Thời kỳ đầu, làng có tên là Phúc Giang, Phúc trong từ “phúc lộc”, Giang có nghĩa là sông. Với mong muốn ngôi làng kề sông nước có nhiều phúc nhiều lộc như chính tên gọi. Khi đến thời Tây Sơn, làng được đổi tên thành Hoàng Giang để tưởng nhớ đến dòng họ Hoàng đã khai canh vùng đất này. Vào năm 1802, khi vua Gia Long lên ngôi đã đặt tên làng là Phước Tích như ước nguyện của người dân tích lũy phúc đức cho con cháu sau này.

Nghề gốm lâu đời

Làng Phước Tích nổi tiếng xưa nay với nghề làm gốm. Vùng đất này không có ruộng để người dân trồng trọt, canh tác. Người dân chỉ có thể sống bằng nghề làm gốm. Gốm Phước Tích được làm từ đất sét và nung theo phương pháp truyền thống. Các sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi, không chỉ bởi độ bền mà còn đặc biệt bởi không có cái nào giống cái nào, có màu sắc khác nhau. Các sản phẩm sau khi nung mặc dù không tráng men nhưng vẫn có lớp men nổi bên ngoài, không bị thẩm thấu.

Gốm Phước Tích_Ảnh CAND

        Thời kỳ hưng thịnh của làng gốm

Ở thời kỳ hưng thịnh, gốm làng Phước Tích được đem đi buôn bán khắp các tỉnh miền Trung. Bờ sông Ô Lâu có đến 12 bến nước tượng trưng cho 12 con giáp. Cả làng có hơn 10 lò gốm đỏ lửa suốt ngày đêm đem lại sự giàu có và tiếng tăm qua bao thế hệ. 

Bến nước là nơi giao thương buôn bán của người dân ngày trước_Ảnh Vntrip

Sản phẩm gốm Phước Tích còn dùng để tiến vua. Nổi tiếng nhất là những chiếc “om ngự” để nấu cơm cho vua ăn.

 “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế
Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”

Om Ngự_Ảnh Văn Học Sài Gòn

Lò nung các sản phẩm gốm được gọi là “lò cóc” vì có có hình dáng bầu bầu như bụng cóc. Lò gốm dài khoảng 30m, phía trên có mái che bằng tranh. Gốm Phước Tích được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Các sản phẩm được tạo hình bằng tay khi đặt lên bàn xoay tạo ra các sản phẩm vô cùng đẹp mắt bởi các nghệ nhân ở đây.

Lò gốm Phước Tích_Ảnh Sưu tầm

Trải qua một thời kỳ dài lịch sử, gốm Phước Tích thịnh suy theo thời gian. Ngày nay có nhiều sản phẩm gốm sứ công nghiệp với độ tinh xảo, màu sắc, mẫu mã vô cùng phong phú ra đời. Vì thế, gốm Phước Tích không thể cạnh tranh lại. Làng gốm chính thức tắt lửa vào năm 1980 với hơn 500 năm hoạt động, làm cho bao người nuối tiếc.

Khôi phục nghề làm gốm truyền thống_Ảnh Báo Gia Lai

Ngày nay, làng Phước Tích được đưa vào hoạt động du lịch, một số lò gốm hoạt động trở lại để phục vụ khách tham quan. Sản phẩm gốm ngày càng cải tiến về mẫu mã và chất lượng. Bởi những nghệ nhân và một vài người trẻ với ước muốn làm sống dậy nghề gốm nổi tiếng ở làng.

Tham quan làng cổ Phước tích

            Vẻ đẹp yên bình của làng quê Việt Nam

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng Phước Tích vẫn giữ được nét nguyên sơ với đời sống sinh hoạt của làng quê Việt Nam. Bên cạnh dòng sông Ô Lâu trong xanh, hiền hòa, ngôi làng cổ có những nét đẹp rất riêng kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây.

Du khách đạp xe tham quan ngôi làng cổ_ Ảnh UBND TT-Huế

Hệ sinh thái làng Phước Tích rất phong phú với nhiều loại cây tươi tốt, rợp mát đường đi. Đặc biệt là những khu vườn của người dân có rất nhiều cây ăn quả như vải, mít,… Bạn có thể thuê xe đạp để tham quan các ngôi nhà cổ trong làng và cảm nhận không khí trong lành dưới những con đường rợp bóng cây xanh, bỏ qua sự ồn ào chốn phố thị.

            Tham quan nhà rường

Làng Phước Tích có hệ thống nhà rường cổ kính mang giá trị văn hoá vô cùng to lớn. Với nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của xứ Huế là ba gian hai chái và một gian hai chái và được chạm khắc những hoa văn vô cùng tỉ mỉ, sắc sảo. Nơi đây có hơn 30 nhà rường với tuổi thọ hàng trăm năm. Tuy nhiên chỉ có người già trông coi, gìn giữ vì các thế hệ con cháu đi làm ăn xa. Những năm gần đây, đa số các nhà rường được nhà nước quan tâm và tu sửa. Đây chính là nơi lưu trữ giá trị văn hóa và điểm đến du lịch tham quan hấp dẫn của làng.

