Blog

Đã tới Huế mà không ăn chè Huế thì tới làm chi

Đó là câu nói có phần đùa nhưng nhiều phần thiệt của mấy cô gái Huế. Vì để hiểu phụ nữ Huế ngọt ngào làm sao, dịu dàng làm sao, nhẹ nhàng làm sao, chỉ cần “nếm” thử qua ly chè Huế. 

  1. Kế Hoạch Du Lịch Huế – Đi Đâu và Ăn Gì?
  2. Những Trải Nghiệm Phải Thử Khi Du Lịch Huế
  3. Lịch trình rong ruổi Huế 2 Ngày 1 Đêm
  4. Lịch trình khám phá ẩm thực xứ Huế 2 ngày 1 đêm
  5. Lịch trình trải nghiệm Huế 2 ngày 1 đêm

Đã tới Huế mà không ăn chè Huế thì tới làm chi! (Ảnh Khám phá Huế)

Chè thì đâu cũng có nhưng mà chè Huế có cái ngọt, cái thanh, và cả cái lạ mà nơi khác không có được.

Nên đã thăm Huế là phải ăn chè.

Ăn chè Huế ở mô?

Yên tâm là gần như mô cũng có. Buổi ngày thì cứ đi vào trong các chợ. Chợ nào cũng chắc chắn có một vài hàng chè. Từ chè ăn tại chỗ tới chè có thể mua về. Thậm chí, có kiểu ăn chè mà mấy o trong chợ nói: “cắn nơi cái khu mà mút”. Khu, là cách người Huế nói tới cái đít, tức là cái hậu môn. Ý là, có thể cắn cái bịch chè ở phía sau rồi mút. Món chè mà mút này thường là chè đậu ván, chè xanh đánh, à, thậm chí chè bột lọc.

Bịch chè Huế (Ảnh Việt giải trí)

Lội tìm Hẻm chè Huế

Và hoặc là đến quán chè Hẻm trên đường Hùng Vương. Đây là quán chè nổi tiếng đến mức mà đã có du khách đi vào chợ Đông Ba rồi dõng dạc kêu: “Cho tui một ly chè hẻm”, vì tưởng chè hẻm là một loại chè kiểu như chè đậu xanh, chè bắp… Quán chè Hẻm có từ lâu ở Huế, luôn được du khách tìm đến, để thử những món như chè thập cẩm, chè đậu xanh dừa, chè bột lọc bọc thịt quay.

Địa chỉ: Số 1 Kiệt 29 Hùng Vương, TP. Huế

Các món chè Hẻm đường Hùng Vương Huế (Ảnh DichoHue)

Quán ruột thời áo trắng

Hoặc có thể ghé chè Tý trên đường Trần Phú. Quán này xưa học sinh, sinh viên đến ăn rất đông… đến mức từ một cái nhà lụp xụp xây được thành căn nhà to đùng. Quán chè này xưa nổi tiếng nhờ rẻ, mà ngon. Những món chè nên thử ở quán này là chè chuối, chè đậu xanh đánh.

Địa chỉ: 45 Trần Phú, An Cựu, Huế

Đa dạng các món chè ở Quán Tý, Trần Phú, Huế. (Ảnh Foody)

Quán chè lâu đời

Hoặc có thể chạy về đường Thanh Tịnh để tìm quán chè Ông Lạc. Quán mở ra từ năm 1982, do một người phụ nữ tên Lạc từ Quảng Nam theo chồng ra Huế dựng nên. Một quán chè be bé nằm trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo nhưng được rất nhiều người tìm đến. Quán chè Ông Lạc nổi tiếng với món chè đậu nành, gồm đậu nành trộn chung với đậu đỏ, nấu đặc sệt, đã béo càng thêm ngậy với phần nước cốt ăn cùng.

Địa chỉ: 36 Thanh Tịnh, P. Vĩ Dạ, TP. Huế

Chè đậu nành nổi tiếng quán Ông Lạc. (Ảnh DichoiHue)

Mê màu tía, ghé chè Cầm

Ngại chạy về đường Thanh Tịnh có phần xa, thì bạn có thể ghé quán chè Cầm trên đường Nguyễn Sinh Cung. Hai món chè Khoai tía, hoặc chè Môn Sáp vàng của quán là những món lạ để bạn có thể thử.

Địa chỉ: 10 Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế

Bạn thích thử chè màu gì ở quán chè Cầm? (Ảnh Foody)

Hoặc phía đường Trần Hưng Đạo, tối nào cũng quá trời quán đến mức đông nghịt, đông đen.

Ăn chè chi lạ ở Huế?

Xưa ở Sài Gòn mọc lên mấy quán có tên chè Cung Đình, nhiều người vô ăn. Nhưng người Huế ở Sài Gòn thì thấy lạ lắm, vì đó giờ chưa nghe tên chè Cung Đình. Đúng là, chè thì ở trong cung cũng ăn, ở ngoài đường cũng ăn… nhưng chưa vì thế mà có luôn tên chè Cung Đình bao giờ.

Những bát chè cung đình quý phái. (Ảnh dulichkhampha24)

Nhưng cung đình hay dân gian, thì cũng đều thích hai món chè là Bột LọcĐậu Xanh Đánh. Hai món mà nhiều người Huế đã nói là chè ni Rất Huế (ăn theo tên bài thơ Rất Huế của nhà thơ Huỳnh Văn Dung).

Chè Bột Lọc

Chè Bột Lọc nổi tiếng gần xa với nhân là thịt quay. Nhưng bạn cũng có thể thử với nhân là đậu phộng (lạc) rang, hoặc dừa. Húp miếng nước, rồi ngậm mà nghe, thoang thoảng mùi gừng, ngòn ngọt thanh thanh trong miệng. Sau đó, cắn cái cụp nữa, bột lọc dai dai, cái nhân beo béo… nghe sướng tới chân răng, nghe ngọt trong cái cổ. Trời lạnh thì ăn nóng, trời nóng thì ăn với đá. Nhưng nhớ ăn ít thôi, vì bột lọc thuộc dạng làm nặng bụng.

Chè bột lọc nổi tiếng xứ Huế. (Ảnh Epetitions)

Chè Bột lọc bọc Heo quay là thức chè chỉ có ở Huế. Có nhiều người ăn món này vì đã lỡ ăn, mê không cưỡng được. Có người thì chỉ ăn vì tò mò, nhưng sau đó không thấy quen quen, nhất là cái cảm giác chi lạ: thịt mặn mà nằm trong chè ngọt. Kiểu: ăn thấy lạ, mà sao kỳ kỳ, kỳ cục, ăn một lần cho biết rồi thôi. Phe khen ngon là vì thấy miếng heo quay trong nhân chè sao giòn thế, thơm thế, và không có cái vị của miếng heo quay thường ăn với bánh mì, với nước mắm. Thịt chỉ mặn chút chút gọi là. Thịt không béo quá. Và nhờ thế vị mặn, vị béo đó dung hòa với vị ngọt của chè.

Chè bột lọc heo quay – thức chè lạ chỉ có ở Huế. (Ảnh Cách làm bếp)

Chè Đậu xanh đánh

Chè Đậu xanh đánh được người Huế gọi là Xanh đánh. “O, cho ly xanh đánh!” là người bán chè hiểu. Và xanh đánh là để phân biệt với chè xanh hột. Ăn chè xanh đánh mà thấy đậu xanh được đánh nhuyễn, mịn cỡ mô là biết bàn tay khéo léo với sự chịu khó chịu thương của người nấu. Nhất là trước đây, khi chưa có máy móc hỗ trợ, người nấu chè chỉ bằng nắm đũa tre mà đánh, đánh tới đánh lui, đánh lui đánh tới kiên nhẫn cho đến khi nhuyễn, mà nhuyễn tới mức nhừ. Chè đậu xanh đánh nay có màu vàng tươi. Nhuyễn tới mức múc chè vô chén, úp chén ngược lại chè không rớt ra. Ăn chè xanh đánh đừng nhai, ngậm trong lưỡi cho chè thấm trên lưỡi rồi tan trong miệng. 

Chè xanh “đánh tới đánh lui”. (Ảnh Giadinh.vn)

Ngoài ra, chè Bắp ở Huế cũng lạ lắm.

Huế còn chè kê, chè khoai tía, chè khoai, chè trái cây, chè hạt sen bọc nhãn lồng… thôi thôi kể nữa thì dài lắm, xin hẹn bài sau.

Chè Huế phong phú vô cùng. (Ảnh sưu tầm)

Để tìm hiểu thêm về các món chè Huế đã được giới thiệu, Hành trình Du lịch mời bạn tìm thêm ở các link sau:

Ba món chè “mặn” ở Huế – liều thuốc dân gian

Bột lọc heo quay – thức chè kỳ lạ

Ba Khang

Post a Comment

Lập kế hoạch hành trình du lịch cùng Thanktrip!

Follow us on