Nhà rường làng Phước Tích_Ảnh Sưu tầm

Sân gạch và ngói liệt lợp nhà đều làm từ lò gốm Phước Tích mang vẻ đẹp rêu phong, cổ kính. Trong sân nhà rường đều có bức bình phong để chắn gió độc. Phía sau bình phong còn có bể nước, ngày trước người dân múc nước ở đây để dập lửa phòng khi hỏa hoạn, vì lò gốm ngay sát gần nhà.

Nhà rường của ông Lê Trọng Phú_Ảnh infonet

Không gian nhà rường vô cùng thoáng đãng với sân vườn rất rộng, cây cối xum xuê, tươi tốt. Trong vườn có đa dạng loại cây ăn quả có thể kể đến như cau, chuối, mít, vải… Các nhà rường chỉ ngăn cách với nhau bằng hàng chè tàu uốn lượn, được cắt tỉa gọn gàng tạo vẻ đẹp cuốn hút kỳ lạ.

Những bờ chè tàu uốn lượn_Ảnh sưu tầm

           Những công trình mang đậm giá trị tín ngưỡng

Miếu cây thị hay Miếu Bà là nơi linh thiêng của làng. Ở đây có cây thị trên 700 tuổi, là nhân chứng sống của làng. Theo dòng thời gian, cây thị vẫn phát triển tươi tốt và trở thành nét đặc trưng của nơi này. Miếu cây thị là nơi thờ nữ thần Ponagar – biểu tượng thiêng liêng của người Chăm. Nơi đây là chốn tâm linh, mang giá trị tinh thần vô cùng sâu sắc của người dân trong làng.

Miếu cây thị_Ảnh Sưu tầm

Làng Phước Tích còn có rất nhiều địa điểm khác mang đậm nét tín ngưỡng của người dân xứ Huế như là các nhà thờ họ tộc, Miếu Đôi, chùa Phước Bửu, miếu Âm Hồn,…

Miếu đôi_Ảnh Redsvn.net

          Tham quan “bảo tàng” gốm của ông Lê Trọng Diễn

Một tâm huyết với nghề làm gốm, ông Lê Trọng Diễn xây dựng ngôi nhà lưu giữ tất thảy tinh túy của nghề gốm làng Phước Tích. Đây là bộ sưu tập duy nhất có đầy đủ các sản phẩm như chậu, om, niêu, âm, tộ, cối, đèn dầu, bình vôi, chum, ghè,… từ thời hoàng kim của nghề gốm.

Nơi lưu giữ gốm Phước Tích của ông Lê Trọng Diễn_Ảnh Sưu tầm

Hiện nay, làng Phước Tích đã mở lại một số lò gốm để sản xuất. Bạn có thể tới đây xem các nghệ nhân làm gốm và tự tay làm một sản phẩm đơn giản như tò he, tu huýt,… để làm vật lưu niệm.

Du khách tự tay làm những sản phẩm bằng gốm_Ảnh sưu tầm

Những sản phẩm mới của làng Phước Tích_Ảnh Sưu tầm

            Thưởng thức ẩm thực

Người dân làng Phước Tích không chỉ khéo tay với nghề làm gốm mà còn ở nghề làm bánh. Làm bánh trở thành kế sinh nhai của người dân khi các lò gốm không còn hoạt động. Các loại bánh nổi tiếng ở làng như bánh phu thê, bánh lá gai, bánh khoai tía,… Tất cả được làm để phục vụ khách du lịch và người dân trong vùng.

Người dân làm các loại bánh truyền thống_Ảnh Sưu tầm

        Bánh bông cây vô cùng lạ mắt

Đây còn có loại bánh độc đáo là bánh bông cây, ngày xưa dùng để dâng lên vua chúa. Bánh này có nguồn gốc ở làng Văn Xá, quê của vợ vua Gia Long là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu. Bánh bông cây được làm từ nguyên liệu đậu xanh và đường kính trắng như bánh đậu xanh trái. Bánh được tạo hình thành củ gừng, củ sâm, bông hoa. Bánh được nhuộm bằng các màu tự nhiên nhưng vô cùng bắt mắt.

Bánh bông cây (Ảnh: Sưu tầm)

Xem thêm: Bánh đậu xanh trái – món bánh “quý tộc” đất Kinh kỳ

Hiện tại chỉ còn nghệ nhân Hồ Thị Kiều là người cuối cùng làm được loại bánh này.

Nghệ nhân Hồ Thị Kiều_Ảnh sưu tầm

Ngoài ra, khi đến đây bạn có thể có cơ hội tham gia chợ quê, trải nghiệm gánh nước ở bến sông Ô Lâu và các hoạt động khác của người dân trong vùng.

Làng Phước Tích là ngôi làng cổ thứ 2 của Việt Nam được công nhận là Di tích quốc gia năm 2009. Nơi đây mang vẻ đẹp yên bình của một làng quê nay đã sôi nổi hơn. Bởi sự sống dậy của nghề gốm và những hoạt động hấp dẫn khác. Hành trình du lịch tin chắc, làng sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị.

 

Người viết: Mai Vui

 

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on